Một số đại học (ĐH) trên thế giới yêu cầu sinh viên phải viết bài luận trong vòng tuyển sinh. Ở Việt Nam, trong kỳ thi vào ĐH năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đặt ra yêu cầu này đối với các ứng cử viên của mình.
Ảnh minh họa.
Không có văn mẫu
Năm 2020, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết sẽ tiến hành tuyển sinh từ các nguồn: xét tuyển thẳng các đối tượng đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ GDĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội; xét tuyển dựa trên kết quả bài thi của ĐH Quốc gia Hà Nội; xét tuyển hồ sơ năng lực thí sinh. Trong đó, việc đưa thêm bài luận vào kỳ thi đang nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết bài luận là một dạng đề mở để thí sinh thể hiện khả năng viết luận về một chủ đề văn học, kinh tế, tự nhiên, xã hội dưới góc nhìn của một học sinh tốt nghiệp bậc THPT. Thí sinh thỏa sức sáng tạo trong bài luận dựa trên nền tảng kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được.
“Thông qua bài luận, chúng tôi đánh giá được tư duy logic, khả năng cảm nhận thế giới khách quan và xúc cảm của người viết luận. Tôi tin rằng, thí sinh sẽ có nhiều bất ngờ và lý thú khi tham dự bài thi này”- PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải nói.
Dự kiến, để thí sinh hiểu rõ hơn, nhà trường sẽ công bố bài luận mẫu và các đề thi mẫu trước ngày 10/5 để thí sinh yên tâm ôn tập.
Trên thực tế, đây không phải là trường ĐH đầu tiên của Việt Nam áp dụng việc xét tuyển có yếu tố bài luận. Từ năm 2016, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng quyết định dành 10% chỉ tiêu mỗi ngành cho đối tượng tuyển thẳng là học sinh của 82 trường THPT chuyên và năng khiếu trên toàn quốc, đi kèm với đó là một bài luận và thư giới thiệu của giáo viên. Khi đó, những học sinh vượt qua vòng sơ loại vào trường, cần phải lựa chọn ngành học đăng ký xét tuyển và viết một bài luận xoay quanh một câu hỏi duy nhất: Vì sao bạn chọn ngành học này?
Không giới hạn số chữ dài hay ngắn, cũng không có một đáp án duy nhất cho bài luận dạng này, thí sinh hoàn toàn có thể phát huy khả năng sáng tạo cũng như hiểu biết, suy nghĩ của mình để thuyết phục ban giám khảo rằng mình hoàn toàn phù hợp để theo học ngành này.
Năm 2018, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục sử dụng phương thức này để xét tuyển một phần thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường. Khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Thắng- phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) từng nhắn nhủ tới thí sinh: “Không có văn mẫu nhé” để thấy sự sáng tạo, độ mở trong bài luận của thí sinh là... vô cùng.
“Chúng tôi đã từng đọc các bài luận viết về mơ ước của thí sinh, về câu chuyện phấn đấu cá nhân, về thành tích học tập, về kỷ niệm chiến dịch Mùa hè xanh, bài viết như một lời hứa về nghiên cứu khoa học..., thậm chí là bài viết về các câu nói ấn tượng của một thầy cô nào đó của nhà trường...”- PGS.TS Bùi Hoài Thắng nhắn nhủ.
Tự chủ tuyển sinh
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 cuối tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc tuyển sinh vào ĐH hiện nay đã có rất nhiều thay đổi. Trong đó, có những trường, kể cả xét học bạ cũng không ai đăng ký. Việc tuyển sinh có thể thực hiện nhiều đợt trong năm và không nhất thiết phải bằng điểm thi mà những em có năng khiếu đặc biệt cũng có thể nhận được...
Xu thế đổi mới ĐH đang dần rõ nét ở Việt Nam, trong đó không phải tất cả các trường đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng; chỉ một số trường top đầu tổ chức thi. Các trường tốp giữa có thể liên kết với các trường tốp trên để lấy kết quả tuyển sinh. Tất cả những thay đổi đó, cùng với việc áp dụng các hình thức thi riêng như ĐH Bách khoa Hà Nội với đề thi được xây dựng theo phương pháp tiếp cận tiên tiến trên thế giới tương tự SAT, ACT nhưng phù hợp đặc điểm của giáo dục Việt Nam sẽ giúp nhà trường tuyển được những thí sinh phù hợp. Học sinh phổ thông muốn vào ĐH sẽ không chỉ cặm cụi “cày” ngày “cày” đêm Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa... mà sẽ phải cập nhật tất cả những vấn đề của thế giới đang diễn ra.
Nói như TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT), hiện nay nhiều trường ĐH của các nước Anh, Mỹ,… cũng áp dụng các làm này để tuyển được những thí sinh xuất sắc, có tố chất vững vàng và phù hợp với ngành học. Nhiều tấm gương học sinh Việt Nam được tuyển thẳng vào 4,5 trường ĐH nổi tiếng của thế giới với một bài luận thuyết phục được hội đồng tuyển sinh.
“Thay vì chọn trường, chọn ngành học theo cảm tính, theo số đông hoặc tâm lý chọn ngành “hot” mà không hiểu rõ về ngành học đó, không biết rõ năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu của ngành học hay không thì nay, với việc phải viết một bài luận trực tiếp trả lời những câu hỏi này, thí sinh sẽ phải tìm hiểu cẩn thận, cân nhắc rất kỹ. Điều này sẽ giảm bớt được việc chọn nhầm ngành học, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của thí sinh và xã hội”- TS Lê Viết Khuyến phân tích.