Được khởi công năm 2003 với số vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, nhưng đến nay, Dự án Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình vẫn đang bỏ hoang, khiến 22 hộ dân ở phường Tân Thành (TP Ninh Bình) lâm vào cảnh “đi không được, ở không xong”, sống khổ sở trong những căn nhà xuống cấp.
Dự án 20 tỷ đồng treo gần 2 thập kỷ
Dự án Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình được UBND tỉnh này phê duyệt năm 2001 với số vốn dự kiến khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Công trình do Sở Thể dục - Thể thao (nay là Sở Văn hóa Thể thao) làm chủ đầu tư. Theo thiết kết, dự án được triển khai trên tổng diện tích gần 3.000 m2, gồm 2 khu bể bơi và 1 trụ sở với mục đích phục vụ cho việc tổ chức các cuộc thi bơi lội và là nơi để tập luyện, đào tạo vận động viên bơi lội của tỉnh Ninh Bình.
Năm 2003, dự án được triển khai xây dựng tại phường Tân Thành, TP Ninh Bình. Để phục vụ dự án, người dân địa phương phải nhượng lại hơn 1.000 m2 đất ruộng và đất thổ cư. Theo người dân địa phương, sau khi triển khai thi công rầm rộ vào thời điểm năm 2003, công trình đã nhanh chóng tạm dừng không rõ lý do. Và từ đó đến nay, công trình bị bỏ hoang, trở thành nơi tập kết rác thải của người dân và làm nơi đúc cọc bê tông.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến tháng 3/2008, tổng số vốn đã cấp xây dựng khu Bể bơi mới chỉ có 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nghiệm thu, giá trị khối lượng hoàn thành của dự án lại lên đến hơn 13,4 tỷ đồng, được thực hiện tại các hạng mục như đóng cọc móng, xây dựng móng bể bơi và móng khán đài. Ghi nhận thực tế, phần móng bể bơi hiện đã phủ đầy cỏ dại và rêu phong, đang bị xuống cấp nghiêm trọng do không được bảo dưỡng. Xung quanh móng, sắt thép bị cắt cụt, hoen gỉ, trơ khung do thời gian dài dãi nắng, dầm mưa. Hàng chục ống cống bể nát nằm lộ rõ trong mọi ngõ ngách ở công trình.
22 hộ dân sống khổ trong dự án treo
Được biết, trong vùng quy hoạch dự án Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình có 22 hộ dân ở phường Tân Thành sinh sống. Tổng diện tích đất phải thu hồi từ các hộ là trên 2.253m2. Suốt gần 2 thập kỷ qua, 22 hộ dân này đã phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ, chật hẹp trong những căn nhà đã xuống cấp.
Bên trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, ông Dương Đức Thuấn than thở: “Tôi ở cùng bố mẹ già trên 70 tuổi trong ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1990. Vì quá cũ nên mỗi khi trời mưa là nước lại thấm dột khắp nhà. Tuy vậy, do nằm trong vùng quy hoạch, nên chính quyền địa phương không cho phép sửa chữa, cơi nới. Giờ đây, mỗi khi mưa bão là tôi rất lo ngôi nhà bị đổ sập”.
Tiếp lời ông Thuấn, một người hàng xóm cũng trong diện quy hoạch chia sẻ: “Dự án bỏ hoang lâu quá, nhà tôi chờ không nổi nên đành xây tạm ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ khoảng 50m2. Khi đó, chính quyền có về ý kiến rằng không được xây lớn, vì đất nhà tôi đang trong phạm vi quy hoạch. Giờ chúng tôi chỉ mong mỏi dự án sớm được triển khai lại và đền bù cho người dân để có tiền tái định cư nơi ở mới. Còn nếu không thực hiện thì sớm cho người dân câu trả lời, chứ đợi suốt 20 năm là quá đủ rồi”. Ngoài việc bị quy hoạch “treo”, những năm qua, người dân còn phản ánh tình trạng bị ô nhiễm bụi từ việc đúc cọc bê tông trong quỹ đất dự án.
Trao đổi với chúng tôi, ông An Quang Hạo, Chủ tịch UBND phường Tân Thành cho biết: Có 22 hộ dân trong phường nằm trong diện quy hoạch của dự án, hiện các hộ này chưa nhận được tiền đền bù GPMB. “22 hộ dân thuộc diện quy hoạch của dự án, bởi vậy nên nếu muốn cơi nới nhà cửa hay xây dựng thêm chắc chắn là không được. Về việc chuyển đổi hay xin quỹ đất dự án làm chợ thì tỉnh không đồng ý. Theo như chủ trương thì tỉnh vẫn muốn thực hiện dự án, và phường chỉ có trách nhiệm phối hợp thực hiện, còn đâu vẫn phải chờ tỉnh” - ông Hạo nói.
Theo một lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình, nguyên nhân khiến dự án Trung tâm Thể dục thể thao của tỉnh bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua là do tỉnh chưa bố trí tiếp được nguồn vốn.
Không biết đến bao giờ, việc tái khởi động dự án Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình và đưa 22 hộ dân ở phường Tân Thành thoát khỏi quy hoạch “treo” mới có lời giải? Câu trả lời xin được nhường cho các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình.