Vẫn phải duy trì mức sinh thấp hợp lý

Trần Ngọc Kha 19/06/2015 13:03

Theo Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ), hiện tượng đẻ từ 3 con trở lên còn phổ biến ở các vùng kinh tế phát triển thấp như: Tây Nguyên, Trung du, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ… Trong khi đó, ở TP.HCM, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và nhiều nơi khác có mức sống cao thì mức sinh lại đang có chiều hướng hạ xuống thấp. Tại TP.HCM, bình quân, mỗi phụ nữ chỉ sinh 1,3 con, miền Đông Nam Bộ - 1,5 con. Đã xuất hiện khuynh hướng “ngại đẻ” ở một bộ phận chị em. Áp lực cao về

Hiện tượng sinh nhiều con vẫn phổ biến ở miền núi phía Bắc

Theo ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS&KHHGĐ, đây là hệ quả của công cuộc đô thị hóa và sự phát triển kinh tế xã hội. Nó tạo ra một nghịch lý: Tại những vùng chất lượng dân số thấp thì có mức sinh cao và ngược lại, tại những vùng có mức sống cao, chất lượng dân số cao thì mức sinh đang có chiều hướng tụt xuống. Đương nhiên, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển không những của từng vùng mà còn đến cả nước. Bởi, theo các chuyên gia kinh tế, dân số cứ tăng 1% thì đòi hỏi kinh tế phát tăng 4% mới có thể đáp ứng để duy trì mức sống như hiện tại. Dân số là mẫu số của phát triển. Chất lượng sống không thể tăng lên nếu mẫu này tăng mà tử số là phát triển không tăng một cách tương xứng. Và, bài học từ sự thực ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…, dân số bị hạ xuống quá thấp gây ảnh hưởng đến nguồn lực xã hội cũng như sức sản xuất.

Thực tế manh nha nói trên khiến các chuyên gia về DS&KHHGĐ đang đặt ra 3 kịch bản phát triển dân số... Theo ông Lê Cảnh Nhạc, nếu theo kịch bản thứ nhất, mức sinh cao, thì mật độ dân số nước ta sẽ là 400 người/km2 (hiện nay mức này là 273 người/km2, đứng thứ 3 trong khu vực, thứ 16 trong 51 quốc gia vùng lãnh thổ của châu Á). Như vậy sẽ gây áp lực rất lớn cho xã hội. Nếu theo kịch bản thứ hai, mức sinh quá thấp, thì như đã nói ở trên, sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực xã hội. Chiến lược dân số của Việt Nam, theo ông, từ nay về sau vẫn phải theo kịch bản thứ ba là mức sinh thấp hợp lý, đảm bảo từ 1,9-2 con/cặp vợ chồng. Đây cũng là mục tiêu của công tác dân số từ 2011-2020, theo ông Nhạc.

Công tác DS&KHHGĐ ở nước ta từ trước đến nay vẫn chỉ là vận động chứ không áp đặt bất kỳ một chế tài pháp luật nào. Để đạt được mục tiêu nói trên, theo ông Nhạc, vẫn phải kiên trì vận động, thuyết phục người dân thông qua truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho người dân và cung cấp cho họ các điều kiện sinh đẻ có kế hoạch cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cụ thể, tiếp tục tạo nên những cuộc vận động xã hội rộng lớn với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các cơ quan, đoàn thể khác. Bên cạnh đó có thể cần tiếp tục đặt ra và duy trì những hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư để đáp ứng yêu cầu kinh tế, văn hóa, xã hội của địa bàn ấy. Hiện nay, mặc dù chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế, nhưng theo ông Nhạc, phụ nữ Việt Nam hiện đang bước vào độ tuổi sinh đẻ với quy mô cao nhất. Quy mô này sẽ kéo dài đến năm 2025. Do vậy, nhu cầu về phương tiện tránh thai, cũng như các dụng cụ về KHHGĐ gia tăng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các nguồn lực cấp cho người dân để thực hiện việc này đang ngày càng ít đi. “Trong bối cảnh này, phải làm sao vận động người dân tham gia một cách tự nguyện vào các biện pháp, chương trình này, phù hợp với điều kiện và thói quen của họ, chúng ta mới đạt mục tiêu DS&KHHGĐ như đã đề ra” - ông Nhạc nhấn mạnh.

Hà Nội từng bước nâng cao chất lượng dân số

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình TP Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2015, TP Hà Nội có tổng số sinh gần 40 nghìn trẻ, giảm hơn 2.200 trẻ (5,43%) so với cùng kỳ năm 2014. Số trẻ là con thứ 3 trở lên hơn 3.100, giảm 181 so cùng kỳ năm ngoái. Bình quân tỷ số giới tính khi sinh đạt 115 bé trai/100 bé gái. Riêng một số quận, huyện còn có tỷ số giới tính cao trên 120/100 như: Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín. Tỷ lệ sàng lọc trước khi sinh toàn thành phố 5 tháng đầu năm 2015 đạt 33%, dự kiến cuối năm này đạt 70%, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch (cao hơn nếu so với những năm trước, số này chỉ đạt hơn 60% - 2013, 67% - 2014).

Một số nơi còn đạt thấp tỷ lệ sàng lọc này như: Sơn Tây, Thanh Trì... Để nâng cao chất lượng dân số, TP Hà Nội đã tiến hành sàng lọc Thalassemia cho gần 2.500 ca và sàng lọc tim bẩm sinh cho gần 4.800 trẻ tại BV Phụ sản Hà Nội. Thực hiện khám sàng lọc khiếm thính ở 6/10 đơn vị cho hơn 5.300 trẻ, phát hiện nghi vấn bệnh tật cho gần 70 trẻ, sàng lọc trước khi sinh cho hơn 34.800 bà mẹ mang thai, đạt 33% kế hoạch, sàng lọc sơ sinh cho 23.100 trẻ, đạt 66,45% kế hoạch như đã nêu ở trên. Để có được kết quả nêu trên, trong thời gian qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình can thiệp, truyền thông chăm sóc sức khoẻ nhân dân và mở nhiều lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng về giới tính.

Ngọc Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn phải duy trì mức sinh thấp hợp lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO