Xuân Bính Thân về, nhiều nghệ sĩ cũng gặp lại “những năm Thân đáng nhớ” đã đi qua trong đời mình. Ở bài viết này, chúng tôi xin điểm qua một số văn nghệ sĩ tuổi Thân có nhiều dấu ấn với Thủ đô hoặc được sinh ra và đang gắn bó với Hà Nội.
Người mang đến cho Hà Nội một phố mới
Đó là danh họa Bùi Xuân Phái, ông tuổi Canh Thân (1920). Và con phố mà ông mang đến cho Hà Nội, đó là “Phố Phái”. Nhắc đến điều này, người ta nhớ ngay tới những bức tranh của ông đã vẽ về khu phố cổ Hà Nội. Những bức tranh ấy đã ghim cài vào tâm trí nhiều người, ở các thế hệ khác nhau về một Hà Nội thâm trầm. Những bức tranh ấy không chỉ làm nên tên tuổi ông, không chỉ khiến ông nổi tiếng, sau này không chỉ giúp cho vợ con ông bớt khó khăn hơn về kinh tế, mà quan trọng hơn, trở thành một phần di sản của khu phố cổ, để người đời sau có thể chiêm ngưỡng, đối sánh với phố cổ hiện tại.
Danh họa Bùi Xuân Phái quê gốc của ông là ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) – mảnh đất nổi tiếng với dòng tranh Kim Hoàng. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941–1946. Tham gia kháng chiến, tham dự triển lăm nhiều nơi. Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Bên cạnh đề tài phố cổ, họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng vẽ nhiều tranh Tết. Mỗi dịp xuân về, ông có thú khai bút bằng những bức tranh Xuân gửi gắm ước vọng cho một năm mới tốt lành. Hoặc cũng nhiều khi, vào cữ tháng Chạp, ông lại vẽ một vài bức tranh nho nhỏ làm quà tặng bạn bè. Đặc biệt, vào dịp Tết đến Xuân về ông thường trực tiếp làm những tấm thiệp chúc mừng năm mới. Ông tự tay chọn giấy, tự tay viết chữ, rồi vẽ tranh trực tiếp lên “tấm thiệp”. Tùy theo từng đối tượng ông gửi thiệp mà ông lại phóng bút vẽ những hình ảnh cho phù hợp. Có khi là ông đồ già, có khi là thiếu nữ, nhiều khi là những con vật ngộ nghĩnh…
Người thích lễ chùa đầu năm
Cũng tuổi Canh Thân, nhưng nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền là thế hệ sau. Chị sinh tại Hà Nội, sau danh họa Bùi Xuân Phái đúng một vòng hoa giáp (60 năm). Năm vừa qua, Thái Huyền khiến dư luận đặc biệt chú ý, và đặt niềm tin vào những người trẻ làm điện ảnh khi bộ phim “Người trở về” do chị đạo diễn đã tạo hiệu ứng xã hội, kéo khán giả đến rạp. Với “Người trở về”, chưa bao giờ một phim về đề tài chiến tranh cách mạng, được đặt hàng để chào mừng ngày lễ lớn của đất nước lại được khán giả chào đón nồng nhiệt đến mức lần nào công chiếu cũng chật kín rạp. Từ Hà Nội, TP.HCM đến Đà Nẵng, nơi nào “Người trở về” đi qua, nơi đó tình yêu thương, sự cảm thông, sẻ chia, xúc động đều đọng lại trong lòng người xem. Đó là làn gió mới, tinh thần mới đầy sức trẻ của một nữ đạo diễn thế hệ 8X thổi vào đề tài tưởng chừng đã cũ. Tín hiệu này mở ra một lối đi cho các bộ phim đặt hàng, về những đề tài “vừa khô vừa khó”.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền.
Ít ai ngờ, Đặng Thái Huyền sinh ra và lớn lên trong gia đình không có ai làm điện ảnh nhưng năm 2003 chị đã tốt nghiệp Thủ khoa khoa Đạo diễn trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ngay sau đó chị đầu quân cho Điện ảnh Quân đội và hiện đang là Trưởng phòng phim truyện, mang quân hàm Đại úy.
Một người trẻ sớm gặt hái thành công như vậy, nhưng Tết đến, Đặng Thái Huyền vẫn thích ở Hà Nội, hưởng trọn cái Tết lạnh với hoa đào, hoa thược dược và mưa bụi. Thái Huyền chia sẻ: “Đêm giao thừa tôi hay đi ra chùa gần nhất, thành tâm cầu mong cho gia đình một năm sức khỏe và sau đó mua một cây mía trên đường mang về nhà. Hầu như năm nào cũng thế”. Khi được hỏi Tết ấn tượng nhất điều gì, nữ đạo diễn sinh năm 1980 không giấu giếm: “Ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng mình Tết là được mừng tuổi”.
Thong dong vừa vẽ vừa viết
Đó chính là họa sĩ Đỗ Phấn. Ông sinh năm 1956, tại Hà Nội, tuổi Bính Thân. Đỗ Phấn vẽ nhiều, bán tranh cũng nhiều. Nhưng mấy năm nay người ta thấy sách của Đỗ Phấn xuất hiện nhiều. Hết tiểu thuyết thì truyện ngắn, sau truyện ngắn lại thấy tản văn. Năm rồi ông ra liền mấy cuốn, trong đó có cuốn tản văn “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”. Đọc cuốn tản văn này, một Hà Nội nghìn xưa và một Hà Nội đương thời hiện ra, đan cài, với nhiều hình ảnh, nhiều suy nghiệm.
Đỗ Phấn cũng là người may mắn có nhiều dịp tiếp xúc với danh họa Bùi Xuân Phái. Ông cũng có những kỷ niệm riêng, thú vị. Bên cạnh đó, một “thói quen” khá tương đồng của Đỗ Phấn với danh họa bậc thầy, ấy là cứ mỗi dịp Xuân sang Tết đến, ông lại bắt tay vẽ tranh những con giáp. Những bức này ông thường để cho, biếu, tặng bạn bè, như một cách mừng xuân mới. Năm nào con vật đó. Có con giáp vẽ tranh nào thích ngay tranh đó. Nhưng cũng có con vật đầy thách thức, vẽ cũng là một cách thử sức. Năm ngoái, ông còn bày hẳn triển lãm tranh những con dê tại 29 Hàng Bài. Năm nay chào xuân Bính Thân ông không bày triển lãm nữa mà chỉ vẽ tranh những chú khỉ ngộ nghĩnh đăng báo Xuân và tặng bạn bè…