Trong những năm gần đây, pháo sáng luôn là vấn đề đau đầu của bóng đá nước nhà. Pháo sáng bị cấm trong khuôn khổ hệ thống các giải đấu quốc gia, cũng như các trận đấu quốc tế. Nhưng bao năm qua, cả VFF lẫn VPF mùa giải nào cũng phải “sống chung với lũ” và cá biệt là các trận đấu có sự cổ vũ của các CĐV Hải Phòng.
Đến hẹn lại đốt
Bóng đá Việt vẫn đang không có biện pháp nào đủ mạnh với vấn nạn pháo sáng hoành hành trên khắp các SVĐ tại V. League trong những năm qua. Vụ việc “cơn mưa” pháo sáng nhấn chìm sân Hàng Đẫy trong khói đã được một nhóm CĐV quá khích của Hải Phòng thực hiện vừa qua khiến tất cả đều phải lên án. Pháo sáng lại thêm một lần trở thành điểm nóng gây nhức nhối tại V-League trong sự bất lực của BTC. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, khán giả Việt Nam được chứng kiến cảnh khói pháo mù mịt khắp mặt sân chứ không chỉ loanh quanh trên khán đài và nhiều người đã ví von sân Hàng Đẫy như San Siro (Italy). Nhóm người này liên tục đốt pháo sáng với số lượng lớn trên khán đài và ném bừa bãi xuống mặt cỏ khi cầu thủ đang thi đấu. Trọng tài đã phải cho dừng trận đấu nhiều lần vì không đủ điều kiện thi đấu cũng như để vãn hồi trật tự. Hình ảnh pháo sáng tràn ngập khán đài trở thành tâm điểm và xuất hiện trên nhiều trang báo quốc tế. Trang Fox Sports phiên bản châu Á đánh giá vụ này là “vượt quá tầm kiểm soát tại V.League, gây gián đoạn trận đấu”.
Cần phải khẳng định, đốt pháo sáng là hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn cho trận đấu, ảnh hưởng đến hình ảnh thể thao Việt Nam! Đã không ít lần, VFF đã bị AFC xử phạt vì một số CĐV đốt pháo sáng ở các trận đấu quốc tế có đội tuyển Việt Nam tham gia. Bóng đá Việt đã phải nhận những án phạt về vấn đề pháo sáng, thậm chí có những cảnh báo của Liên đoàn Bóng đá châu Á và Quốc tế rằng sẽ cấm tổ chức - cũng như tổ chức trên sân không có khán giả hoặc sân trung lập - nếu hành vi này vẫn tiếp tục. Mặc dù đốt pháo sáng rất tốn kém và nguy hiểm khi hoàn toàn có thể gây cháy nổ, gây thiệt hại về người và của, nhưng không ít người vẫn chọn cách thể hiện mình qua việc đốt pháo sáng.
Với nhiều CĐV Hải Phòng thì việc đốt pháo sáng như muốn “thể hiện cá tính, sống thật với cảm xúc”. Các nhà quản lý VFF vẫn không có biện pháp nào có thể khắc phục triệt để, vòng tròn luẩn quẩn đốt pháo, xử phạt rồi lại đốt pháo và xử phạt cứ diễn ra suốt từ trận này sang trận khác, sân này sang sân khác, khiến NHM bóng đá chân chính không khỏi lắc đầu ngao ngán. Đến nay, hầu như tất cả những biện pháp mạnh nhất, “kịch khung”, có thể áp dụng đều đã được VFF thực hiện đối với nạn đốt pháo sáng trên khán đài mà chủ yếu đến từ các CĐV Hải Phòng. Các án phạt tiền, cấm sân, thậm chí là cấm đến sân đối phương… đều được đưa ra theo hình thức “án chồng án”, tăng dần mức phạt… hòng ngăn cản pháo sáng, thế nhưng không có bất kỳ sự thay đổi nào.
BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam luôn luôn lúng túng trong các phương án xử lý với tình trạng đốt pháo sáng tại các trận đấu có Hải Phòng tham gia bởi lẽ dù có lượng CĐV đông và cuồng nhiệt, nhưng đội bóng xứ hoa Phượng đỏ lại không có Hội CĐV chính danh nào. Chính từ việc thiếu định hướng nên một bộ phận CĐV Hải Phòng cho rằng pháo sáng và những trò quậy phá mới là biểu tượng cho sự hào sảng của đất Cảng. Với mức phạt từ tối thiểu 20 triệu đồng và cao nhất là 80 triệu đồng như quy chế thì các nhóm, các hội CĐV đất Cảng luôn luôn sẵn “quỹ” đóng phạt để không có liên đới nào tới CLB. Thành ra, hành vi đốt pháo sáng được cho là tự phát, đến từ một số CĐV quá khích và bản thân CLB cũng không thể có biện pháp quản lý, ngăn ngừa. Đây cũng là điều lạ bởi lẽ Chủ tịch CLB Hải Phòng đang là Phó chủ tịch VPF, và trong khi luôn luôn tuyên truyền thông điệp mong muốn các CLB hoàn thiện các tiêu chí chuyên nghiệp theo chuẩn của V-League thì với CLB Hải Phòng - dù là đội bóng có lượng cổ động viên đông đảo - nhưng lại hoạt động không tổ chức bao năm qua.
Những án phạt liên quan tới pháo sáng của Hải Phòng không hề ít và cứ tăng dần theo từng mùa bóng. Ở mùa giải 2017, CLB Hải Phòng từng bị kỷ luật phải đá trên sân nhà không có khán giả khi gây rối trong trận đấu với Hà Nội ở vòng 6. Trận lượt về ở vòng 14 - khi SVĐ Hàng Đẫy sửa chữa, Hà Nội thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà - một cơn “mưa” pháo sáng cùng hàng loạt các chai lọ đã được các CĐV Hải Phòng ném xuống sân. Án phạt mà các CĐV Hải Phòng phải nhận là cấm đến sân khách hết lượt đi. Sang mùa 2018, CLB Hải Phòng đã bị Ban Kỷ luật VFF phạt hơn 300 triệu đồng vì CĐV đốt pháo sáng. Đây cũng là mùa giải mà CLB Hải Phòng nhận án phạt kỷ lục. Còn ở mùa giải năm nay, trước khi gây đại náo bằng cơn “mưa” pháo sáng ở sân Hàng Đẫy, CLB Hải Phòng đã nhận án phạt 20 triệu đồng do để xảy ra tình trạng khán giả đốt pháo sáng ở khu vực xung quanh sân diễn ra trận đấu, gây mất an ninh an toàn cho CLB SHB Đà Nẵng tại vòng 5.
Phải xử lý tận gốc
Việc liên tục để pháo sáng được đốt tại sân trong những năm qua đã khiến nhiều người cho rằng VFF đang bất lực trong việc hạn chế và ngăn cấm pháo sáng, và đó là điều hoàn toàn chính xác. Năng lực tổ chức của đơn vị tổ chức đã không theo kịp với khả năng đưa pháo sáng vào sân. Có rất nhiều cách để tuồn được pháo sáng vào sân và nó càng dễ dàng hơn khi công tác rà soát tại các cổng ra vào còn rất lỏng lẻo. Trong một chừng mực nào đó, khâu kiểm tra an ninh cũng có vấn đề và BTC trận đấu không phải không có liên đới.
Ngay sau khi các CĐV Hải Phòng tạo ra cơn mưa pháo sáng tối 21/4, Tổng cục TDTT có công văn gửi VFF, BTC giải và các bên liên quan yêu cầu chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn, an ninh và không để tình trạng đốt pháo sáng tái diễn. Công văn yêu cầu BTC giải cũng như BTC sân Hàng Đẫy “nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, trên cơ sở đó có biện pháp kỷ luật nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân vi phạm”. Quan điểm của Tổng cục là xử lý thật nghiêm, nhưng trước hết phải làm công tác tuyên truyền, tăng cường công tác an ninh trật tự làm sao rà soát, nghiêm cấm không cho CĐV mang được pháo sáng vào trong sân.
Việc đưa ra án phạt dựa trên các quy định luật hiện hành không khó, tuy nhiên Ban Kỷ luật VFF sẽ phải tìm phương án để xử lý căn cơ vấn đề đốt pháo sáng ở V-League, trong đó nhắm vào nhóm một số cổ động viên quá khích của Hải Phòng. Vấn đề được đặt ra ở đây là với một lượng pháo lớn như vậy được đưa vào sân, vì sao BTC sân lại không thể phát hiện? Án phạt nặng sẽ có nhưng vấn đề quan trọng là VFF và VPF cần có giải pháp triệt tận gốc vấn đề. Với những mức xử phạt được đưa ra như từ trước đến nay sẽ chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Quan trọng nhất là BTC giải, VFF phải có biện pháp tìm ra được CĐV đốt pháo sáng để xử lý. Nếu không đúng người, đúng tội thì sẽ dẫn đến tình cảnh “quýt làm cam chịu”, phạt xong đâu lại vào đó vì người bị phạt đâu có đốt pháo, còn người đốt pháo thì không tìm ra để phạt. Muốn tìm ra CĐV đốt pháo thì an ninh phải được tăng cường với lực lượng đủ mạnh. Với nhiều nhà chuyên môn, thì VPF cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với BTC sân Hàng Đẫy cũng như các sân khác, thậm chí có thể yêu cầu lắp camera ở các khán đài, nhằm phát hiện người chủ mưu đốt pháo sáng, sẵn sàng trục xuất khỏi sân. Phương án tốt nhất là kiểm soát gắt gao ngay từ cửa vào với nhiều tầng kiểm soát thì sẽ hạn chế và chấm dứt được việc mang pháo sáng vào sân.
Bóng đá không thể thiếu khán giả. Đó là điều không phải bàn, nhưng bóng đá cần những cổ động viên dù cuồng nhiệt nhưng đầy ý thức và trách nhiệm. Các sân bóng không cần những CĐV tìm đến như là nơi “trút” những cơn giận – vui bột phát, thể hiện mình khác người bằng những hành động dồn vào cơn mưa vật thể lạ và mù mịt khói bao trùm.
* Ban kỷ luật VFF đã đưa ra án phạt dành cho CLB Hà Nội là đá trên sân không khán giả trận đấu tiếp theo. Đồng thời, Hà Nội và Hải Phòng sẽ phải nộp phạt 70 triệu đồng - mức phạt tiền cao nhất dành cho một CLB khi không đảm bảo được an ninh.