Vẫn khó kiểm soát tội phạm đánh cắp thông tin trên mạng

Lê Anh 14/05/2021 10:05

Tội phạm đánh cắp dữ liệu của người dùng (cá nhân, tập thể) đang diễn biến ngày càng phức tạp trên không gian mạng.

Với lời mời xin mã giới thiệu tương tác bạn bè, anh Nguyễn Nho Minh (ngụ P.Long Trường, TP Thủ Đức) cho biết, mới đây anh đã bị một đối tượng đánh cắp dữ liệu trang facebook cá nhân, sau đó bị mất quyền kiểm soát.

“Đối tượng này sử dụng một facebook của bạn bè tôi, sau đó nhờ gửi một mã giới thiệu tương tác qua số điện thoại của tôi. Tôi chỉ cần copy mã đó (sau khi nhận được) và chuyển lại cho đối tượng là xong. Tuy nhiên, cũng ngay sau đó tôi đã bị mất quyền kiểm soát trang cá nhân của mình”, anh Nho Minh chia sẻ.

Trường hợp ông Nguyễn Công Hoài Lương (ngụ Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) mới đây bị đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội facebook với nội dung: Gửi tặng thùng quà từ Vương quốc Anh qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất. Điều kiện là người nhận phải cung cấp một khoản tiền để thông quan hàng hóa trên. Do cả tin, ông Lương đã cung cấp số tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân, kèm các khoản tiền chuyển qua tài khoản của đối tượng.

“Tôi chờ đợi hơn một tháng, rất sốt ruột mới hỏi thăm người am hiểu về thủ tục thông quan. Người này đã ngay lập tức cảnh báo đó là chiêu lừa gạt gần đây của các đối tượng tội phạm mạng”, ông Lương chia sẻ.

Có đối tượng còn táo tợn dùng thủ đoạn giả danh cán bộ công an, cán bộ viện kiểm sát để gọi điện lừa đảo. Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP HCM, các cơ quan tố tụng không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại, nhưng bằng thủ đoạn kể trên vẫn có rất nhiều người bị lừa.

Không chỉ bị đánh cắp dữ liệu cá nhân, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến không gian mạng cũng trong tầm nhắm của loại tội phạm này. Điều đáng nói, công tác bảo mật của nhiều DN vẫn còn rất thấp, chưa kể một số DN vẫn coi nhẹ vấn đề bảo mật. Trong công tác quản lý nhà nước, hiện nước ta đã ban hành Luật An ninh mạng nhưng quá trình thực tiễn vẫn phát sinh những bất cập, khó khăn.

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, chỉ riêng vấn đề chứng cứ điện tử hiện nay cũng còn chưa hoàn thiện hành lang pháp lý. Hiện nay, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng nghị định bảo vệ thông tin người dùng. Khi nghị định này ra đời sẽ bảo vệ hiệu quả thông tin cá nhân và chống tội phạm mạng có hiệu quả hơn.

Mới đây, tại Hội thảo “Thách thức và giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn chuyển đổi số cấp tốc hậu Covid-19”, đại diện nhiều cơ quan chức năng của trung ương và địa phương đã gióng hồi chuông cảnh báo về tội phạm mạng.

Trong đó, Đại tá Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm CNTT và Giám sát An ninh mạng dẫn số liệu thống kê của Kaspersky cho biết, Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất từ 2018 đến nay. Một trong các nguy cơ bao gồm khả năng bị tấn công vào các thiết bị IoT thông qua Telnet; lây nhiễm mã độc qua mạng và nguy cơ bị lây nhiễm mã độc từ sử dụng các thiết bị Flash Disk hoặc thiết bị lưu trữ rời.

Theo Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) các thách thức về đảm bảo an toàn, an ninh mạng ở nước ta đang được đặt ra ở mức cảnh báo rất cao. Trung bình mỗi năm A05 theo dõi, nhận được thông tin về hàng nghìn vụ tấn công mạng với nhiều mục đích khác nhau. Riêng năm 2020, A05 đã phát hiện trên 5.050 trang, cổng thông tin điện tử trong nước bị tấn công (tăng 40% so với năm 2019). Đối với người dùng cá nhân đa số bị lợi dụng hạn chế từ nhận thức và kiến thức của người dùng để đánh cắp dữ liệu. Các mã độc nguy hiểm hàng ngày, hàng giờ được điều khiển để tấn công nhằm vào người dùng, trong đó có cả các mã độc nâng cấp (nhúng AI).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn khó kiểm soát tội phạm đánh cắp thông tin trên mạng