Giá vật tư tăng, giống và phân bón giả đang là mối lo lớn của không ít doanh nghiệp và người nông dân. Nếu không sớm có các giải pháp, ngành trồng trọt sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tăng gánh nặng vì giống, phân bón giả
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, các vụ lúa ở khu vực phía nam như Đông Xuân, vụ Hè Thu có thể sản xuất ra khoảng 21 triệu tấn lúa gạo chiếm 50% sản lượng lúa, gạo cả nước. Tuy nhiên, hiện nay giá vật tư đang tăng rất cao.
Đề cập đến giá vật tư tại Diễn đàn “Kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, đại diện nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) cho biết, hiện nông dân, DN không chỉ đối mặt với giá vật tư leo thang mà còn chịu áp lực rất lớn từ con giống giả, phân bón giả.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết mỗi vụ sản xuất lúa, tỉnh có nhu cầu rất lớn về giống, với trên 33.600 tấn giống/vụ. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới tay người nông dân nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Thực tế, có nhiều giống lúa dởm, chất lượng thấp bán trên thị trường đã gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay theo ghi nhận tại tỉnh Kiên Giang đang có mức tăng từ 30-40%, trong khi giá bán lúa không tăng.
Tương tự phản ánh về tình trạng giống giả hiện nay, ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng giám đốc Cty CP Giống cây trồng miền Nam cho biết, vừa qua có hiện tượng bán giống giả không chỉ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm của bà con nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của các đơn vị làm lúa gạo của Việt Nam.
Bên cạnh tình trạng trà trộn bán giống giả thì tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cũng đang là mối lo của DN và nông dân. Hiện nay giá phân URE trên thị trường thế giới lên trên 1.000 USD/tấn, như vậy một bao 50kg tương đương với hơn 1 triệu đồng, các loại khác như SA hay KCL cũng ở mức rất cao.
Sớm có giải pháp
Theo giới chuyên gia, giá nguyên liệu phân bón tăng cao là vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng ở Việt Nam. Việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên hầu như không thể can thiệp để giảm giá. Thông tin từ Bộ NN&PTNT, phần lớn giá các loại phân bón thế giới đều tăng mạnh trong năm 2021, đặc biệt là phân lân (phốt phát) và phân đạm (Ure), chủ yếu do nhu cầu mạnh và chi phí đầu vào tăng. Giá phân Kali về cơ bản ổn định nhờ nguồn cung dồi dào. Kết thúc tháng 10, giá phân bón Urê hạt đục tại Trung Đông đã tăng 82% (tương ứng tăng 378 USD/tấn) so với cuối tháng trước, lên mức 835 USD/tấn (FOB), hợp đồng kỳ hạn tháng 11.
Để giảm chi phí đầu vào cho nông dân đồng thời tăng sản lượng, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Điền cho rằng, việc kiểm soát chất lượng giống, phân bón là nhân tố quyết định. Bởi nhiều sản phẩm của DN bị làm giả nhưng để giám sát và quản lý cần sự vào cuộc của ngành chức năng. Giá phân bón thế giới khó có khả năng giảm trong thời gian tới, do đó, các cơ quan chức năng nên có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó. Trong đó cần có những khảo sát, nghiên cứu từ thị trường và đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào.
“Từ những dự báo này, chúng ta sẽ đưa ra được chiến lược sản xuất phù hợp cho mỗi mùa vụ để đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào. Ngoài ra, trong bối cảnh giá phân vô cơ tăng cao, các địa phương cũng nên khuyến nghị nông dân tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có cho cây trồng” - ông Tâm đề nghị.
Liên quan đến bình ổn giá phân bón, đại diện Bộ Công thương cho rằng, phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng. Do đó, các DN cần hợp lý hóa chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhất.
Hiện Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường phân bón, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá phân bón lên cao và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.