Với đường bay thẳng Ấn Độ - Việt Nam được đưa vào khai thác, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết ông đang kỳ vọng vào một thời kỳ phát triển mới đầy tiềm năng trong quan hệ văn hoá, kinh tế và du lịch giữa hai nước.
Đại sứ Phạm Sanh Châu di chuyển bằng bò Tây Tạng (Yak) bên cạnh hồ Tsomgo quanh năm đóng băng trên độ cao 3.753 mét của dãy núi Himalaya để giới thiệu đất nước Việt Nam. Ảnh: Đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp.
Ân tình Việt Nam
Nhắc đến Kolkata - thành phố lớn thứ 3 của Ấn Độ (trong quá khứ nó từng là thủ đô của Ấn Độ thuộc Anh) – là nhắc tới một địa danh có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người dân ở Kolkata vốn rất ngưỡng mộ và kính trọng Người. Năm 1911, Người đã đến đây trên con đường tìm đường cứu nước. Năm 1946, Người đã quay lại đây với tư cách là Nguyên thủ của một quốc gia mới giành được độc lập. Năm 1958, Người đến thăm Kolkata trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Công hòa non trẻ đang trong thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước. Năm 1947, người dân Kolkata đã chọn ngày 19/1 là Ngày Việt Nam tại đây và 2 ngày sau đó (tức ngày 21/1), hàng ngàn sinh viên đã xuống đường biểu tình, ủng hộ chính phủ Việt Nam. Câu khẩu hiệu được những người biểu tình hô to lúc bấy giờ là: “Tên tôi, tên anh, Việt Nam, Việt Nam”. Rất nhiều câu hát, bài thơ phản chiến đã ra đời từ đó, gắn liền với khẩu hiệu quen thuộc này. Nhiều thanh niên Kolkata đã ngã xuống đòi độc lập cho Việt Nam. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, những bài viết ủng hộ Việt Nam và đòi hòa bình, thống nhất cho Việt Nam luôn nóng hổi trên các mặt báo ra của Ấn Độ.
Tại Kolkata, người ta dành tình cảm cho Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều đến mức người dân tự đổi tên một con đường thành Đường Hồ Chí Minh. 10 năm sau, trước nguyện vọng tha thiết của nhân dân, chính quyền đã chính thức công nhận con đường này. Năm 1990, nhân dịp 100 năm sinh nhật Người, Hội đồng thành phố và Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal đã khánh thành con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Ho Chi Minh Sarani”. Con đường này giao với đại lộ Jawaharlal Nehru. Đó là biểu trưng cho tình bạn của hai vị lãnh tụ vĩ đại Jawaharla Nehru - Hồ Chí Minh và tình bằng hữu Ấn Độ - Việt Nam. Cũng nhân dịp đó, chính quyền bang West Bengal đã dựng tượng Bác Hồ bằng đồng ở công viên thành phố (nằm ngay nơi giao tiếp giữa đại lộ Hồ Chí Minh với đại lộ Jawaharlan Nehru ). Kolkata là thành phố nước ngoài đầu tiên trên thế giới xây Tượng đài Bác Hồ.
Hiện nay, ở Khách sạn The Lalit Great Easten, nơi Bác Hồ từng lưu trú khi thăm Kolkata lần đầu tiên vào ngày 1/6/1946 có một tấm biển ghi: “Hồ Chí Minh (1890-1969), Người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ở tại Khách sạn The Lalit Great Easten ngày 1/6/1946” được đặt tại vị trí trang trọng.
Năm 2016, tại trường Đại học Jadavpur và Thư viện quốc gia ở thành phố Kolkata, đã lễ khai trương “Góc sách Việt Nam". Đây là hành động thiết thực góp phần thúc đẩy sự nghiên cứu, tìm hiểu của sinh viên và giới trẻ Ấn Độ về lịch sử và văn hóa của Việt Nam, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh chính phủ Ấn Độ đang đẩy mạnh triển khai chính sách “Hành động hướng Đông”. Giám đốc điều hành Thư viện quốc gia Tiến sỹ Arun Kumar Chakraborty cho rằng “Góc Việt Nam” là biểu tượng sinh động của giao lưu nhân dân, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Bay thẳng tới Kolkata
“Ấn Độ với dân số lớn vào hàng thứ hai thế giới đang được xem là một thị trường khách du lịch đầy triển vọng. Mỗi năm có khoảng 25 triệu lượt người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài và xu hướng này đang tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam còn rất khiêm tốn (khoảng hơn 130.000 lượt khách Ấn Độ tới Việt Nam trong năm 2018, trong khi lượng khách du lịch Ấn Độ tới Thái Lan đạt khoảng 1,5 triệu lượt người).” – Đại sứ Phạm Sanh Châu trăn trở.
Tháng 3/2019, Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã kết nối đưa đám cưới tỷ phú Ấn Độ về tổ chức tại khách sạn J.W.Marriott Emerald Bay - Phú Quốc. Đại sứ Phạm Sanh Châu kể: “Các du khách đều cho hay họ bất ngờ vì không nghĩ Việt Nam lại có địa điểm tổ chức tiệc cưới ấn tượng như vậy. Du lịch Việt Nam rất đa dạng, hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú ở các vùng miền.”
Một trong những khó khăn khiến tiềm năng du lịch 2 nước trong thời gian qua chưa được khai thác hết là các tuyến bay từ Ấn Độ đến Việt Nam hoặc ngược lại đều phải nghỉ chặng tại một sân bay khác với thời gian tuyến bay dài và tốn kém kinh tế. Điều này sẽ được khắc phục khi sắp tới đây Hãng hàng không Ấn Độ Indigo khai trương đường bay thẳng từ Kolkata tới Hà Nội (vào ngày 3/10) và TP Hồ Chí Minh (từ 18/10). Ông Châu chia sẻ: “Tôi tin rằng việc tích cực quảng bá du lịch, mở đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ biến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn du khách Ấn Độ.”
Lâm Tỳ ni - nơi đức Phật đản sinh, một điểm đến thu hút du khách Việt Nam. Ảnh: Bùi Dũng.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết: Ấn Độ cũng đang xúc tiến quảng bá du lịch tại Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma vẫn thường quảng bá các thế mạnh của Ấn Độ là các di sản thiên nhiên, văn hóa và tôn giáo đa dạng. Kiến trúc của đền thờ, cung điện, pháo đài là những tác phẩm điêu khắc vĩ đại, có giá trị nghệ thuật cao. Thêm vào đó, nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh Phật giáo, rất đặc sắc. Đến Ấn Độ, du khách có thể trải nghiệm du lịch Phật giáo, chèo thuyền trên sông Hằng huyền thoại hoặc leo núi, trượt tuyết dãy Himalaya. Ngoài ra, du lịch chăm sóc sức khỏe và các khóa tu, yoga cũng là một tiềm năng to lớn của Ấn Độ. Nhiều công ty lữ hành hiện đã tung ra những tour du lịch hấp dẫn tour "Tứ động tâm" của Gotadi bao gồm 4 thánh tích thiêng liêng của Phật giáo ghi dấu 4 sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của Đức Phật Thích Ca. Tour này với sự hỗ trợ của Gotadi với sự hỗ trợ của Hương Giang Aviation, nhà đại diện của hãng hàng không Ấn Độ Indigo tại Việt Nam, hiện chỉ còn 25 triệu đồng dành cho khách Việt Nam.
Còn đối với thị trường du lịch Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu tin tưởng: “Tôi tin dưới góc độ doanh nghiệp, thị trường khách Ấn Độ với số lượng dân đông đảo thuộc top đầu thế giới thực sự là là “miếng bánh” rất hấp dẫn. Chỉ tính riêng tầng lớp trung lưu của quốc gia hàng tỷ dân này cũng lên tới 200-300 triệu người, lại có nhu cầu mua sắm, vui chơi, du lịch gia tăng hằng năm cao, từ đây cho rằng nếu biết cách khai thác đây sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho du lịch Việt Nam.”