Mới đây, một vụ phá rừng quy mô lớn tại tỉnh Gia Lai lại làm nóng dư luận. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là thái độ thờ ơ của người có trách nhiệm giữ rừng của địa phương. Dù việc bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng trái pháp luật đã được tăng cường trong thời gian qua, nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn khiến những cánh rừng biến mất từng ngày.
Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp
Vụ chặt phá rừng nói trên vừa diễn ra tại xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Lâm tặc vào rừng cưa gỗ rồi ngang nhiên dùng xe máy chở gỗ tập kết ở bìa rừng. Sau khi tập kết hàng trăm khúc cây, nhóm lâm tặc sử dụng xe công nông độ chế chở về một kho gỗ ở trung tâm xã Ia Mơ.
Tuy nhiên, khi được hỏi thì ông Vũ Đình Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Chư Prông lại có thái độ bất hợp tác với báo giới. Dư luận đặt câu hỏi, nếu không phải những người có trách nhiệm đứng ra bảo vệ rừng thì ai sẽ là người giữ rừng đây? Đáng lưu ý, là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn của Tây Nguyên, nhưng chỉ trong năm 2019, Gia Lai đã mất khoảng 500 ha rừng tự nhiên và địa phương này đang là một trong những điểm nóng chặt phá rừng.
Trong đầu tháng 4, ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai), xác nhận một vụ phá rừng lớn đã được phát hiện tại vùng rừng thuộc Ban Quản lý bảo vệ rừng Nam sông Ba. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tại tiểu khu 1432, thuộc rừng sản xuất nằm trên địa giới hành chính xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, có 119 cây gỗ bị lâm tặc cưa hạ trái phép với đường kính từ 18 - 10 cm, tổng khối lượng gỗ hơn 42 m3 các loại và hơn 4,8 ster củi như bằng lăng, lim xẹt, gáo...
Hiện số gỗ này đã được đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện để bảo quản, phục vụ công tác điều tra, xử lý. Ngoài ra, ngành chức năng cũng hoàn chỉnh hồ sơ, khởi tố vụ án và điều tra các đối tượng lâm tặc đã tham gia vào vụ phá rừng lớn này.
Cũng tại Gia Lai, vào tháng 2 vừa qua, người dân phát hiện kịp thời, vụ phá rừng quy mô lớn tại khu rừng cộng đồng thuộc làng Klah, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang. Nhóm lâm tặc khoảng 40 người chia nhau ra các hướng để tìm những cây gỗ to và dùng cưa máy triệt hạ.
Tại hiện trường, nhiều cây gỗ quý như cà chít, căm xe, gáo bị chặt hạ. Nhóm lâm tặc chỉ cưa lấy phần thân giá trị còn gốc, ngọn thì vứt bỏ lại hiện trường. Rất nhiều cây gỗ bị cưa hạ, cắt khúc vẫn chưa kịp chuyển đi, nằm la liệt. Ngoài ra, còn số lượng lớn gỗ đã được tập kết tại khu vực giáp ranh giữa làng Pi Dông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa và làng Klah để chuẩn bị chuyển đi.
Đi tìm nguyên nhân Gia Lai khó dẹp nạn phá rừng, ngoài sự thờ ơ của một số lãnh đạo địa phương, Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết: Chỉ trong khoảng 5 năm (từ đầu năm 2016 đến tháng 5/2020), Thanh tra tỉnh phát hiện mất 7.700ha rừng tự nhiên, với nhiều tiêu cực xảy ra ngay chính trong bộ máy quản lý bảo vệ rừng.
Cùng với đó, trong quá trình thanh tra, đơn vị đã phát hiện một điểm chung nhất về việc mất rừng trong thời gian dài là không ngăn được phát nương làm rẫy. Người dân địa phương và có cả doanh nghiệp lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý bảo vệ rừng để phát nương làm rẫy. Ban đầu người dân phát một mảnh nhỏ, sau đó nới rộng diện tích nương rẫy này ra. Cứ thế, rừng ngày một thu hẹp lại.
Theo số liệu của Bộ NNPTNT: Diện tích rừng Tây Nguyên chiếm gần 18% diện tích rừng cả nước. Tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng các tỉnh Tây Nguyên còn 2,2 triệu ha rừng tự nhiên. Thế nhưng, cũng chỉ riêng trong năm 2019, Tây Nguyên đã mất hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên. Trong đó, 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk (hơn 11.000ha), Đắk Nông (hơn 7.000ha), Gia Lai (gần 500ha)...
Còn nhiều bất cập
Trước tình trạng phá rừng diễn biến ngày càng phức tạp, nhìn lại chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, nhiều địa phương cho rằng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng nhìn chung còn thấp. Đặc biệt chưa khuyến khích phát triển trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn… Nhà nước thiếu kinh phí nên trong thời gian qua, nguồn ngân sách chủ yếu ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà chưa quan tâm đầu tư đúng mức đối với rừng sản xuất.
Mặt khác, đối với các diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên không được khai thác, trong khi mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thấp, không đủ nên công tác quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các công ty lâm nghiệp Nhà nước. Đồng thời Nhà nước cũng chưa có chính sách thu hút, huy động các nhà đầu tư tư nhân vào sản xuất kinh doanh rừng. Thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng sản xuất gỗ lớn, chính sách phát triển lâm đặc sản, cây trồng phân tán...
Với điểm nóng khu vực Tây Nguyên, giới chuyên gia cho rằng: Từng tỉnh trong khu vực phải xây dựng đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trên cơ sở đề án bảo vệ và phát triển rừng của khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phải rà soát lại quy hoạch, kiên quyết bảo đảm quy hoạch đối với những diện tích phải trồng rừng.
Cùng với đó, cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng cho phù hợp vì mức khoán bảo vệ rừng hiện nay 200.000 đồng/ha là rất thấp, nên chưa thu hút được người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng. Nói cách khác, ở khu vực Tây Nguyên với những đặc thù đã đề cập ở trên thì để bảo vệ và phát triển rừng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cao hơn so với các khu vực khác.
Liên quan tới những bất cập về chính sách giữ rừng, còn nhớ câu chuyện hàng loạt nhân viên bảo vệ rừng ở Quảng Bình bỏ việc giữa cao điểm chặt phá rừng từ Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (huyện Minh Hóa) vào tháng 9/2020…, Theo nhân viên bảo vệ rừng, lý do họ bỏ việc là lương thấp, đã vậy kinh phí bảo vệ rừng cấp về muộn nên lương bị nợ đến nửa năm, thậm chí 9 tháng. Đây là một ví dụ cho sự quan tâm chưa đúng mức cho việc bảo vệ rừng trong nhiều năm qua.
Dù vậy, cũng có một số địa phương như tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình giao khoán bảo vệ rừng gắn với xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho cộng đồng địa phương, tạo sinh kế giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Đánh giá về hiệu quả chương trình phát triển sinh kế bền vững gắn với quản lý bảo vệ, phát rừng, ông Dương Đình Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận khẳng định sau gần 5 năm triển khai, đến nay đã giúp đời sống của hàng nghìn hộ dân tại các vùng đệm có thu nhập, cuộc sống được cải thiện. Từ đó nhận thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, tình trạng phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản trái phép ngày càng giảm.
Do đó, các chuyên gia lâm nghiệp đề xuất, về lâu dài, để công tác bảo vệ rừng đi vào bền vững, các địa phương cần thực hiện tốt việc lồng ghép các dự án, chương trình tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, các xã có rừng với công tác bảo vệ rừng…
Đơn cử như chính sách hưởng lợi từ việc nhận khoán bảo vệ rừng của số hộ tham gia nhận khoán, đảm bảo mức thu nhập chính đáng cho hộ tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng. Có như vậy, người dân ở gần rừng mới tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Đáng lưu ý, để bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có, yêu cầu đặt ra là phải đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân suy giảm rừng. Chính quyền các địa phương, các lực lượng ở cơ sở phải quyết liệt hành động, đồng thời có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ tỉnh và Trung ương, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, (từ đầu năm 2016 đến tháng 5/2020), phát hiện mất 7.700ha rừng tự nhiên, với nhiều tiêu cực xảy ra ngay chính trong bộ máy quản lý bảo vệ rừng. Cùng với đó, trong quá trình thanh tra, đơn vị đã phát hiện một điểm chung nhất về việc mất rừng trong thời gian dài là không ngăn được phát nương làm rẫy. Người dân địa phương và có cả doanh nghiệp lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý bảo vệ rừng để phát nương làm rẫy. Ban đầu người dân phát một mảnh nhỏ, sau đó nới rộng diện tích nương rẫy này ra. Cứ thế, rừng ngày một thu hẹp lại.