Theo Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Con số cho thấy vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục hoành hành, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hàng hiệu “nhái” tràn lan
Lên các kênh bán hàng online như: Shopee, Lazada... gõ vào mục tìm kiếm những thương hiệu như: Túi Gucci, son Dior, nước hoa Channel... người tiêu dùng có thể nhận được kết quả là hàng loạt các sản phẩm mà họ cần tìm với vô số loại giá “thượng vàng hạ cám” - từ mức giá hàng trăm, hàng chục triệu đồng cho đến vài trăm nghìn đồng, thậm chí là vài chục nghìn đồng.
Chị Bùi Vân Anh (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội), một tín đồ thời trang cho biết, chưa khi nào chị thấy các thương hiệu “nhái” được bày bán một cách công khai và tràn lan như hiện nay, trên cả kênh online cũng như kênh truyền thống. Chị Vân Anh đã từng mua một chiếc túi hiệu Gucci có giá lên đến gần 100 triệu đồng, thế nhưng cùng một sản phẩm có mẫu mã gần như “sinh đôi” được bày bán ở nhiều kênh thương mại điện tử, chỉ có giá vài trăm nghìn đồng cho đến vài triệu đồng.
Tương tự, đối với sản phẩm nước hoa Channel, theo chia sẻ của chị Nguyễn Lan Hương (Trung Kính, Hà Nội), chị có nhờ người bạn đi nước ngoài xách tay về cho một lọ nước hoa hiệu Coco Chanel với giá quy đổi ra tiền Việt là hơn 3 triệu đồng, thế nhưng khi tìm kiếm trên kênh thương mại điện tử, dòng nước hoa này với mẫu mã, màu sắc giống nhau “như hai giọt nước” được rao bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí chỉ vài ba chục nghìn đồng.
Không chỉ hoành hành trên chợ mạng, tại các chợ truyền thống, hàng giả, hàng “fake” cũng tràn lan. Người tiêu dùng dễ dàng tìm mua những chiếc túi nhái các thương hiệu lớn với giá bèo tại các chợ: Đồng Xuân, chợ Hôm - Đức Viên... và ngay ở nhiều chợ vỉa hè của Hà Nội.
Tương tự, tại các địa phương khác như: TPHCM, Quảng Ninh, Quảng Bình... người tiêu dùng cũng dễ dàng lựa chọn cho mình những món đồ thời trang nhái hàng hiệu tại các chợ truyền thống với giá rẻ bất ngờ.
Doanh nghiệp thiệt thòi
Nói về vấn nạn hàng giả, hàng nhái đe dọa đến thương hiệu của các DN làm ăn chân chính, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nêu thực trạng: “Từ những hãng làm đồ ăn thức uống rất đơn giản hàng ngày như hãng Ajinomoto sản xuất bột ngọt, hãng Acecook của Nhật Bản sản xuất mì gói… đều phản ánh với chúng tôi rằng trên thị trường ngày càng nhiều bột ngọt cũng như mì tôm làm giả, thậm chí làm giả từng gói gia vị trong gói mì. Cho đến những thương hiệu rất nổi tiếng của tập đoàn Procter & Gamble như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng… cũng bị làm giả rất nhiều ở thị trường nội địa. Ngay cả sản phẩm đồ chơi lego của trẻ em - trong tháng vừa qua, phía Đan Mạch cũng đã làm việc với chúng tôi 2 lần về việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm lego trên thị trường Việt Nam”.
Đối với các thương hiệu sản phẩm của Việt Nam thì những mặt hàng từ đồ ăn, thức uống đều được sản xuất, làm giả, làm nhái ngay ở thị trường nội địa. Qua đó có thể thấy rằng thương hiệu, nhãn hiệu được làm giả ngày càng tinh vi hơn.
Theo ông Linh, thương hiệu bị làm giả, làm nhái ảnh hưởng đến uy tín của DN và nguy hiểm nhất là làm xói mòn sức sản xuất của DN khi phải cạnh tranh với hàng giả. Hàng giả vừa rẻ, người dân thì vẫn thỏa hiệp trong việc mua hàng giả. “Do vậy thương hiệu sản phẩm của DN đang chịu nhiều thiệt thòi đối với vấn nạn hàng giả hiện nay”- ông Linh nói.
Triển khai kế hoạch chống hàng giả
Để chống lại vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là cho các DN đối với môi trường kinh doanh, ông Linh cho biết, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu. Cụ thể, sẽ triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại hơn 20 tỉnh, thành phố có nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống trên không gian mạng Internet. Đồng thời, tổ chức các chuyên đề kiểm tra đột xuất các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội.
Điều đó cho thấy, cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp để ngăn chặn, xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, chế tài xử lý cũng được nâng lên. Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: Các văn bản pháp luật, chế tài xử phạt các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, hiện nay của chúng ta đã khá hoàn chỉnh, thậm chí còn có các khung hình phạt khá nặng so với các nước khác. Tuy nhiên, bản thân mỗi DN cần chủ động trong việc bảo vệ thương hiệu của mình, chứ không chỉ đợi chờ cơ quan chức năng. Theo đó, DN cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu.
Ở góc độ DN, bà Bùi Thị Thu Hiền - đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho rằng: Để phòng ngừa các hành vi vi phạm, công ty tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối và người tiêu dùng, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng.
Trong khi đó, đại diện sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel) cho biết: Vỏ Sò yêu cầu các đối tác cung cấp mã số thuế, thông tin đầy đủ về DN. Vỏ Sò cũng phối hợp và áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc, theo dõi đơn hàng trong quá trình vận chuyển, qua đó góp phần xóa bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn.
Về phía người tiêu dùng, thực tế không ít người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi trong việc lựa chọn các sản phẩm trên thị trường, vẫn thích sử dụng “hàng hiệu giá rẻ”, như vậy là gián tiếp thỏa hiệp với các hành vi vi phạm, tiếp tay để hàng giả, hàng nhái có đất sống. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức tiêu dùng thông minh, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái cũng là việc hết sức cấp thiết.