Vẫn lo đạo đức học đường

Sỹ Bình 10/01/2016 10:27

Tình trạng một bộ phận lớp trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều em có xu hướng chạy theo lối sống hưởng thụ mà bỏ qua những giá trị đạo đức là nền tảng cốt yếu của con người. Vấn đề này đang là thách thức cho các nhà giáo dục cũng như các gia đình, nhà trường. 

Đáng lo ngại

Rất nhiều cuộc Hội thảo về Công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên được tổ chức nhằm nêu thực trạng và tìm giải pháp nhưng hàng ngày, hàng giờ chúng ta vẫn phải tiếp nhận thông tin về bạo lực trong học sinh, sinh viên. Không chỉ học sinh nam, mà cả học sinh nữ.

Hiện tượng học sinh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào hút, chích ma túy và các chất gây nghiện khác đã manh nha. Cụ thể cuối năm 2015, dư luận xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh, nhà trường rất hoang mang, lo lắng khi phát hiện nhiều học sinh tại hai trường THCS Hoàng Văn Thụ và THPT Lê Duẩn (Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) hút và mua bán cây shisha.

Theo đó, vào buổi học sáng thứ 5, ngày 10/12/2015, Ban Giám hiệu, Đoàn trường, đại diện Hội cha mẹ học sinh hai trường này đã tới các lớp để kiểm tra một số học sinh nghi vấn có giữ và sử dụng cây shisha pen (thuốc lá điện tử, dạng giống như cây bút). Các thầy cô đã thu được 36 cây shisha, trong đó hai học sinh đã thừa nhận việc bán shisha và 4 học sinh nhận mua để sử dụng.

Theo các học sinh hai trường trên, nạn hút shisha diễn ra từ đầu tháng 11/2015, gần như lớp nào cũng có bạn sử dụng. Hút trong giờ ra chơi, sau trường, trong nhà vệ sinh, thậm chí hút ngay trong giờ học khi giáo viên đang giảng bài. Điều đáng nói là hầu hết các bậc phụ huynh và ngay cả giáo viên rất thiếu thông tin về shisha cũng như mối nguy hại của nó.

Cũng cuối năm ngoái, TAND huyện Mê Linh, Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án nữ sinh cấp 3 (SN 1998, trú ở xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) đang ngồi học trên lớp vẫn tranh thủ điều bạn đi… bán dâm. Bản án 30 tháng tù giam cho tội môi giới mại dâm của nữ sinh này cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và nhà trường về sự sâu sát và nắm bắt tâm sinh lý của con em mình.

Mới đây, hội thảo về đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh THPT do Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức đã cho thấy những kết quả đáng báo động về vấn đề đạo đức, lối sống và chấp hành pháp luật trong học sinh.

TS Ngô Minh Oanh cho biết đã cùngcác đồng sự tiến hành khảo sát tại 20 trường THPT ở 12 quận/huyện của TP HCM trong đó có 12 trường công lập và 8 trường ngoài công lập với tổng số 1.800 phiếu. Kết quả có đến 57,4% học sinh tự nhận thiếu hiểu biết về lịch sử và truyền thống đạo lý dân tộc; 57,3% học sinh thiếu hiểu biết về hiến pháp và pháp luật; 42,5% thiếu tôn trọng thầy cô giáo và nói xấu thầy cô; 34,8% lười làm việc và không biết làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ; 46,8% sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất và chọn nghề kiếm được nhiều tiền; 37,6% các em sống thiếu nhân ái, vô cảm; 42,9% thiếu ý thức trách nhiệm công dân, không tự giác chấp hành pháp luật…

Theo TS Oanh, những điều chưa tốt chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 30% làm chúng ta không khỏi lo lắng với một bộ phận học sinh đó sẽ như thế nào khi trở thành những công dân tương lai.

Nặng dạy chữ, nhẹ dạy người

Phân tích thực trạng suy giảm đạo đức trong lớp trẻ, ông Nguyễn Đắc Hưng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Đào tạo và Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng việc nuôi dạy con cái ngay từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành là việc rất công phu và khoa học, nó hình thành nên giá trị của mỗi con người.

Bởi vì từ khi mới sinh ra đến tuổi đi học, trẻ chịu sự chi phối sâu sắc của cha mẹ, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Nguyên nhân quan trọng khác là do sự giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường hiện nay kém hiệu quả. Nhà trường chú trọng truyền đạt kiến thức hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên. Giáo dục nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người.

Đồng quan điểm, theo ông Chu Văn Yêm- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, hiện môn Đạo đức, Giáo dục công dân được xếp là môn học chính, nhưng qua khảo sát cho thấy môn này chưa thật sự được coi trọng đúng mức. Hầu hết nhà trường, giáo viên dạy Đạo đức, Giáo dục công dân là kiêm nhiệm. Chương trình - sách giáo khoa môn Đạo đức, Giáo dục công dân không hấp dẫn, khô cứng, thời lượng dạy chính khóa quá ít, phương pháp dạy học nhìn chung không đổi mới.

Về vấn đề này, cô Lại Thị Nguyệt Hằng- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) cho rằng: Ngành Giáo dục không lơ là vấn đề dạy đạo đức cho học sinh nhưng thực tế ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng giáo viên sử dụng tiết Đạo đức, Giáo dục công dân để ôn luyện các môn khác.

Cô Hằng cũng cho rằng giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và xã hội thì kết quả cũng không toàn diện, bền vững. Ngay từ tấm bé, tức là bậc học mầm non thì giáo viên nên kể những câu chuyện tình cảm để xây dựng lòng nhân ái cho các em. Còn khi lên đến trung học thì cho các em tranh luận, để trải nghiệm với thực tế của xã hội, chứ không chỉ ghi chép đầy đủ để học thuộc lòng rồi cuối cùng ra đời lại không vững vàng.

Mới đây, một buổi nói chuyện sinh động về đạo đức với học sinh của ông Ngô Ngọc Hoàng Vương- Trưởng phòng Công tác học sinh, Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng đã mang đến một làn gió mới thổi mát tâm hồn học sinh và tạo tiền đề tốt trong công tác giáo dục đạo đức ở nhà trường.

“Các em đã biết yêu thương chưa? Theo thầy thì nhiều bạn ở đây vẫn chưa học được chữ yêu thương đúng nghĩa”, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương bắt đầu buổi nói chuyện trước hàng ngàn học sinh ở Đà Nẵng bằng câu hỏi mở ngỏ.

“Để các em được đến trường, được đủ đầy trong cuộc sống, cha mẹ các em phải vất vả, cực nhọc vật lộn với cuộc mưu sinh. Nhưng ở đây, có bao nhiêu em đã từng nói với cha mẹ của mình “Con cảm ơn ba mẹ”, hoặc “Con yêu ba mẹ” hay chỉ là “Con muốn cái này, muốn thế kia”. Hoặc “chỉ biết quan tâm đến thần tượng là ca sĩ, diễn viên mà chưa bao giờ dành sự quan tâm của mình cho cha mẹ, ông bà, thầy cô. Đừng, đừng như thế nhé các em!”- ông Vương dẫn dắt học sinh vào câu chuyện…

Theo những học sinh tham dự buổi nói chuyện đó thì mỗi câu chuyện như những “cơn địa chấn” trong lòng các em. Buổi nói chuyện kết thúc trong sự vỡ òa cảm xúc và ít nhiều đã gieo được vào tâm hồn trẻ thơ chút gì đó về tình thương, lòng nhân ái và trách nhiệm của con người. Nói như ông Ngô Ngọc Hoàng Vương thì đạo đức, lối sống của học sinh hình thành không phải từ lý thuyết áp đặt mà phải cho các em sự trải nghiệm, cảm nhận, từ đó mới có sức đề kháng trước sự cám dỗ dữ dội của cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn lo đạo đức học đường