Ngay sau khi một số người từ TP Hồ Chí Minh về làm xuất hiện ổ dịch tại quận Hai Bà Trưng, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tất cả những người đến/về từ vùng dịch phải tự cách ly tại nhà 14 ngày (bắt đầu từ 0h ngày 13/7). Đây được xem là động thái quyết liệt để ngăn chặn, khống chế đại dịch Covid-19. Song, nếu quyết liệt sớm hơn mọi sự đã khác.
Trước đó thì UBND TP Hà Nội đã có công điện yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã, thị trấn... phải chấn chỉnh ngay thái độ chủ quan, lơ là trong việc phòng chống đại dịch Covid-19. Song, lãnh đạo TP Hà Nội lại chưa đưa ra biện pháp quyết liệt nhằm “chặn” mầm bệnh từ những người đến/về từ các vùng có dịch như TP HCM.
Đó là lý do có tới một nhóm 4-5 người về từ TP HCM tự do đi lại, ăn uống giữa phố phường Hà Nội, để rồi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Nhóm người này đã đến những địa điểm đông người như quán phở, quán cà phê... dẫn tới nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 ở mức cao, khiến Hà Nội phải phong tỏa ngay một số địa điểm.
Không chỉ phải phong tỏa một loạt các “điểm đến” của nhóm người từ TP HCM dương tính với SARS-CoV-2 đã ghé qua, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội còn phải thực hiện hàng loạt những biện pháp phòng dịch như phun thuốc khử khuẩn, truy vết, cách ly những người có tiếp xúc... Nhiều nhân lực, vật lực đã phải tiêu tốn vì ổ dịch này.
Tiền bạc ngân sách phải đổ ra vô cùng đáng tiếc đã đành, nhưng thời gian, công sức của đội ngũ những người ở tuyến đầu chống dịch phải tiêu hao nhiều cũng khiến chúng ta phải xót xa. Giá như TP Hà Nội có biện pháp “rắn” ngay từ đầu, có lẽ đã không phải tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc đến vậy. Nhưng cuộc đời không có “giá như”!
Dư luận cho rằng, nếu ngay từ khi hàng loạt tỉnh, thành phố phía Nam bùng phát mạnh đại dịch Covid-19, tình hình diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, thì lãnh đạo TP Hà Nội phải có sự chuẩn bị trước để đối phó. Chẳng hạn yêu cầu cách ly tại nhà tất cả người đến/về từ vùng dịch, tiến hành xét nghiêm sàng lọc, chủ động khai báo y tế...
Nếu thực hiện những biện pháp vừa nêu trên ngay từ sớm, có lẽ TP Hà Nội đã không phải ban hành công điện khẩn yêu cầu đóng cửa các quán ăn, quán cắt tóc, gội đầu... chỉ sau vài ngày cho phép mở cửa. Ở đây không còn câu chuyện đơn giản là sự bí bách của người dân, doanh nghiệp, mà còn khiến kinh tế trì trệ, khó phát triển.
Không chỉ là khó phát triển kinh tế vì các biện pháp phòng dịch, các hộ kinh doanh cá thể, những cơ sở dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội sẽ lao đao nếu thời gian phải “đóng cửa” dài. Người dân vốn đã khó khăn trong bão dịch, nay lại càng thêm khó khăn vì không thể “ra đường làm ăn”.
Nhiều hệ lụy phát sinh từ việc lãnh đạo TP Hà Nội do dự, không kịp thời đưa ra những biện pháp mạnh, quyết liệt vào đúng thời điểm cần thiết. Từ cuộc sống khó khăn của người dân, việc sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đến sự hao tốn ngân sách, đội ngũ phòng chống dịch tất tả ngược xuôi để khoanh vùng, dập dịch... là những hệ lụy không đáng có.
Giờ có nói gì thì mọi sự cũng đã xảy ra rồi, không thể “làm lại” được nữa. Song, dư luận xã hội hy vọng qua bài học này, lãnh đạo TP Hà Nội sẽ tỉnh táo hơn trong việc đưa ra những quyết định đúng thời điểm, để công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 có hiệu quả hơn. Có như vậy mới không lãng phí ngân sách, không phải vất vả vì sự chủ quan, lơ là.