Tại phiên họp ngày 10/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đã cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Riêng về chuyện sổ hộ khẩu, vấn đề được toàn xã hội quan tâm, đã nhận được nhiều ý kiến. Với Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), có ý kiến băn khoăn về tính khả thi khi cho rằng quy định thời điểm có hiệu lực của luật từ ngày 1/7/2021 là không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được. Do đó đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp song song với hệ thống điện tử cho tới hết ngày 31/12/2025. Trong khi trước đó Chính phủ trình đã trình để Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Đáp lại ý kiến trên, nêu lý do vì sao không cần thời gian chuyển tiếp kéo dài tới năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói: “Chúng tôi là cơ quan chủ trì thấy hoàn toàn có đủ khả năng điều kiện. Không có căn cứ gì kéo dài giữ sổ hộ khẩu song hành cho tới năm 2025, nếu đối chiếu với các công việc đang triển khai”.
Về vấn đề này, phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý trên thế giới không còn bao nhiêu nước sử dụng sổ hộ khẩu trong khi nước ta để quá lâu nên đã đến lúc cần bỏ. Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Chủ tịch Quốc hội nói, giảm bớt thủ tục cho dân nhờ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính (TTHC) quá rườm rà.
Như vậy là không chỉ với cuốn sổ hộ khẩu, mà nói rộng ra với tất cả TTHC, phải giảm bớt để dân được nhờ, guồng quay của xã hội thông thoáng hơn, nhanh hơn.
Công cuộc cải cách TTHC ở ta đã được triển khai từ lâu và luôn được nhắc nhở, hối thúc. Trên thực tế cũng đã đạt được những kết quả nhất định khi không ít thủ tục cũ kĩ, lạc hậu đã được loại bỏ. Nhưng như thế vấn chưa đủ. Để tiến tới một xã hội dân chủ hơn, tiến bộ hơn, văn minh hơn thì TTHC cần phải đơn giản, rõ ràng thuận tiện cho đại đa số người dân. TTHC đặt ra phải xuất phát từ việc điều chỉnh, phục vụ quyền lợi cho số đông người dân chứ không phải ngược lại, có nghĩa là làm khó cho số đông, cũng có nghĩa là làm khó người dân, doanh nghiệp.
Dân gian hiện đại có câu “hành là chính” để nói về vấn nạn TTHC. Hóa ra, trong nhiều trường hợp, người ta đã mang TTHC ra như một tấm khiến che chắn, làm khó làm dễ, bắt chẹt người khác không loại trừ để từ đó đòi “bôi trơn”, “lót tay” trục lợi riêng.
Thật chí lý khi Chủ tịch Quốc hội nói rằng tại sao cứ bám lấy những cái cũ. Ở đây có thể hiểu rằng những người “bám lấy cái cũ” có đầu óc thủ cựu, não bộ đã “đông cứng” chỉ biết đi theo lối mòn muôn thuở mà không thể có khả năng đổi mới để bước cùng nhịp tiến của xã hội. Và cũng có thể hiểu rằng người ta “bám lấy cái cũ” để tạo cho mình vỏ bọc quyền lực, rồi tìm cách trục lợi dưới những hình thức khác nhau. Bộ máy tha hóa một phần cũng là cũng từ đó mà ra.
Một điểm khá thú vị là cũng trong ngày 10/8, không chỉ Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về TTHC, mà còn 2 cuộc làm việc nữa cũng rất quan trọng mà trong đó cũng có nội dung TTHC. Một cuộc do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì; một cuộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty về việc sửa đổi 3 nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì, vấn đề đặt ra là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo thủ tục rút gọn. Còn tại cuộc làm việc về vấn đề Cổng dịch vụ công quốc gia do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì đã đặt vấn đề cần cấu trúc lại thủ tục để thuận lợi nhất cho người dân.
Như vậy, cả 3 cuộc làm việc trong 1 ngày đều có nội dung bàn về TTHC, điều đó cho thấy ở khâu này vẫn vướng mắc, rườm rà, tiến độ cải cách TTHC chậm chạp. Mặt khác cũng cho thấy quyết tâm rất cao của Nhà nước, Chính phủ là phải nhanh chóng gỡ bỏ những thủ tục lạc hậu, quyết không để tồn tại việc “xin - cho” núp bóng danh nghĩa tuân thủ quy định về TTHC.
Cuối cùng, thiết nghĩa cũng không thể không nói trước một thực tế là nhiều bộ ngành, địa phương từng báo cáo đã đẩy nhanh việc xóa bỏ TTHC rườm rà, không cần thiết (con số có khi cả trăm thủ tục), nhưng sao nhìn tổng thể thì TTHC vẫn rất nặng nề. Vậy thì phải chăng đó cũng chỉ là “những con số đẹp” chỉ có trong báo cáo; hoặc là tai hại hơn khi xóa bỏ thủ tục này nhưng lại âm thầm đẻ ra những thủ tục “ngách” để quyết tâm níu giữ quyền lực và lợi lộc một cách không chính đáng?