Gần 40 năm trước, phường Bàng La (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) có tới 4 hợp tác xã sản xuất muối với khoảng 1.600 xã viên. Ngày nay, chỉ còn khoảng 5 hộ theo nghề. Những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” đã nhường chỗ để trồng táo, cà chua.
Phường Bàng La là địa phương duy nhất còn làm muối truyền thống ở Hải Phòng. Ông Hoàng Gia Cường - Phó Chủ tịch UBND phường Bàng La cho biết: Những năm 1986-1987, cả xã Bàng La, huyện Kiến Thụy (nay là phường Bàng La, quận Đồ Sơn) có 4 hợp tác xã sản xuất muối gồm: Đại Phong, Đại Thắng, Quyết Tiến và Đồng Tiến. Ngày ấy, gần như cả xã Bàng La với khoảng 1.600 xã viên theo nghề làm muối. Màu trắng của muối phủ kín những cánh đồng. Thời kỳ hưng thịnh nhất, Bàng La có tới 140 ha ruộng muối, mỗi năm làm ra hơn 7.000 tấn muối thành phẩm.
“Trước, nghề làm muối ở Bàng La không chỉ là nghề mưu sinh, mà đó là cuộc sống, là niềm vui của những diêm dân. Hạt muối đem lại cuộc sống đủ ăn, đủ mặc cho các gia đình. Nay, vì nhiều lý do, chỉ còn khoảng 5 hộ theo nghề làm muối” - ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, 20 năm trở lại đây, khi muối từ các nơi với mức giá chỉ rẻ bằng nửa thì muối Bàng La dần bị mất chỗ đứng. Dù tiếc nuối nhưng nhiều gia đình buộc phải bỏ nghề. Những ô ruộng muối dần chuyển dần thành đầm nuôi trồng thuỷ sản và nhường chỗ cho cây táo, cà chua. Không chỉ vậy, thanh niên Bàng La đã tìm kiếm việc làm trong nhà máy, xí nghiệp. Lớp trẻ không còn lưu luyến với nghề muối. Vì thế, những ô ruộng muối bỏ hoang ngày càng nhiều.
Gia đình bà Phạm Thị Uôm (66 tuổi, thôn Đại Phong, phường Bàng La) là một trong số ít hộ còn giữ được 4 cửa ruộng (khoảng 2.800 mét vuông) để làm muối. Bà Uôm chia sẻ: “Tầm tháng 4, tháng 5 là khoảng thời gian nắng nhiều nhất trong năm nên diêm dân thu được nhiều muối nhất. Năm nay, mưa nhiều nên muối mất mùa. Ngày cao điểm, nhà tôi chỉ thu được hơn 1 tạ muối”.
Người làm muối như bà Uôm luôn thấp thỏm trông trời, nhìn đất. Nắng to mới thu được thu muối. Nếu trời mưa hoặc cả ngày nắng mà đến chiều xuất hiện một trận mưa giông, diêm dân không kịp thu muối thì xác định mất trắng.
Thông thường, ở các tỉnh, thành phố phía Nam, nước biển có độ mặn cao và thời tiết trong năm nhiều nắng nên diêm dân chỉ cần bơm nước lên ruộng để nước bốc hơi kết tinh thành muối. Tuy nhiên, ở khu vực miền Bắc, nước biển nhạt hơn. Diêm dân Bàng La phải tìm cách tăng độ mặn cho nước. Họ làm muối theo phương pháp “chạt” phức tạp và vất vả hơn nhiều.
Nước biển được dẫn qua hệ thống thuỷ lợi vào các thửa ruộng. Khi làm muối, diêm dân văng các lớp cát mỏng lên trên ruộng để làm ướt cát. Nắng làm nước bốc hơi, từng hạt muối nhỏ li ti kết tinh bám chặt vào cát. Cuối mỗi ngày, họ sẽ gom cát phơi lại rồi đổ vào “chạt”. “Chạt” là những bể nhỏ xây dạng hình chữ nhật, có một đầu thoát được nước ra phía ngoài. Sau đó, cát được được lèn chặt rồi cho lượng nước biển vừa đủ và lọc lấy nước trong có độ mặn cao hơn. Thứ nước “chạt” này sau đó được cho lên ruộng để phơi, bốc hơi kết tinh thành muối. Toàn bộ quá trình này kéo dài khoảng 1,5 ngày.
“Trước kia, diêm dân thường cho quả bồ kết vào nước “chạt” để đo độ mặn. Nếu thấy quả bồ kết nổi, nước đã đạt. Ngày nay, khi có dụng cụ đo, việc kiểm soát độ mặn của nước “chạt” dễ dàng, chuẩn xác hơn. Khoảng 10 độ là đạt chuẩn” - bà Uôm cho biết.
Muối được làm theo phương pháp “chạt” sẽ có vị mặn tự nhiên, loại bỏ được vị chát, vị gắt so với muối được phơi trực tiếp từ nước biển. Cũng chính vì điều này, muối Bàng La được ưa chuộng. Các hộ làm mắm chắt ở địa phương thường xuyên đặt hàng với số lượng lớn. Nước quyền (nước rỉ ra trong quá trình bảo quản muối) cũng được các hộ làm đậu phụ đặt mua dài hạn. Do lượng cung không đủ cầu, gia đình bà Uôm cũng như các hộ diêm dân còn lại ít phải lo nghĩ đầu ra.
Hiện tại muối thành phẩm có giá khoảng 12.000 đồng/kg. Mỗi năm, bà Uôm cũng chỉ thu nhập được vài chục triệu đồng. Dù có thu nhập không cao và phải dành một phần chi phí để mua nông cụ, cải tạo ô ruộng thu hoạch muối nhưng gia đình bà Uôm vẫn không bỏ nghề. Bà tâm sự, dù khó nhưng vẫn mong muốn giữ được truyền thống của thế hệ đi trước...