Họa sĩ Đỗ Doãn Châu đang chuẩn bị cho trưng bày về phố và con người Hà Nội. Ông say sưa với chủ đề “Tri ân đời” qua những sáng tác về Hà Nội. Họa sĩ yêu thương những dĩ vãng trên con phố Bà Triệu (Hà Nội) nơi ông từng gắn bó…
NSND Đỗ Doãn Châu là một họa sĩ sân khấu xuất sắc với 20 huy chương vàng và bạc qua hàng chục Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ông nguyên là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và là người thiết kế mỹ thuật hàng trăm vở diễn cho nhiều đoàn nghệ thuật ở nước ta. Ông sớm rời sàn diễn với vai trò “kép độc” chuyển sang thiết kế mỹ thuật từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
Họa sĩ Đỗ Doãn Châu được đào tạo hội họa ở Slovakia một thời gian dài với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc. Đặc biệt sau khi về hưu NSND Đỗ Doãn Châu tập trung vẽ và đã mở một triển lãm độc đáo với tiêu đề “Chân dung và tĩnh vật” (2010). Đó là những chân dung nghệ sĩ Hà Nội một thời như: Đào Mộng Long, Đình Quang, Đoàn Dũng, Thế Anh, Văn Hiệp, Trọng Khôi, Bích Thu…
Từ đó tới nay NSND Đỗ Doãn Châu sáng tác nhiều đề tài khác nhau nhưng tranh ông tập trung về con người và đời sống Thủ đô. Gia đình ông sống ở cuối phố Bà Triệu (Hà Nội) với bao ký ức buồn vui sau 80 năm bươn trải.
Gần đây ông về ở khu đô thị mới Ecopark cùng với xưởng vẽ tại gia. Tình yêu Hà Nội mỗi ngày một dâng trào trong tâm hồn ông. Khác với trước đây ông tập trung vẽ chân dung nghệ sĩ, lần này họa sĩ dồn tâm huyết của mình và những hình ảnh gần gũi với cuộc sống bình dân. Đó là những con người phố thị cùng những sinh hoạt đời sống cần lao. Hình ảnh muôn mặt đời thường của phố phường Hà Nội đã dẫn ông đi hết cảm xúc này đến cảm xúc khác.
Họa sĩ Đỗ Doãn Châu có nguyên tắc chỉ cầm bút vẽ khi cảm xúc ập đến. Có khi chỉ là một con đường phố đầy bụi và tàu xe như mắc cửi. Lại có lúc ông chợt gặp một người hút thuốc lào bên quán và chú bé khóc ré lên vì những âm thanh chát chúa từ góc phố.
Và còn có thể là những mái nhà với những ô cửa sổ tập thể từ thời bao cấp đã rệu rã với thời gian. Những mảng vữa rơi bên bức tường còn ám mùi rêu phong hoặc chợt một cô gái đẩy xe hoa đứng chờ cho các học trò tranh thủ chụp ảnh. Nụ cười của cô gái như ánh sáng tâm hồn con người bao dung và nhân từ. Hoặc còn đó dưới dòng nước sông Hồng loang loáng hiện lên những cảnh đời và những ngôi nhà bên bờ đê xanh cỏ. Trái tim và tâm hồn họa sĩ luôn thốt lên những sự òa vỡ tâm cảm và tình yêu thương cuộc đời.
Ông đã từng tâm sự rằng: “Hãy giã từ quá khứ bằng nụ cười”. Đó chính là một nguyên tắc sống còn trong sáng tác của tranh Đỗ Doãn Châu. Cho dù quá khứ đã tàn phai hoặc sự đổ vỡ nào đó do chính con người gây nên nhưng hãy yêu thương nó như chính cuộc đời mình. Đó là phẩm chất trong sáng của người nghệ sĩ. Từ đó ông quan niệm không được bi lụy và giận dữ với quá khứ. Do đó màu sắc trong tranh Đỗ Doãn Châu luôn tươi sáng bay bổng. Trong veo với con mắt nhìn hồn hậu và yêu thương cuộc đời. Nhiều họa sĩ trong giới hội họa luôn ngưỡng mộ ông ở sắc màu và bố cục rất sinh động dưới ánh sáng lan tỏa dịu dàng.
Điều thú vị là những tác phẩm về phố Hà Nội của họa sĩ Đỗ Doãn Châu như được giãn nở bởi những âm thanh qua sắc màu. Ông có cách vẽ khá đặc biệt với nhiều dụng cụ khác nhau để tạo hình tượng và chi tiết trong mỗi tác phẩm.
Có lúc họa sĩ vẽ bằng bay hoặc bút lông thông thường. Nhưng lại có khi cần diễn tả ý tưởng một cách thỏa đáng ông lại dùng cả những ngón tay cùng bàn tay đẫm sơn để vẽ lên toan. Những cảm xúc trong ông luôn tuôn trào với những vân tay mang dấu ấn di biệt. Con người hiện lên trong tranh ông luôn náo nức sự sống.
Đặc biệt những tranh vẽ phố hay cảnh sắc Thủ đô của ông luôn đông người là vì vậy. Đây cũng là sự khác biệt trong tranh Đỗ Doãn Châu khi vẽ phố. Sự bề bộn và uể oải của con người cũng là đời sống của phố phường Hà Nội. Nhiều chi tiết khi vẽ phố ông còn dùng cả khăn hay bó đũa dúng màu. Do vậy tranh về phố Hà Nội của ông thường xanh um với cỏ cây và rộn ràng tàu xe cùng những ồn ào phố chợ. Một đời sống của phố ào tới tràn lên toan.
Đó là tình yêu đời sống luôn xô bồ của kẻ chợ và những lát cắt ở góc phố ngổn ngang. Có những bức tranh khổ lớn của ông về ngã tư phố bên sông Hồng với cây cầu lịch sử Long Biên cuồn cuộn những đám bụi nhưng lại toát lên vẻ đẹp kỳ ảo đầy hiện thực kỳ thú.
Hiện nay họa sĩ Đỗ Doãn Châu đang chuẩn bị cho một cuộc trưng bày mới về phố và con người Hà Nội (Khai mạc 16/9/2023 tại khu đô thị Ecopark). Ông say sưa với chủ đề “Tri ân đời” của mình khi nói về những chủ đề về Hà Nội. Họa sĩ yêu thương những dĩ vãng cổ phong trên con phố và dốc Bà Triệu nơi mà hơn nửa đời ông đã gắn bó. Vì thế ông mang cả những cơn mưa cô đơn ấy trên toan như muốn níu giữ lấy nó trong tâm cảm.
Ngay cả những ngày mưa bên những ngôi nhà cao tầng ở Ecopark cùng phảng phất trong tranh ông về mưa thu xao xác trên đường phố vắng. Hình tượng người đi ngược chiều gió cuối đường với chiếc nón nghiêng nghiêng như muốn choàng lên mái phố là vì vậy. Không ít tranh Hà Nội của ông đã được các nhà sưu tầm tìm tới. Họ yêu thương dĩ vãng và cũng muốn “Giã từ quá khứ bằng nụ cười” như ông. Đó là những tác phẩm: “Mảnh trời còn lại”, “Ký ức Hà Nội”, “Cây cơm nguội vàng”, “Đất và lửa”; hay đó còn là: “Cầu Long Biên”, “Phố ven sông”, “Ô Quan Chưởng”; và giờ đây còn nữa: “Lối cũ ta về”, “Hồng Hà soi bóng”. “Phiêu” cùng với “Phố chim quay” và “Quên đi”…
Phố trong tranh ông vừa ẩn chứa những nụ cười và chất phiêu lãng nghệ sĩ độc đáo. Ông đã hát bài ca về sắc màu của mình. Nét phiêu của ông thể hiện rõ trên từng nét vẽ và sự hòa sắc trên toan. Tranh của họa sĩ Đỗ Doãn Châu khi thì sống động, lúc lại thăng hoa cùng tâm trạng ẩn giấu mơ màng. Đó là những bản nhạc chuyển động về sắc màu mà ông coi đó là thánh đường nghệ thuật để tri ân cuộc sống.
Họa sĩ, NSND Doãn Châu (tên thật là Đỗ Doãn Châu, sinh năm 1943, tại Hà Nội) nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 2007. Bên cạnh công việc của một nhà quản lý, ông nổi tiếng là một họa sĩ sân khấu với gần 400 vở diễn do ông thiết kế mỹ thuật. Có thể kể đến những thiết kế đi cùng năm tháng như: “Hà My của tôi”, “Sống mãi tuổi 17”, “Rừng trúc”, “Vua Lia”… Ông còn tham gia diễn xuất trong các vở kịch: “Đôi mắt”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Kẻ đốt đền”, “Bài ca Điện Biên”…