Sau rất nhiều lần Chính phủ, Bộ NNPTNT kêu gọi giảm giá thịt lợn, nhưng việc ghìm giá vẫn không được như mong muốn.
Giá thịt lợn vẫn tiếp tục đà tăng. Ảnh: Quang Vinh.
Ngày 21/4, giá lợn hơi tại miền Bắc tăng mạnh so với phiên giao dịch ngày 20/4. Cụ thể, tại tỉnh Ninh Bình, Hà Nội giá lợn lên tới 93.000 đồng/kg. Tại tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai giá lợn cùng đã tới 90.000 đồng/kg. Các địa phương như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình, Tuyên Quang giá lợn hơi dao động từ 90.000 - 92.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Hà Nam, Nam Định giá lợn được thu mua với mức thấp nhất toàn miền Bắc thì cũng tới 88.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi tại miền Bắc đang giao dịch trong khoảng từ 88.000 - 93.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tăng mạnh khiến giá thịt bán lẻ cũng không ngừng tăng. Hiện tại hệ thống siêu thị giá sườn lợn nhiều điểm bán niêm yết 290.000-299.000 đồng/kg; thịt ba rọi heo 249.000-289.000 đồng/kg. Các loại nạc dăm, cốt lết cũng ở mức 199.000-229.000 đồng/kg...
Với mức giá trên, nhiều chủ trang trại dự báo, giá lợn hơi rất có thể sẽ cán mức 100.000 đồng/kg.
Ông Võ Việt Dũng- Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF Group), đơn vị chuyên giết mổ, chế biến thịt lợn cung ứng cho các chuỗi siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho biết, mặc dù 15 công ty chăn nuôi lớn cam kết bán giá lợn hơi 70.000 đồng/kg, tuy nhiên rất khó để mua lợn giá rẻ như vậy trên thị trường. Một tuần trở lại đây, phần lớn công ty phải mua lợn hơi với giá trên 85.000 đồng/kg.
Lý giải giá lợn hơi neo ở mức cao, PGS. TS Phạm Kim Đăng- Trưởng Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng nguyên nhân chính là mất cân đối cung - cầu. Nếu nguồn cung đủ hoặc dư thừa, thì giá thịt không thể giữ ở mức cao mãi được. Mặc dù một số báo cáo khẳng định, sau dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn cả nước hiện còn khoảng 23 đến 24 triệu con (ít hơn so với trước khi dịch tả lợn châu phi là 4 đến 5 triệu con), nhưng ông Đăng cho rằng, thực tế có thể ít hơn rất nhiều.
Trong khi đó, giá gà, trứng gia cầm lại giảm sâu.
Tại Hà Nội, gà công nghiệp bình quân giảm chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg; gà mía Sơn Tây giá cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 85.000 đồng/kg, giảm 10.000 -15.000 đồng/kg so với trước. Giá gà giảm nhưng sức mua tại các chợ dân sinh cũng không nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng bán buôn cũng khá chậm. Mặt khác, dù thịt gà xuất trại giảm giá mạnh nhưng thực tế giá thịt trong các siêu thị, chợ dân sinh không giảm nhiều nên không kích cầu được nhu cầu tiêu dùng khiến gà tồn trong các trang trại tăng cao.
Chung tình cảnh, giá trứng gia cầm cũng đang rớt giá thê thảm với mức 900 đồng/quả trứng gà công nghiệp đỏ; 1.000 đồng/quả trứng vịt; trứng gà ta từ 2.000/quả. Cụ thể tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có khoảng 700.000 trứng vịt, gà chưa thể tiêu thụ được. Ngay đến Huyện đoàn Ứng Hòa cũng đã phải đứng ra vận động, hỗ trợ người dân tiêu thụ, giải cứu trứng gà. “Hiện tại các trang trại, công ty sản xuất trứng gia cầm đang rất khó tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi rất mong người tiêu dùng vào cuộc “giải cứu” sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi”- anh Nguyễn Duy Toản, chủ trang trại sản xuất trứng gia cầm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Viên An, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nói.