Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay

Nguyễn TúcỦy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 06/11/2019 09:15

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công phải có lực lượng cách mạng. Muốn có lực lượng phải đoàn kết. Đoàn kết là có một lực lượng vô địch, cách mạng là công việc chung của dân chúng chứ không phải là công việc của một vài người, vì thế, phải đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay

Bác Hồ thăm nông dân gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Đây chính là chiến lược đại đoàn kết của Đảng từ khi Đảng ra đời đến nay. Người khẳng định: “Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm cách mạng tháng Tám thành công và đã kháng chiến thắng lợi”.

Để thực hiện thắng lợi đại đoàn kết dân tộc, phải giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp. Năm 1941, Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc) về nước, triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Pháp, Nhật. Theo đề nghị của Bác, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh). và chọn cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và sẽ là cờ của Tổ quốc khi thành lập nước. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Vận dụng tư tưởng Dân vận của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hiện những việc nên làm, những công việc chính phủ và đoàn thể giao cho”, ngày 29/5/1946 Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được thành lập, nhằm:

1- Giữ vững quyền tự chủ để đi đến hoàn toàn độc lập.

2-Thống nhất Trung Nam Bắc, làm cho lãnh thổ Việt Nam được toàn vẹn.

3-Thực hiện và củng cố chế độ Dân chủ Cộng hòa trong toàn cõi Việt Nam.

4-Bình đẳng, tương trợ và đoàn kết với tất cả các dân tộc thiểu số.

Song song với Hội Liên Việt là việc thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (20/7/1946), Đảng Xã hội Việt Nam (27/7/1946), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1946).

Việt Minh phát triển lực lượng và đẩy mạnh hoạt động trong nhân dân lao động cả ở nông thôn và thành thị thông qua các đoàn thể Cứu quốc. Hội Liên Việt được xây dựng từ trung ương xuống tới cơ sở, tăng cường công tác vận động viên chức, trí thức cũ, các chức sắc tôn giáo, những người tiêu biểu của các dân tộc, thân hào, nhân sĩ, động viên mọi người kiên quyết đấu tranh phá tan âm mưu của địch, ra sức vận động các nhà văn hóa, các nhà khoa học cống hiến tài năng và trí tuệ của mình cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Ngày 15/10/1949, Hồ Chủ tịch viết bài: “Dân vận” đăng trên báo “Sự thật”. Bài báo gồm 4 phần:

Phần I. “Nước ta là nước dân chủ”. Hồ chủ tịch chỉ rõ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. “Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Công cuộc đổi mới, xây dựng, kháng chiến, kiến quốc là trách nhiệm của dân, chính quyền, đoàn thể các cấp đều do dân tổ chức nên. Đó chính là điểm xuất phát và là nền của công tác Dân vận.

Phần II. “Dân vận là gì?”. “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hiện những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Các khâu của dân vận là: làm cho dân biết, dân hiểu, phải học hỏi ý kiến, kinh nghiệm của dân; tổ chức, động viên nhân dân thực hiện; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra; sơ kết, tổng kết.

Phần III. “Ai phụ trách dân vận?”. Đó là tất cả bộ máy chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể (tức Đảng), cả đoàn viên, hội viên Mặt trận và các đoàn thể, là tất cả lực lượng trong hệ thống chính trị, mà trước hết là mọi cán bộ chính quyền. Cần phân công rõ và có sự phối hợp giữa cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể trong từng khâu vận động.

Phần IV: “Dân vận phải thế nào?”. “Người làm dân vận phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “phải thật sự nhúng tay vào việc”, phải khắc phục tư tưởng “xem khinh việc dân vận”, khoán trắng việc dân vận cho một vài người.

Kết luận, Hồ Chủ tịch nêu một luận điểm rất cơ bản và quan trọng là: “Lực lượng của dân ta rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Thấm nhuần, kế thừa và phát triển những tư tưởng lớn của Người về công tác vận động quần chúng, các hình thức tổ chức Mặt trận: Hội Phản đế Đồng minh (1930), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế Đông Dương (1939) Mặt trận Việt Minh (1941), Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của nước Việt Nam thống nhất đã đoàn kết toàn dân tộc và có những đóng góp rất to lớn làm thay đổi bộ mặt của đất nước ta. Đó là: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945), là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), là Đại thắng mùa xuân thống nhất đất nước (1975), là những thành quả rất quan trọng trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bước vào giai đoạn mới của cách mạng, với tính chất là một liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương:

- Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, miễn là tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập thống nhất chủ quyền quốc gia toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

- Với vai trò là một bộ phận trong hệ thống chính trị của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có nhiệm vụ:

a/ Tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

b/ Thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

c/ Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

d/ Giám sát và phản biện xã hội.

e/ Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

g/ Hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra mục tiêu cho 5 năm tới (2019-2024) là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội; thúc đẩy tinh thần thi đua lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ gìn hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận và Mặt trận, MTTQ Việt Nam nguyện không ngừng phấn đấu đưa đại đoàn kết lên tầm cao mới và chiều sâu mới để góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện cho được điều mà Bác Hồ nêu trong bài “Dân vận” đăng trên báo “Sự thật” cách đây tròn 70 năm. Đó là:

“Nước ta là nước dân chủ,
Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân,
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay