Với hôn lễ, bất cứ dân tộc nào trên thế giới thì cô dâu cũng đều có váy cưới. Người ta làm đẹp trong ngày đẹp nhất của cuộc đời người phụ nữ. Nhưng, cũng không nơi nào giống nơi nào, váy cưới cô dâu mỗi nơi mỗi khác, đều có vẻ đẹp riêng.
Trang phục cưới Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, theo phong tục, váy cưới cô dâu sẽ là một màu trắng tinh khôi từ đầu tới chân, biểu hiện sự trinh trắng của người thiếu nữ. Đây là váy cưới chính thức, còn thì cũng trong ngày đó, cô dâu còn có bộ Kimono và khăn trùm đầu màu trắng. Một bộ Kimono nữa khá sặc sỡ sẽ được cô dâu mặc khi tiếp khách.
Sau này, ở thành phố lớn, đôi khi cô dâu cũng chọn trang phục cưới theo phong cách châu Âu. Nhưng đó cũng chỉ là số ít. Còn lại, người ta vẫn chọn những bộ váy cưới truyền thống trắng như tuyết (phong cách Kimono) cùng với một bộ Kimono sặc sỡ. Cưới xong, bộ váy cưới đó sẽ được cất giữ, hầu như cả đời không bao giờ mặc lại.
Cô dâu Palestine khi cưới lại thường chọn bộ trang phục thiết kế từ vải thô với nhiều hoa văn, đi cùng chiếc khăn trùm đầu. Trang phục cưới của cô dâu Palestine trông vừa lộng lẫy, vừa thoải mái, tới nay vẫn không lai tạp với bất cứ phong cách nào.
Trong làng, khi có một đám cưới, không một người phụ nữ nào được mặc trang phục na ná như cô dâu. Chính vì thế, cô dâu rất nổi bật, tuy rằng sau khi cưới bộ váy cưới đó có thể được sử dụng hàng ngày.
Đám cưới Ghana.
Với thổ dân da đỏ châu Mỹ, bất cứ đám cưới nào cũng là ngày hội của cộng đồng. Cô dâu sẽ mặc một chiếc váy dài đến đầu gối bằng da. Mái tóc được đính lông gà hoặc vỏ sò.
Tuy nhiên, ngoại trừ mái tóc, từ eo trở lên của cô dâu hoàn toàn không có bất kỳ loại trang sức khác. Mùa đông lạnh giá, cùng với chiếc váy cưới, cô dâu có thể mặc thêm một chiếc quần bó sát bằng da, đi giày da và khoác áo choàng bằng lông gà tây.
Cô dâu chú rể Scotland.
Tại đất nước Scotland, trang phục cưới truyền thống của cô dâu nổi bật với một chiếc áo choàng dài trùm bên ngoài chiếc váy trắng toát. Tấm áo choàng này có thể được quàng quanh vai hoặc thắt ngang eo bằng một dải ruy- băng.
Trong trang phục ấy, cô dâu như hiện thân của một nữ chiến binh đầy sức mạnh. Họ cho rằng, với bộ trang phục cưới như vậy, tình yêu sẽ trở nên bất diệt. Theo tập tục, bộ đồ cưới của cô dâu còn tượng trưng cho sức mạnh để họ có thể bảo vệ được gia đình mình trong cuộc sống nhiều khó khăn.
Còn cô dâu Iceland lại mặc một chiếc váy dài màu xanh nước biển. Vì theo người Iceland, nước biển là màu may mắn và tượng trưng cho sự tinh khiết. Người ta cũng cho rằng, khi mặc trang phục màu xanh trong ngày cưới, đêm tân hôn cô dâu sẽ không bị yêu tinh phá quấy, vì chúng ngán ngại màu xanh.
Đám cưới Hàn Quốc.
Hanbok là tên gọi chung cho một loại trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc. Nhưng khi trở thành váy cô dâu, nó được cách điệu khá nhiều, trở nên đặc biệt quyến rũ.
Chiếc Hanbok trở thành một chiếc váy rộng, với hoa văn lộng lẫy và khăn trùm đầu. Các màu chủ đạo được sử dụng thường là màu sáng bởi theo ngườiTriều Tiên chúng sẽ tạo ra sự vui tươi trong một sự kiện quan trọng của đời người.
Nhưng dù có cách điệu, có làm cho trở nên sang trọng hơn thì chiếc váy cưới của cô dâu xứ hàn vẫn dựa trên nền tảng cơ bản của chiếc Hanbok thường ngày: gấu váy dài, phần thắt lưng may cao, một chiếc áo vét ngắn với hai dải ruy-băng thắt nơ lệch sang một bên.
Cô dâu Trung Quốc.
Người Trung Quốc rất “mê tín” màu đỏ, cho đó là màu của may mắn, tài lộc. Vì thế, trong trang phục cưới truyền thống của Trung Quốc thì màu đỏ cũng là chủ đạo. Màu đỏ váy cưới cô dâu, trang phục chú rể cùng với những họa tiết, phong màn trang trí cho đám cưới cũng chủ yếu là màu đỏ, cùng với hình rồng phượng đã tạo ra sự khác thường trong một đám cưới truyền thống của người Trung Quốc.
Tới nay, cuộc sống đổi thay, đám cưới truyền thống cũng có những nét mới. Trong đám cưới, cô dâu không chỉ chọn một mà đến ba chiếc váy cưới. Chiếc váy đầu tiên là trang phục cưới truyền thống hay bộ váy sườn xám được may từ loại vải thêu màu đỏ.
Chiếc váy thứ hai lại mang phong cách cổ điển phương Tây với tấm mạng che mặt. Chiếc váy cuối cùng cô dâu có thể lựa chọn một chiếc váy cưới mang màu sắc yêu thích của mình hay phá cách cùng một chiếc đầm dạ hội.
Không ai xếp loại, nhưng trang phục cưới của Ấn Độ thuộc vào loại phức tạp và đẹp nhất thế giới. Các cô dâu Ấn thường mặc màu đỏ và trắng để thể hiện sự phồn thực, giàu có và trinh tiết.
Vài ngày trước lễ cưới, cô dâu sẽ được người ta vẽ lên tay và chân những họa tiết phức tạp. Phong tục này được gọi là Mehndi- một trong số những hình thức nghệ thuật nghi thức bắt nguồn từ thời cổ. Trong trang phục cưới và trang trí trên bàn tay, bàn chân, cô dâu bỗng như hiện thân của một nữ thần.
Còn ở châu Phi, với quá nhiều sắc tộc, kể cả những bộ lạc tới nay vẫn như thể tách biệt với thế giới bên ngoài, thì váy cưới cô dâu lại càng độc đáo… không giống ai bởi sự ngẫu hứng của từng người.
Tuy nhiên, màu sắc được chú trọng hàng đầu: màu sắc trang phục càng đậm càng được tán thưởng. Vì thế, với cô dâu, đôi khi không chỉ là trang phục cưới, mà còn bôi cả màu đỏ, màu hồng lên tóc lên mặt, và đương nhiên hai bàn tay cũng được nhuộm màu.
Sau khi cưới, vào phòng tân hôn, cô dâu phải tẩy trang khá lâu nhưng điều đó cũng không làm phiền đến ai, vì khi đo chú rể vẫn đang tham gia cuộc vui cùng mọi người.
Trang điểm chân cô dâu Ấn Độ.
Tẩy trang xong, cô dâu cũng trở ra tham gia hát múa cùng mọi người. Gần sáng, trước khi họ rút về chốn riêng tư, bao giờ cũng ăn một miếng thịt dê to và uống một chén rượu để hồi phục sức khỏe.
Riêng tại Papua New Guinea, cô dâu bao giờ cũng khoác lên mình trang phục rực rỡ nhất với lông chim thiên đường để trang trí mũ đội đầu. Loại lông chim này là biểu tượng của vẻ đẹp và sự quyến rũ.
Còn phụ nữ bộ tộc Banna sinh sống ở phía Đông sông Omo, Ethiopia lại dùng các loại hạt, vỏ sò, nắp chai để kết thành những phụ kiện cho trang phục trong ngày cưới.