Trong những năm tháng gian khó chiến tranh hay thời kỳ bao cấp, những thế hệ cha ông ta đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều để vượt qua những thời khắc khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” và đức tính tiết kiệm” từ bao đời nay đã trở thành lối sống đặc trưng giúp đất nước đi qua những năm tháng khó khăn ấy.
Vài năm trở lại đây, nhất là sau đại dịch COVID-19 bao trùm toàn thế giới như một thước đo cho bản lĩnh và trí tuệ nhân loại cũng như phép thử cho sự vươn lên sau suy thoái của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, tiết kiệm tiếp tục là chìa khóa để giúp cho mỗi doanh nghiệp nói chung và BSR nói riêng vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.
Học tập Bác về tư tưởng thực hành tiết kiệm
Kể từ khi lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay, văn hóa tiết kiệm trong đời sống xã hội nước ta có những giai đoạn đã phát triển đến đỉnh cao, lan tỏa, trở thành ý thức thường trực trong mỗi người. Tinh thần tiết kiệm ấy thể hiện rõ nhất ở thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ chống đế quốc Mĩ và trong những năm tháng bị bao vây cấm vận. Vào những thời điểm cam go đó, toàn dân tiết kiệm để chi viện cho mặt trận, cho tiền tuyến. Các phong trào tiết kiệm: Hũ gạo nuôi quân; một người làm việc bằng hai; lấn sáng, lấn chiều trong sản xuất… được phát động sôi nổi ở khắp các nhà máy, xí nghiệp, công sở và trong mọi tầng lớp nhân dân.
Bài học về sống tiết kiệm của Bác có giá trị cho đến tận ngày hôm nay. Bởi, nhìn lại lịch sử, hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải liên tục đấu tranh chống giặc ngoại xâm hàng nghìn năm như Việt Nam. Lối sống tiết kiệm để vun vén cho tương lai trở thành nếp nghĩ thường nhật từ bao đời.
Khi nhắc đến ý thức và văn hóa tiết kiệm, người Việt Nam ta đều nhớ đến tấm gương của Bác Hồ kính yêu. Những bài học về tiết kiệm mà Người tự mình thực hành vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu không tiêu”. Nói theo lối khoa học thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Như vậy, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực để gia tăng sức mạnh toàn diện của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn hết sức sâu sắc và là tấm gương mẫu mực trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tư tưởng và tấm gương của Hồ Chí Minh về lối sống tiết kiệm trở thành bài học quý giá còn nguyên giá trị trong thực tiễn hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nói chung và BSR nói riêng trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh như hiện nay.
Như vây, điều Người dạy để nhận thức sâu sắc rằng, trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết đất nước hay giai đoạn xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đức tính tiết kiệm là đức tính cần có đối với một cán bộ, đảng viên và người lao động trong quá trình tham gia lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất đóng góp cho xã hội vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Bối cảnh BSR từ nay đến cuối năm 2024 - Những thách thức, Văn hóa tiết kiệm nhìn từ góc độ doanh nghiệp
Diễn biến thị trường dầu thô và sản phẩm tiếp tục phức tạp và khó tiên đoán, đòi hỏi BSR phải thường xuyên bám sát thị trường, phân tích, đánh giá và xây dựng các giải pháp tận dụng cơ hội và quản trị rủi ro hiệu quả.
Đứng trước các thách thức nêu trên đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động hơn lúc nào hết cần nêu cao tinh thần, ý thức thực hành tiết kiệm trên tất cả các lĩnh vực quản lý, điều hành, hoạt động của BSR và tham gia mạnh mẽ trong việc xây dựng văn hóa tiết kiệm với phương châm “Ý THỨC TIẾT KIỆM PHẢI TRỞ THÀNH VĂN HÓA CỦA DOANH NGHIỆP”.
Tiết kiệm là đức tính cần có của mỗi người. Tiết kiệm trong ăn mặc, chi tiêu thường nhật... Ý thức tiết kiệm của người Việt hình thành từ rất sớm. Chẳng thế mà việc thực hành tiết kiệm của người Việt đã được đúc kết thành ca dao, tục ngữ dễ nhớ, dễ hiểu và truyền miệng từ đời này sang đời khác như “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí”, “Tiết kiệm sẵn có đồng tiền/Phòng khi túng lỡ không phiền lụy ai”...
Hiểu đúng về tiết kiệm, đó là: Chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định. Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí.
Với những nỗ lực trong xây dựng thói quen tốt, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang trở thành một nét văn hóa đẹp với người Việt. Tiết kiệm cần phải trở thành văn hóa sống hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể người lao động BSR nhưng "mục đích một, biện pháp phải mười". Điều này đòi hỏi đặt ra đối với hệ thống chính trị của BSR cần đề ra các biện pháp quyết liệt hơn mới có thể đạt được mục đích này, tạo chuyển biến cơ bản trong văn hóa tiết kiệm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đưa nội dung thực hành tiết kiệm, hình thành văn hóa tiết kiệm tại BSR vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ của cán bộ, đảng viên và người lao động tại các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên, bởi cán bộ phải nêu gương,“đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Thực hành văn hóa tiết kiệm tại BSR
Để chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thường xuyên, liên tục, đi vào thực chất; thực hiện Nghị quyết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy và Ban Lãnh đạo Công ty, các Hội Đoàn thể BSR cần tích cực hăng hái xung phong đi đầu trong tham gia Phong trào xây dựng Văn hóa tiết kiệm tại BSR. Các Hội Đoàn thể BSR phát động Phong trào “Thực hành tiết kiệm - Góp việc nhỏ vì việc lớn cho tương lai BSR”; trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mỗi hội viên, đoàn viên, người lao động BSR để chuyển biến từ nhận thức đến hành động để thực hành tiết kiệm tại BSR thực sự trở thành văn hóa ứng xử của toàn thể người lao động BSR.
Tại Hội nghị Người lao động năm 2025, Công đoàn cơ sở BSR phát động cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ban Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực chủ trì, phối hợp với Ban chức năng, các Hội Đoàn thể BSR tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Lãnh đạo BSR tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, điều hành công việc thường xuyên với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đối với các cấp lãnh đạo quản lý BSR tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của BSR để vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển bền vững BSR trước bối cảnh tình hình thế giới nhiều thách thức khó tiên đoán như hiện nay.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; phát huy, tăng cường vai trò của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Ban Kiểm soát nội bộ, Ban Pháp chế và Quản trị rủi ro. Thống nhất tiêu chí thực hành tiết kiệm, cam kết thực hành tiết kiệm, báo cáo số liệu kết quả thực hành tiết kiệm tại mỗi phòng/ban/đơn vị hàng tuần/quý/tháng/năm; đề ra các sáng kiến, cải tiến để tối ưu hóa hoạt động Nhà may, tiết kiệm năng lượng, thực hàng tiết kiệm mỗi công việc hàng ngày trở thành tiêu chí xây dựng “chi bộ bốn tốt” tại mỗi chi bộ trực thuộc, trở thành một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, đánh giá xếp loại tập thể lãnh đạo quản lý các cấp tại BSR. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Do đó, Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Công ty quán triệt, nhất quán quan điểm chỉ đạo và giám sát, kiểm soát chặt chẽ phương án cắt giảm (điều chỉnh) những khoản chi hường xuyên chưa thật sự cần thiết, cấp bách như tiết kiệm điện, nước sinh hoạt; văn phòng phẩm; thông tin liên lạc, xăng, dầu xe ô tô; giảm tổ chức các hội nghị, hội thảo, teambuilding,… thay vào đó, tăng cường hội nghị trực tuyến và sử dụng, khai thác tối đa ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hội họp; cắt giảm kinh phí in ấn hoặc phô tô tài liệu bản giấy phục vụ hội nghị,…
Vai trò của văn hóa tiết kiệm đối với sự trường tồn của doanh nghiệp
Từ câu chuyện tiết kiệm điện hay các chi tiêu điều hành sản xuất hàng ngày tại BSR, có thể thấy, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động thường xuyên thực hành tiết kiệm, sẽ cùng nâng lên thành lối sống văn minh, văn hóa, từ đó, gia đình sớm có “của ăn của để”; cơ quan, đơn vị, tổ chức bớt gánh nặng chi phí; địa phương, đất nước càng dôi dư nguồn lực để xây dựng và phát triển.
Muốn văn hóa tiết kiệm được thấm nhuần sâu sắc vào nếp nghĩ của mỗi tổ chức, mỗi thành viên BSR, cần quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người lao động về lối sống tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất hàng ngày tại chính công việc mình đang làm.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra yêu cầu kiên trì giáo dục rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Dân tộc ta bao đời nay, từ trong mỗi gia đình, nhờ truyền thống quý báu này mà đã vượt qua bao thử thách. Một dân tộc đi lên từ gian khó sẽ hiểu hơn ai hết giá trị của tiết kiệm. Và tiết kiệm vẫn sẽ là một giá trị quan trọng trong đời sống của người Việt trong tương lai.
Để phong trào tiết kiệm lan rộng, thấm sâu, trở thành thói quen thường trực trong mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động BSR, trước tiên, mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động trong hệ thống chính trị BSR cần nêu gương thực hành tiết kiệm và chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình đang công tác; trong đó, cốt lõi là phải luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, từ đó, nghiên cứu thấu đáo các vấn đề, nhiệm vụ để có những quyết định, hành động tối ưu. Sử dụng hiệu quả nguồn lực, hướng đến lợi ích bền vững cho BSR, cho tập đoàn, cho đất nước chính là một cách thực hành tiết kiệm đúng đắn nhất.