Văn hóa giao thông

Kiên Long 11/01/2016 11:10

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với UBND TP Hà Nội vừa tổ chức lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2016 và cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và Mùa Lễ hội Xuân. Năm mới, xuân mới, cũng từ sự kiện, quyết tâm này, hơn bao giờ hết, vấn đề văn hóa giao thông cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Không chỉ vì một mục tiêu của năm 2016 phấn đấu giảm 5-10% số vụ, số người chết mà là một giải pháp bền vững cho việc giảm tai nạn giao thông hiện nay cũng như t

Văn hóa giao thông

Ảnh minh họa.

Thực tế đi tìm các nguyên nhân, giải pháp hạn chế, triệt tiêu TNGT, thì văn hóa giao thông đã là một vấn đề được đề cập, trăn trở không chỉ của những người có trách nhiệm, mà là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Phóng nhanh, vượt ẩu, chen lấn, không tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về giao thông là chuyện thường xuyên xảy ra, gây bức xúc cho nhiều người, cũng luôn luôn là một nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hàng ngày, hàng giờ đang diễn ra ở mọi nơi. Cũng chính vì vậy, chủ đề của Năm An toàn giao thông 2016 là “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” được người dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Kinh nghiệm, bài học từ những năm qua cho thấy, việc nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương đã là việc đầu tiên luôn luôn phải làm và đã có hiệu quả rõ rệt. TNGT đã được kiềm chế, liên tục giảm. Tuy nhiên số vụ tai nạn, số người chết vì TNGT vẫn còn cao. Việc nâng cao trách nhiệm của những người thực thi công vụ cần đồng thời với việc xây dựng, giáo dục, nâng cao ý thức, tuân thủ luật pháp giao thông cho mọi người tham gia giao thông, hy vọng sẽ nhân đôi hiệu quả, giảm TNGT, người chết vì TNGT. Thực tế, trong nhiều năm qua và hiện nay, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm đến vấn đề giao thông, quyết tâm hạn chế, triệt tiêu TNGT. Từ việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, cho đến xây dựng hạ tầng giao thông. Cũng thực tế, TNGT đã gây ra quá nhiều đau thương, mất mát cho đất nước ta khi nhiều năm qua luôn có khoảng 30 người chết, thậm chí có thời gian có đến 38 người chết mỗi ngày. Chưa thể thống kê hết những hệ lụy, mất mát về nhiều mặt do TNGT.

Cũng nhiều năm qua, cả xã hội đã phải gồng mình để “chống” TNGT, khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông. Chưa bao giờ hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư với mọi hình thức và đảm bảo tốt cho việc tham gia giao thông như thời gian qua và hiện nay. Những năm tới đây, hạ tầng giao thông sẽ càng tốt lên. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất cập, tồn tại mà việc hạn chế, xóa bỏ nó cần nhiều thời gian. Từ chuyện con đường chưa xong đã hóa phố, người dân bám mặt đường, mặt phố kinh doanh, cho đến việc phát triển hệ thống phương tiện cá nhân. Đặc biệt một thực trạng có thể coi như cái gốc để “phòng”, là cái nền chưa ổn, là sự lộn xộn trong tham gia giao thông, văn hóa ứng xử, chấp hành pháp luật giao thông. Oái oăm thay, đó lại là những nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ TNGT, nhất là những vụ TNGT thảm khốc gây ra cái chết của nhiều người.

Pháp luật về giao thông có thể nói đã khá đồng bộ, khá nghiêm, nhưng việc chấp hành chưa nghiêm. Sự vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông diễn ra nhan nhản, hàng ngày, hàng giờ và ở bất cứ đâu. Nhiều người tham gia giao thông ngày nào cũng vi phạm pháp luật giao thông. Từ chuyện vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn....cho đến việc sử dụng phương tiện không đảm bảo quy định. Vẫn không ít những xe điên, chống người thi hành công vụ, lao xe thẳng ngay cả vào cảnh sát giao thông. Vẫn chuyện đường đi được ta cứ đi, không kể xe máy, thậm chí ô tô cũng chen hàng hai, hàng ba gây ùn tắc giao thông.

Siết chặt kỷ cương, không để mãi tồn tại tình trạng xe chở quá tải, quá đát, lái xe dởm, bằng dởm, tình trạng rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu...Ở đây phần trách nhiệm chính là của người thi hành công vụ duy trì pháp luật. Từ việc triệt để xóa bỏ sự dung túng, tiếp tay ăn mãi lộ, lợi ích nhóm trong quản lý, cho đến nâng cao trách nhiệm, làm đúng nguyên tắc. Còn đó, với người tham gia giao thông, nhất là lái xe thì phải tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật giao thông, tuân thủ, hành xử với nếp sống văn hóa giao thông. Chỉ một nét đẹp “nhường nhịn”, nhiều người đã rất cảm động khi tham gia giao thông đi trên xe buýt ở Thủ đô nhiều năm qua, khi thấy bao bạn trẻ đã luôn nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em. Nếu như nét đẹp “nhường nhịn” này có ngay trên đường phố Thủ đô và nhiều nơi với người đi xe máy, ô tô... đã sẽ không có những vụ tai nạn chết người, tắc đường...

Phát động Năm An toàn giao thông, Chính phủ đã tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan thành viên Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; thực hiện tốt Nghị quyết 88 của Chính phủ, từ công tác siết quản lý, cho đến thanh kiểm tra, hạn chế tuyệt đối TNGT. Chính phủ cũng yêu cầu Hà Nội cùng các ngành liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai cụ thể, đảm bảo tuyệt đối cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cũng như an toàn giao thông cho người dân vui xuân đón Tết, vui lễ hội Xuân. Đây cũng là dịp để thể hiện, xây dựng văn hóa giao thông, phát động phong trào vì sự an toàn giao thông, nếp sống văn hóa văn minh nói chung, trong giao thông nói riêng.

Xây dựng văn hóa giao thông cần sự vào cuộc của toàn xã hội, của các cấp, các ngành. Nếp sống văn hóa giao thông phải được hình thành ngay từ khi còn nhỏ, trên ghế nhà trường. Phải làm sao cho người tham gia giao thông phải thấy hết sức xấu hổ khi có hành vi vi phạm pháp luật giao thông, tự hào vì mình đã chấp hành đúng pháp luật giao thông. Văn hóa giao thông phải được xây dựng kiên trì, bền bỉ, liên tục, có được bền vững từ ý thức của mỗi con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa giao thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO