Hiện tượng “bôi bẩn” hai đoàn tàu Metro số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên) tại TP Hồ Chí Minh bởi những nét vẽ nguệch ngoạc theo hình thức Graffiti, khiến dư luận bức xúc và đặc biệt quan tâm. Vụ việc cũng đang được Công an TPHCM vào cuộc điều tra, trong khi nhà thầu đang được yêu cầu các biện pháp khắc phục.
Hành vi “phản văn hóa”
Graffiti là nghệ thuật “vẽ trên tường” đã xuất hiện ở nước ta đã nhiều năm, tuy phổ biến chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… Cũng như các bộ môn nghệ thuật đường phố, Graffiti có lịch sử ra đời và giữ một văn hóa khá đặc trưng của những họa sĩ thể hiện tác phẩm nơi công cộng. Graffiti được nhiều quốc gia coi là một loại hình nghệ thuật hiện đại, nơi mà các họa sĩ mượn các mảng tường nơi công cộng để chia sẻ về một thông điệp cuộc sống hoặc nghệ thuật.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại cũng có những người sử dụng lối nghệ thuật này như một hình thức phá hoại khi sử dụng không gian công cộng để bôi bẩn hoặc thể hiện giá trị “phản văn hóa” gây phản cảm.
Một trong những vụ việc điển hình kể trên vừa xuất hiện ở TP HCM và nhanh chóng bị xã hội lên án mạnh mẽ, đó là vụ việc 2 đoàn tàu thuộc Dự án Metro số 1 (đang được bảo vệ để chuẩn bị đưa vào vận hành) bị một nhóm người bôi bẩn bởi những nét vẽ nguệch ngoạc theo hình thức Graffiti.
“Chúng ta có thể bắt gặp nhan nhản những hình ảnh xấu xí đối với mĩ quan đô thị này ở các quận trung tâm của TP HCM như quận 1, 3, 5, 6, 10. Ở những nơi này, do chưa có chế tài xử phạt hành chính nên chưa được lên án đúng mực, các cơ quan quản lý nhà nước cũng còn thờ ơ”- ông Lã Văn Ngọc, nguyên cán bộ Công an phường ở Quận 6, TP HCM bức xúc nói.
Trong vụ bôi bẩn đoàn tàu Metro số 1 ở TP Thủ Đức, bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cho biết, hiện nay MAUR đã yêu cầu nhà thầu tại khu vực xảy ra vụ việc thực hiện các biện pháp khắc phục và đảm bảo tăng cường an ninh cho đến thời điểm khu vực depot đi vào hoạt động chính phức. Đơn vị cũng đề nghị nhà thầu làm việc với phía công an để cung cấp thông tin, phối hợp cùng lực lượng chức năng điều tra nguyên nhân, xác định thủ phạm thực hiện hành vi xấu xí, phản văn hóa kể trên. Về phía MAUR cũng đang tiếp tục phối hợp với đơn vị nhà thầu để tổ chức công tác bảo vệ, điều tra, đảm bảo không để xảy ra các sự việc tương tự.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu (Giám đốc Công ty Bhome, tại Quận 7, TP HCM) cho rằng, bản thân nghệ thuật Graffiti không đáng trách nhưng những người lợi dụng Graffiti cần có chế tài xử phạt thật nghiêm để đảm bảo mĩ quan đô thị, hơn nữa để xây dựng văn hóa đô thị xanh - sạch - đẹp.
Cũng theo ông Biểu, trong những năm qua TP HCM luôn hướng đến việc xây dựng một hình ảnh thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình gắn với văn hóa đô thị có tính đặc thù, đa bản sắc. Khác với các đô thị lớn khác ở Việt Nam, văn hóa đô thị TP HCM dễ dàng tiếp nhận những trào lưu văn hóa nghệ thuật mới mẻ của thế giới và gần như trở thành một trong những cái nôi sáng tạo văn hóa nghệ thuật trong nhiều năm gần đây.
“Cũng bởi vì những chất nguồn văn hóa rất đặc thù của mình, năm 2020 thành phố từng lấy chủ đề là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Không chỉ riêng ngành văn hóa nghệ thuật, những ngành liên quan như kiến trúc, xây dựng như chúng tôi cũng luôn cố gắng để tạo nên những tác phẩm, công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa đô thị độc đáo, sắc nét cho TP HCM” - ông Biểu chia sẻ.
Ứng xử hài hòa, tôn trọng nghệ thuật
Việc xóa đi những vết “bôi bẩn” hai đoàn tàu Metro số 1 đã và đang được triển khai để lấy lại mỹ quan đô thị TP HCM, đồng thời là hồi chuông cảnh báo về quá trình xây dựng bản sắc văn hóa đặc trưng cho đô thị đặc biệt TP HCM. Đây cũng là việc làm rất cần thiết khi kể từ năm 2020 đến nay TP HCM rất quyết tâm thực hiện 5 nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trong đó có nhiệm vụ giải quyết triệt để, quyết liệt các hành vi phản văn hóa, tiến tới chấm dứt 6 hành vi không phù hợp nếp sống văn minh đô thị, trong đó có cả những hành vi lợi dụng loại hình nghệ thuật, gây phản cảm và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.
Nghiêm khắc hơn, Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng: “Không hẳn là chúng ta chưa có cơ chế để quản lý các hành vi phản văn hóa nơi công cộng, trong đó không chỉ đã có quy định xử phạt hành chính mà chúng ta còn có cả chế tài về xử lý hình sự”. Theo luật sư Tâm, căn cứ theo Nghị định 144/2021 thì các hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư,…mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Đồng thời, nếu hành vi gây thiệt hại, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trong đó đủ bằng chứng cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ còn bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 178 BLHS 2015, sửa đổi năm 2017.