Vận động để người dân dồn điền, đổi thửa

Hải Nhi (thực hiện) 28/03/2017 10:10

“Hiện tỉnh Hải Dương có 265 xã, trong đó 226 xã thuộc diện xây dựng nông thôn mới cơ bản đã vận động thực hiện dồn điền đổi thửa. Mặt trận với vai trò chức năng nhiệm vụ của mình đã đi sâu sát tới cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, cùng với chính quyền vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, nhằm sản xuất theo mô hình mới đang thu được hiệu quả cao”- ông Nguyễn Văn Thu- Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương chia sẻ với Đại Đoàn Kết.

PV: Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất là chủ trương lớn trong xây dựng nông thôn mới. Đây là giải pháp giúp đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đồng thời nâng cao đời sống cho người nông dân. Trong thời gian qua, MTTQ tỉnh Hải Dương đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thu: Tại Hải Dương giờ đang có hiện tượng nông dân thấy sản xuất nông nghiệp không có hiệu quả, nên họ không còn thiết tha với đồng ruộng. Có nhiều ý kiến nói rằng việc mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất khiến nông dân không có đất để sản xuất, nhưng cũng có vùng nông dân để đất trắng không sản xuất. Nhằm giải quyết vấn đề này Mặt trận đang tập trung cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền vận động nhân dân làm thế nào để tận dụng nguồn tài nguyên, nguồn đất của mình phát triển sản xuất bằng cách có thể là chuyển đổi để người ta tích tụ ruộng đất lại, đổi mới phương thức sản xuất thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và thương hiệu. Từ đó giúp người nông dân ổn định cuộc sống.

Hiện nay mỗi hộ gia đình có khoảng 3, 4 sào Bắc Bộ như vậy sản xuất không hiệu quả, nhưng 10 - 20 hộ gia đình dồn lại cho một người đứng ra sản xuất theo mô hình mới đang thu được hiệu quả cao. Mặt trận hiện đang tới những vùng nông dân không thiết tha với đồng ruộng để vận động những hộ này tích tụ ruộng đất.

Thông qua thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Mặt trận với vai trò chức năng nhiệm vụ của mình đã đi sâu sát tới cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, cùng với chính quyền vận động nhân dân. Có những mô hình vận động thực sự có hiệu quả. Chúng tôi đến từng gia đình, đặc biệt ở một số vùng trũng, vùng sâu mà người ta vẫn giữ lối sản xuất cũ để phân tích cho người dân thấy, không sản xuất theo cách thức mới thì năng suất chất lượng không cao, không đồng đều. Chúng tôi phải vận động làm sao để người dân sở hữu ruộng đất có thể cho đối tượng nào đó thuê lại để sản xuất lớn, sản xuất nông nghiệp sạch rồi chính gia đình cho thuê đất có thể đi làm thuê cho người đứng ra sản xuất lớn, hay những mô hình sản xuất sạch đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Ông có thể cho biết một số mô hình đang hoạt động hiệu quả?

- Ở huyện Bình Giang hiện nay đã có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, cho năng suất cao như trang trại chăn nuôi ở xã Bình Xuyên. Toàn huyện có 16 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó 6 xã đạt tiêu chí về thu nhập gồm: Thái Học, Nhân Quyền, Hưng Thịnh, Vĩnh Tuy, Hùng Thắng và Thục Kháng. Có sáu xã gần đạt là: Bình Xuyên, Long Xuyên, Vĩnh Hồng, Tân Việt, Cổ Bì. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm. Hiện nay hầu hết các xã đạt tiêu chí thu nhập 20 triệu đồng/người/năm.

Người nông dân mua cả máy gặt, máy đập, máy cấy về sản xuất trên một diện tích đã dồn lại thành lô, thành thửa. Đặc biệt vừa rồi các xã đã thực hiện chương trình dồn điền, đổi thửa để xây dựng nông thôn mới. Có thể các hộ trong các xã trước đây có 5-7 mảnh, mỗi mảnh chỉ khoảng 1 sào, có khi không được. Thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún đó không thể nào cho phép đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, chủ trương dồn điền đổi thửa của tỉnh Hải Dương được người dân hưởng ứng ra sao?

- Dồn điền, đổi thửa là chủ trương trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền có đề án giao cho các cấp thực hiện. Tuy nhiên để thực hiện được việc này Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể, các thành viên của Mặt trận cùng vào cuộc thì người dân mới hưởng ứng. Bước đầu là rất khó bởi có những lý do rất đơn giản như khu ruộng này tốt, khu ruộng kia xấu hay khu này gần đường, thuận tiện giao thông hơn khu ruộng kia.... Nhưng sau một thời gian vận động toàn tỉnh Hải Dương có 265 xã, phường, trong đó 226 xã thuộc diện phải xây dựng nông thôn mới thì cơ bản đã thực hiện dồn điền đổi thửa, và mỗi hộ tính bình quân sở hữu từ 2,5 thửa đến 3 thửa để sản xuất.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận động để người dân dồn điền, đổi thửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO