Ngày 8/9, Bộ Y tế đưa ra thông điệp sửa đổi nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 từ “5K”, bao gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn -Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế; xuống thành “2K”, gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn. Cùng với đó là tiêm vaccine phòng Covid-19 (có thể hiểu đó là thông điệp 2K+). Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng lưu ý, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp về thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp y tế cần thiết khác.
Về khẩu trang: Bộ Y tế khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19; Các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 và áp dụng cụ thể với một số địa điểm và đối tượng theo Quyết định số 2447 ngày 6/9/2022 của Bộ Y tế.
Về khử khuẩn: Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.
Còn nhớ, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; trên cơ sở việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị kéo giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc mới. Qua 4 đợt chống dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta đã đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế được nâng lên... Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, bên cạnh đó là đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Nghị quyết 128 của Chính phủ là sự chuyển hướng cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch; còn được gọi là chủ trương “mở cửa” khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Kể từ thời điểm đó, các lĩnh vực kinh tế, các địa phương trong cả nước lần lượt “mở cửa”, có thể nói là hồi sinh sau những mất mát đau thương của đợt dịch thứ 4. Từ chủ trương đúng đắn của Chính phủ mà nền kinh tế đất nước vượt qua bão táp, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cao, lạm phát được kiềm chế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm. Cụ thể: GDP quý 1/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. GDP quý 2/2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Quý 3/2022 chưa kết thúc nhưng các chuyên gia phân tích của VNDirect dự báo mức tăng trưởng có thể đạt đỉnh ở mức 11% so với cùng kỳ. Còn với cả năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Moody's và một số định chế tài chính quốc tế, dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7,5-8,5%.
Những thành tựu quan trọng đó có được là do công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả cao; và rất quan trọng là chủ trương đúng đắn của Chính phủ khi quyết tâm mở cửa, khôi phục và phát triển nền kinh tế. Nhân đây, cũng xin được dẫn thêm một con số, đó là xuất siêu: Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, ước tính xuất siêu khoảng 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan khi gần đây số ca mắc mới Covid-19 tăng lên, với những biến chủng virus có khả năng lây lan nhanh. Thông tin từ Bộ Y tế, ngày 1/9 có 3.191 ca mắc mới, ghi nhận 3 ngày liên tiếp số ca mắc mới hơn 3.000 ca. Tuy số ca mắc mới không nhiều so với trước song cũng không thể vì thế mà chủ quan, khi biết rằng kể từ đầu dịch đến ngày 8/9/2022, Việt Nam có 11.431.823 ca mắc, trong đó đã có 43.126 người bệnh Covid-19 tử vong.
Thông điệp mới của Bộ Y tế sửa đổi nguyên tắc phòng, chống Covid-19 từ “5K” xuống thành “2K” mới đây là phù hợp với thực tế phòng, chống và diễn biến dịch Covid-19 của Việt Nam. Hạ mức cảnh báo nhưng không phải là “mở toang”, không cần đeo khẩu trang, không cần tiêm vacine; mắc Covid-19 cũng không cách ly, không đến bệnh viện điều trị với tâm lý “tự khỏi”.
Trong khi không ít quốc gia trên thế giới vẫn phải vật lộn với biến chủng mới của virus gây bệnh Covid-19, thì chỉ một chút lơ là, mất cảnh giác thôi, dịch cũng sẽ lại xâm nhập và lây lan ra cộng đồng, lại phải vô cùng vất vả để dập dịch.
Vì thế mới nói, thay đổi nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 từ 5K xuống còn 2K là đúng với thực tế, nhưng cũng không thể vì thế mà chủ quan.