Hà Nội cuối thu đầu đông, người ta bâng khuâng mùi hoa sữa, hoài niệm những vệt nắng vàng đậu trên vòm lá vô tư, nhoài ra mép Hồ Gươm tím thẫm đón làn gió se lạnh, hoặc nhớ hương cốm mỏng nhẹ khẽ quệt qua tà áo cô bán hàng rong. Với tôi, cứ nôn nao nhớ tiếng trống của một ngôi trường đặc biệt…
Nhưng không phải tiếng trống khi gióng lên âm vang cả không gian, nhắc nhở học trò đến lớp… Tiếng trống ở đây nghe chỉ thấy “bung bung” giòn đều, có khi nghe thủng thẳng như giọt nước rơi, và có lúc dập dồn, ríu rít. Tiếng trống không loang ra, mà lặn sâu vào bên trong cõi lòng, lâng lâng nỗi niềm nhân thế.
Ấy là tiếng trống chèo của một trường nghệ thuật. Thuở ấy trường nghệ thuật quê tôi còn nghèo lắm. Toàn bộ ngôi trường được tiếp quản từ một khu nhà cơ quan sơ tán thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Xung quanh vẫn còn dấu vết những giao thông hào, hố tránh bom bi sót lại, qua năm tháng đất đã lấp gần đầy.
Những khóm khoai ngứa tha hồ hút bùn lên xanh mơn mởn. Lối vào phòng hiệu trưởng những ngày mưa, khách đi giày da, phải rón rén tìm mô đất cao mà đặt chân lên cho đỡ ướt. Mấy dãy nhà cấp 4, người ta dành cho làm phòng học và ký túc xá ọp ẹp, mái võng xuống chưa có tiền đảo mái. Mấy viên ngói trước hàng hiên lỏng lẻo muốn rơi. Đêm, tiếng con chão chuộc gọi bạn tình nghe não nề… Có phụ huynh đến trường thăm con học, gửi lại dòng cảm tưởng nghe da diết:
Đêm thăm thẳm gió lọt qua hiên lạnh
Nằm trong nhà, mong giọt rỏ ngắn thôi
Mái dột quá, trò nghiêng về một góc
Thùng mẻ quai, tung tóe bọt mưa rơi
Câu hát tập nửa chừng, bỗng nghẹn
Mặt trống chùng, đợi nắng mai phơi
Ấy thế mà ở đây vẫn có lớp học chèo, có tiếng trống cơm “bung bung”, tom chát. Nó ngấm dần, lắng đọng trong tâm hồn, và tạo thành nỗi nhớ.
Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, vùng quê xứ Đông còn nghèo. Việc học hành lắm nỗi khó khăn. Có người bảo: Con em nhà khá giả, có điều kiện ra tỉnh học các lớp nâng cao, ôn luyện để thi vào các trường danh giá, tài chính, bách khoa... Chỉ có những con em nhà nghèo, không có “cửa” nào mới thi vào nghệ thuật. Thực hư không rõ, nhưng xem lý lịch tuyển sinh, không một thí sinh nào có phụ huynh làm quan chức trên tỉnh, dưới huyện. Cha mẹ các em hầu hết là nông dân, tảo tần nơi thôn quê, hạt thóc củ khoai để nuôi con ăn học...
Vào trường khác, chỉ thi một lần, còn ở đây phải qua vòng sơ tuyển: Ngoại hình, chiều cao, giọng nói. Đạt yêu cầu mới thi chính thức.
Nhìn học trò là nam thanh nữ tú, nhí nhảnh tươi vui, khách thường khen “số đẹp”. Mấy ai ngờ rằng, phía sau thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Mỗi con người có số phận đủ cả mặn nhạt đầy vơi …
Còn nhớ, Việt Thành con nhà nông dân, ra tỉnh học lớp sân khấu chèo, giọng hát có e chèo rất lạ, đầy triển vọng... Bẵng đi mấy hôm vắng lớp. Kiểm tra mới biết em bỏ học. Chủ nhiệm khoa tìm về quê, hỏi ra mới hay hoàn cảnh thương tâm: Thành mồ côi cha từ nhỏ, vì đam mê chèo quyết tâm đi học với ước mơ làm diễn viên. Chỉ vì thương mẹ ở nhà vất vả nuôi hai em, cậu đã theo bạn bè ra Quảng Ninh đội than dành tiền gửi về đỡ mẹ.
Nhà trường động viên khuyên người mẹ gọi em về học tiếp, sẽ được cấp học bổng, miễn học phí. Năm tháng trôi qua, đến kỳ trả bài tốt nghiệp ra trường, Thành sắm vai anh bộ đội trong vở chèo “Đường về trận địa”, diễn xuất rất hay, được xếp hạng giỏi. Ôm bó hoa chúc mừng, giọt nước mắt Thành giàn giụa, ngời ngợi lòng biết ơn. Ra trường, Việt Thành lên Hà Nội lập nghiệp.
Trường nghệ thuật thường có ít học trò. Có khi chỉ 3 - 4 người một lớp. Ít nhưng không thể thiếu, không thể giảm đi cường độ lao động khó nhọc gian nan. Trong phòng cách âm, một thầy một trò vật vã trước một nốt nhạc, tỉa tót một tiếng trống, một vũ đạo để khắc họa số phận, tính cách con người. Đào tạo nghệ thuật là đào tạo tinh hoa. Có lẽ vì thế, ở môi trường này đầy ắp kỷ niệm.
Còn một tuần nữa Phương Mây phải thi tốt nghiệp, bỗng cô xin nhà trường cho phép đi tham gia “Liên hoan giọng hát hay thanh niên toàn quốc”. Trường khuyên em nên tập trung vào mục tiêu chính của mình kẻo lỡ dịp.
Bất ngờ, 3 - 4 hôm sau, trên trang nhất báo Nhân Dân in ảnh Phương Mây với một dòng phụ đề “Nữ sinh trường… đã giành Huy chương Bạc trong “Liên hoan giọng hát hay thanh niên toàn quốc”. Thì ra em đã bí mật đi thi, xong lại bắt xe về kịp thi tốt nghiệp. Chuyện như đùa. Người hiệu trưởng gọi Mây đến: “Chúc mừng em, nhưng hơi mạo hiểm đấy... Còn đây, hãy giữ tờ báo này kỷ niệm, làm “giấy thông hành” vào đời ”.
Bẵng đi hơn chục năm sau, bất ngờ hai thầy trò gặp nhau tại sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội. Cô học trò năm xưa, đang là diễn viên Nhà hát chèo Hà Nội vui quá, dè dặt: “Dạ, thầy đến đây là…”. Người thầy tủm tỉm cười: “Tôi cũng như em thôi…”. Thêm một bất ngờ nữa, hai thầy trò xa nhau năm ấy, bây giờ cùng lên sân khấu sang trọng để nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú… Không chỉ thế ở đây còn có những chuyện cảm động.
Văn Quân nhà nghèo ở vùng sâu vùng xa, quyết tâm ra tỉnh học âm nhạc. Bố em đang là cán bộ chuyên trách văn hóa xã. Ông đã thi vào học lớp chuyên tu Quản lý văn hóa để có thể công tác lâu dài... Chẳng hiểu ông trời dun dủi thế nào đến mùa thu năm ấy, cả hai cha con cùng làm tốt nghiệp. Buổi lễ trao bằng, trên sân khấu người ta thấy anh con trai nhận bằng âm nhạc, người cha nhận bằng quản lý văn hóa, giữa tiếng vỗ tay chúc mừng xúc động. Quan chức đến dự, nhiều người bâng khuâng nhớ tới chuyện thi cử đời xưa, cũng có hai cha con cùng thi hương, trúng cách. Ngày ra bảng, tên con ở trên tên cha hai bậc.
Ngày ấy, để giảm bớt khó khăn sinh hoạt cho trò, trường làm bếp cơm ký túc xá. Người cấp dưỡng thương học trò như con, ra tận chợ đầu mối, mua thực phẩm, đong gạo, nấu cơm bán rất rẻ cho học trò. Một suất cơm 5.000 đồng có canh, đậu, cá kho. Bà ưu ái để phần những miếng cơm cháy cho học trò nào ăn khỏe. Học trò không gọi bà bằng tên thật, mà gọi bằng cái tên âu yếm “U Dưỡng ”. Mấy chục năm sau họp lớp, họ cử anh lớp trưởng cho xe Nhật đón bằng được “U Dưỡng” đến chung vui...
Những ấn tượng nhất là lần đi dự Liên hoan các trường Văn hóa Nghệ thuật toàn quốc năm ấy.
Đường vào Huế dặm dài hơn 750 cây số, chênh vênh trên đỉnh đèo Hải Vân, trò say xe nôn mửa dọc đường. Hết giờ nghỉ giải lao còn sợ không dám lên xe. Đến khi trước 30 phút mở màn thi diễn, có cô học trò bụng đau quằn quại. Lại đánh gió, xoa dầu, khích lệ. Nhưng có trường hợp nhạy cảm không thế động viên được.
Ấy là chuyện “Nàng ba Châu Long” lưu luyến chia tay chồng Dương Lễ lên đường nuôi Lưu Bình ăn học. Nữ sinh sắm vai Châu Long có khuôn mặt đoan trang và đôi mắt rất chèo, nhưng thân hình em quá mỏng manh… Cô chủ nhiệm chưa thực an tâm về ngoại hình em, cô muốn “Châu Long” có sức sống cuốn hút hơn, cần hóa trang tiếp. Cô giáo đã dùng đồ trang phục của mình, tạo hình cho học trò mỏng mảnh trở thành duyên dáng…
Những lứa học trò năm ấy đã như cánh chim xoải bay vào bầu trời xa rộng. Người thành nghệ sĩ, nhà giáo âm nhạc, cán bộ quản lý văn hóa nghệ thuật. Họ đang giữ gìn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Những người thầy, kẻ gieo hạt quay lại nhìn bạt ngàn rừng cây đang lên xanh.
Mùa khai trường, đây đó vang lên tiếng trống, một biểu tượng thiêng liêng bao thế hệ... Tôi bỗng nhớ về một làn điệu chèo, một tiếng trống thu không, những ngày đưa học trò đi thực tập, hàng tháng trời về làng xã “diễn cho đồng bào tôi xem”. Tủi thân và bồi hồi nhớ cái cảm giác ngày xưa:
Trường chật hẹp, lòng thầy cô mở rộng
Đất phù sa ươm hạt trên đồng
Câu ngâm sổng, thẳm sâu lòng trung hiếu
Chiếc quạt xòe, khơi dậy khí non sông…
Trống cầm chầu, ngả nghiêng đêm hội
Giọt đàn bầu, xa xứ nhớ mong
Sóng nước “đò đưa”, ai người bối rối
Và tiếng hát ru, thơm mát lúa ngậm đòng.