Cà Mau với hàng chục ngàn ha rừng ngập mặn, bao bọc ôm gọn dải đất liên ven biển. Thời gian qua rừng ngặp mặn là lá chắn tự nhiên bảo vệ khu vực ven biển và cộng đồng dân cư trước những biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt…
Lá chắn xanh nơi cuối trời
Rừng ngập mặn Cà Mau được xếp đứng thứ hai thế giới cả về diện tích và sự đa dạng sinh học. Thời gian qua bên cạnh việc phát triển tự nhiên của những cánh rừng, các hoạt động trồng rừng giữ đất, lấn biển của địa phương cũng hình thành nên những khu rừng bạt ngàn, góp phần làm bức tường chắn sóng, giữ đất, tạo điều kiện cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn. Rừng ven biển còn là nơi trú ngụ của các loại hải sản và các loài chim. Đồng thời, là “bộ lọc” hấp thu các chất độc hại trong nước, điều hòa khí hậu trong vùng... bảo vệ cuộc con người.
Rừng ngập mặn được coi là lá chắn tự nhiên bảo vệ các khu vực ven biển và cộng đồng dân cư, bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng và các hoạt động thương mại trước sự tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan như nước biển dâng, nguy cơ lũ lụt, xói, sạt lở đất...
Tuy nhiên do biến đổi khí hậu khoảng hơn 5 năm trở về trước, khu vực rừng ngập mặn Cà Mau bị sóng biển xâm thực và tàn phá. Từ đó đến nay, hàng trăm hecta rừng phòng hộ ven biển mất đi, cùng với đó là diện tích đất liền bị sụp xuống trôi ra biển. Không có rừng phòng hộ biển tràn vào chân đê, phá hủy nhiều công trình, đe dọa đời sống người dân và sản xuất hệ sinh thái ngọt. Nhìn từ trên cao khu vực ven biển của Cà Mau đang bị tác động rất mạnh, loang lổ, các cửa sông sạt lở ngày càng nhiều, mỗi năm mất cả trăm mét đất - rừng.
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Những năm qua tỉnh bị ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng của BĐKH, mất gần 10.000 ha đất, rừng ven biển; hạ tầng, tài sản nhà dân ven các tuyến sông bị sạt lở, thiệt hại nghiêm trọng; sản xuất thuỷ hải sản luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro do nước biển dâng…
“Cà Mau xác định biens đổi khí hậu (BĐKH) là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đưa ra các giải pháp chủ động thích ứng, phòng tránh, giảm phát thải khí nhà kính. Chiến lược dài hơi mà Cà Mau đề ra lần này là tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, giám sát BĐKH và tăng cường khả năng tiếp cận chủ động, linh hoạt thích ứng với tác động của BĐKH và các điều kiện tự nhiên khác, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới phát triển kinh tế thân thiện với môi trường.
Còn nhớ khoảng tháng 2/2017, trong chuyến công tác Cà Mau, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp nghe những tâm tư của bà con vùng ven biển về tác hại của biến đổi khí hậu. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Cà Mau: Một trong những việc cấp bách nhất hiện nay là phải huy động tổng thể các nguồn lực của các cấp, các ngành và địa phương để hoàn thành các dự án kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn; đê mềm giảm sóng, gây bồi tạo bãi trồng rừng chống xói lở; trồng rừng phòng hộ ven sông và nhiều công trình, dự án khác.
Và thực tế sau chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, từ đó đến nay Cà Mau đã quyết tâm, triển khai, thực hiện nhiều công trình, hoạt động để bảo vệ và giữ vùng đất ven biển đang bị tác động rất mạnh.
Ghi nhận mới đây Cà Mau Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau đã dành hơn 19.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, sẽ có 55 nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm ứng phó với BĐKH, ngoài việc ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư... cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng tiểu vùng sản xuất, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt...Cà Mau còn tăng cường đầu tư các dự án trồng, bảo tồn, khôi phục rừng ngập mặn, rừng ven biển, nhằm chống xói lở và đẩy mạnh quá trình bồi lắng ven bờ, chủ động di dời, bố trí, sắp xếp lại điểm dân cư sống ven đê, ven sông, ven biển, bờ kênh, rạch...có nguy cơ sạt lở cao, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể là giai đoạn 2 của Dự án xây dựng kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ biển Tây và kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ Biển Đông.
Đánh thức tiềm năng du lịch xanh
Rừng ngập mặn mũi Cà Mau thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, có diện tích 41.682ha, trong đó phần đất liền là 15.262ha và khu bảo tồn biển 26.600ha. Mỗi năm rừng đước, rừng ngập mặn cùng phù sa đã giúp bồi đắp lấn biển thêm 50-80m.
Đất Mũi Cà Mau được định hướng phát triển thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình về với vùng đất phương Nam. Phấn đấu đến năm 2030, khu du lịch Đất Mũi đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là khu du lịch quốc gia.
Rừng đước Cà Mau là điểm đến lý tưởng cho giới khoa học nghiên cứu, đặc biệt sở hữu tiềm năng du lịch sinh thái lớn nhất miền Tây. Hiện đã có 4 tuyến du lịch sinh thái được Vườn quốc gia đưa vào khai thác, gồm: Tuyến 1: tham quan rừng ngập mặn, bãi bồi; Tuyến 2: khám phá giếng trời, rừng nguyên sinh; Tuyến 3: tham quan diễn thể rừng tự nhiên, cồn Ông Trang; Tuyến 4: tham quan bãi bồi ven Biển Đông, rừng ngập mặn, bãi bồi ven Biển Tây, được du khách khắp nơi về đây trải nghiệm.
Người dân ở đây truyền tai nhau câu nói về vùng đất “nơi đất biết nở, rừng biết đi”, đó là hàng năm vùng Đất Mũi có lượng lớn đất bồi ở khu vực bãi bồi (gọi là đất nở), đất bồi đến đâu rừng mọc thêm đến đó (gọi là rừng đi).
Đến với xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển, cùng với ý nghĩa thiêng liêng của việc ghé thăm biểu tượng cực nam Tổ quốc Mũi Cà Mau, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá khu rừng đước ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Đây cũng là một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với hệ sinh thái đa dạng độc đáo. mang đặc trưng riêng và được công nhận là Vườn Quốc gia, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar thế giới.
Ông Lê Văn Dũng- Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chia sẻ: Thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp du lịch có các chuyến đã khảo sát và đánh giá thực trạng các điểm đến du lịch, để xúc tiến hợp tác kết nối tour, tuyến của địa phương. Hy vọng với hệ sinh thái đa dạng của rừng ngập mặn, trong thời gian tới, Du lịch mũi Cà Mau nói chung, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nói riêng sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách.