Vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp

Nguyên Khánh 11/03/2020 08:00

Dịch bệnh Covid-19 đang gây khó khăn cho sản xuất khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Không thể đợi hết dịch, ngay trong lúc này càng cần quyết liệt gỡ khó để doanh nghiệp hồi phục, phát triển; hoàn thành “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đề ra.

Vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn và cơ chế để phục hồi sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.

Những kiến nghị chính đáng

Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo tình hình các DN trên địa bàn TP ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, hầu hết DN ở các ngành đều bị giảm sút doanh thu. Rõ nét nhất là dệt may, hàng không, du lịch lữ hành, lưu trú, giao dịch ngân hàng, kinh doanh ăn uống, nông nghiệp... Những DN nhỏ và vừa sau dịch bệnh sẽ khó khôi phục hoạt động sản xuất bình thường như trước. Đặc biệt với các DN có quy mô nhỏ và vừa, vốn đã yếu về sức cạnh tranh trên thị trường, gặp thời điểm bệnh dịch không kịp trở tay, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp dẫn đến nhiều DN thua lỗ sẽ phải ngưng hoạt động. Do đó, Hiệp hội kiến nghị TP HCM áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng, giảm tiền cho thuê đất, bổ sung ngành nghề vào chương trình kích cầu... để hỗ trợ DN.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cũng gửi công văn đến Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất hỗ trợ trong thời điểm Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. VPA cho biết Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 sản phẩm nhựa của Việt Nam, với kim ngạch đạt 148,7 triệu USD, chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa. Nếu tình hình kéo dài đến hết quý 1/2020 thì sẽ không có nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng xuất khẩu của DN đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm của công nhân, chi phí DN phải gánh chịu trong thời gian không có đơn hàng. “Hiệp hội đề nghị các bộ đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cơ chế hỗ trợ DN trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế”- ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA nêu ý kiến.

Giảm lãi suất, hoãn, giãn thuế

Trước khó khăn của DN về vấn đề lãi suất ngân hàng và thuế, phí, các cơ quan chức năng đã “đáp lời” bằng các giải pháp cụ thể.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN đã yêu cầu các ngân hàng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... Từ đó, các ngân hàng kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo quy định pháp luật hiện hành; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.

Về thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị nên sớm gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi DN đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế... miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho DN và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các DN logistics, DN bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.

Tạo điều kiện từ những việc cụ thể

Khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với các DN sẽ được tháo gỡ. Tuy nhiên, có những khó khăn cố hữu liên quan đến cải cách thủ tục hành chính của các DN dù đã “dễ thở” hơn trước nhưng vẫn gây khó.

Xin được nêu một ví dụ.

Vừa qua, sau khi một số tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN) thì gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc triển khai các dự án, dẫn đến một số đơn vị như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin về lại Bộ Giao thông vận tải nhưng chưa được giao dự toán ngân sách, điều này đã gây khó cho hoạt động của đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà- Phó Chủ tịch UBQLVNN cho biết: Thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 29/9/2018 là 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao nguyên trạng từ 5 Bộ về UBQLVNN. Trong quá trình triển khai thực hiện, UB nhận được biên bản bàn giao từ các Bộ về có 259 nhiệm vụ dở dang, trong đó còn rất nhiều nhiệm vụ theo nguyên tắc phải triển khai thực hiện từ các cơ quan chủ sở hữu đã thông qua, phê duyệt trước năm 2017, tức là trước khi được chuyển về UBQLVNN.

Bà Hà cho biết, theo nguyên tắc khi chuyển giao cần chuyển giao nguyên trạng. Qua quá trình triển khai thực hiện, thấy rằng trước kia trong trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án của các DN, do vướng các dự án đầu tư công nên một số quy trình, trình tự, thủ tục chưa rõ. Trong khi đó, một số dự án sử dụng vốn của DN nhà nước, trong quá trình triển khai thực hiện, thẩm quyền phê duyệt dự án thì có dự án thẩm quyền thuộc Thủ tướng, có dự án thuộc thẩm quyền của địa phương, có dự án thẩm quyền liên quan đến cơ quan đại diện chủ sở hữu… Khi về UBQLVNN thì cũng chiếu theo những quy định, trình tự, nếu thấy không phù hợp, đánh giá xác định dự án không hiệu quả sẽ yêu cầu làm rõ những nội dung này. Khi nào đưa ra phương án phù hợp thì mới có căn cứ trình các cấp thẩm quyền cũng như thực hiện trình tự thủ tục theo đúng pháp luật.

Tất nhiên, trong quá trình chuyển giao sẽ gặp một số vướng mắc nhưng rõ ràng giữa UBQLVNN và một số Bộ chưa phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm một số tồn đọng của DN trước khi chuyển về UB. Việc áp dụng các quy định về thẩm quyền, nội dung phê duyệt giữa UB và các cơ quan liên quan còn có cách hiểu khác nhau nhưng UB chưa quyết liệt tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để để tháo gỡ, giải quyết kịp thời, triệt để cho DN.

Như vậy, nếu vướng mắc thuộc UB thì UB phải giải quyết, xử lý ngay, không gây cản trở đến hoạt động của DN. Vướng mắc thuộc các bộ thì có văn bản đề nghị bộ, cơ quan giải quyết kịp thời… Chỉ có như thế mới thực sự hỗ trợ cho DN, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp