Ngay cả kẻ dại khờ nhất cũng trở thành khôn ngoan khi họ biết giữ sự tĩnh lặng”- Erust Salomon
(Minh họa: Fernando Cobelo).
Nhà bác học Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) đã để lại cho cuộc đời một lời khuyên mãi mãi đúng đắn:
Tôi dại, tôi tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người tới chốn lao xao.
Đây là cách nói đảo ngược để nhấn mạnh sự cao quý, sự cần thiết của im lặng suy tư, rất hay dùng trong văn chương cổ.
Cùng thời đó, tức là cách đây hơn 500 năm, Trung tâm Đại học lớn nhất và cũng là lâu đời nhất thế giới, Đại học Oxford – Vương quốc Anh, đã quy định chặt chẽ việc đặt khẩu hiệu tại tất cả những nơi tôn nghiêm, nơi truyền dạy kiến thức cho con người như: các giảng đường lớn nhỏ, các thư viện lớn nhỏ, phòng thí nghiệm, phòng khánh tiết, các dãy hành lang dài nối các buồng, các tầng trong các tòa nhà, câu khẩu hiệu đó là:
“Xin hãy giữ yên lặng” (Silence, please).
Những khẩu hiệu này viết rất đẹp, chữ mạ vàng, nằm trong các khung chữ nhật cũng mạ vàng được đặt ở các vị trí trang nghiêm, dễ nhìn nhất. Người nào nói to, gây ồn ào đều bị coi là thiếu văn hóa, thậm chí có thể bị đuổi ra ngoài. Nội quy của Đại học Oxford ghi rõ: “Chỉ có trong suy tư tĩnh lặng, tài năng và nhân cách của con người mới được nẩy nở và được nuôi dưỡng”.
Những năm 60 và 70 của Thế kỷ XX, ai đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện lớn nhất của cả nước lúc đó, cũng đều chăm chú đọc những dòng Nội quy viết rất trang trọng tại khoa Thần kinh – Tâm thần, đó là:
“Xin giữ yên lặng tuyệt đối. Đây là khu vực bệnh nhân Thần kinh, Tinh thần, là loại bệnh Người nhất trong các bệnh tật của con người. Xin hãy tôn trọng”.
Ngày nay, nếu ta có dịp đi qua các bệnh viện lớn của Thủ đô Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản ... ta không khỏi chạnh lòng nghĩ đến các bác sỹ đang ngày đêm vật lộn với bệnh tật để cứu người. Tại sao phải chạnh lòng? Vì những người thầy thuốc đó đang phải tiếp cận với một môi trường quá đông người, quá ồn ào, làm họ rất căng thẳng. Họ căng thẳng như thế liệu có đủ “Tĩnh lặng suy tư” để nghĩ ra phương án điều trị tốt nhất, hiệu quả nhất để phục vụ người bệnh không? Đấy là chưa kể trong cái đám đông ồn ào kia, có người đòi đánh, thậm chí đã đánh thầy thuốc, đã đập phá bệnh viện là nơi tôn nghiêm, đáng kính trọng, chỉ có mục đích duy nhất là cứu người.
Ước gì có một ngày nào đó các bệnh viện của chúng ta luôn yên tĩnh, êm đềm, nhẹ nhàng, để cả người bệnh và người chữa bệnh đều được hưởng cái hạnh phúc của “Tĩnh lặng suy tư” !
Nếu ta có dịp tham quan các Bệnh viện danh tiếng như Charité ở Berlin – Đức, Bệnh viện Necker ở Paris, Lâu đài Bệnh viện Sans-Soucci ở Đức ... thì sự yên tĩnh tuyệt đối được yêu cầu rất nghiêm ngặt. Các bác sỹ tại những nơi đó giải thích: “Sức khỏe bệnh nhân chỉ có thể được phục hồi trong môi trường tĩnh lặng, êm ả, không khí trong lành. Trí tuệ người thày thuốc chỉ có thể được huy động tối đa trong hoàn cảnh suy tư độc lập, tĩnh lặng”.
Qua những minh chứng đã kể ở trên, chúng ta thấy được phần nào tầm quan trọng, vẻ đẹp vĩnh cửu của “Tĩnh lặng suy tư”.
Thế nào là tĩnh lặng? Đó là im lặng. Theo Đại Từ điển tiếng Việt, trang 768 thì: “Im lặng là lặng lẽ không nói năng gì”.
Còn Học giả Pindar (Thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên) thì: “Im lặng là minh triết cao quý nhất của con người” (Le silence est la plus haut sagesse de l'homme). Câu này khi dịch sang ngôn ngữ của một số nước Châu Á, để viết chữ lớn đặt tại chùa chiền, trong trường học, nơi võ đường tập luyện là: “Tĩnh sinh minh” (nghĩa là yên tĩnh, tĩnh lặng sẽ nẩy sinh trí tuệ, nẩy sinh những suy tư đúng đắn, minh triết).
Khổng Tử viết: “Tĩnh lặng là một người bạn không bao giờ biết phản bội” (Le silence est un ami, qui ne trahit jamais).
Nhà Tư tưởng cổ đại Sénèque viết: “Sự khốn khổ của cuộc đời dạy cho con người nghệ thuật của sự tĩnh lặng” (Les mísères de la vie enseignant l'art du silence).
Lão Tử (Năm 570 trước Công nguyên) khái quát một cách tuyệt vời nhất: “Cái nặng là gốc của cái nhẹ, cái tĩnh lặng là chủ của cái can đảm” (Trọng vi khinh cân, tĩnh vi táo cân).
Tĩnh lặng vĩ đại như thế, hiệu quả như thế, nhưng mấy ai trong đời đã đạt được cái trạng thái lớn lao này. Con người thường sống theo bản năng. Con người lại có nguồn gốc từ động vật cấp cao. Vì thế cái ý thức bầy đàn, hội chứng đám đông (Esprit de troupe) đã làm giảm cái khả năng độc lập suy nghĩ, tư duy tự mình. Chỉ có ai từ bé đã được dạy bảo đến nơi đến chốn, được tự mình điều khiển các sinh hoạt hàng ngày (trẻ lên 3 tự đi, tự chạy, tự ngã, tự đứng dậy, khóc cũng không ai dỗ ...). Nên coi đó là những bài tập đầu đời cho trẻ lớn lên trong bản lĩnh tự suy nghĩ, tự giải quyết các nhu cầu của bản thân. Đến 4 – 5 tuổi, em bé tự suy nghĩ cao hơn, tự xúc thức ăn, tự vệ sinh cá nhân, tự chuẩn bị quần áo, sách vở... đều là những bài học quý cho những “Tĩnh lặng suy tư” sau này. Đúng như nhà khoa học người Bỉ - Maurice Materlinck (1862 – 1949) đã chỉ rõ: “Cái tĩnh lặng là yếu tố mà nhờ nó những việc lớn lao được tạo thành” (Le silence est l'élément dans lequel se forment les grandes choses).
Em học sinh lên Trung học, vào Đại học với biết bao suy ngẫm tự đào sâu, tự suy nghĩ ở giảng đường, trong thư viện, những đêm dài sáng đèn bên bàn học, em đã tạo được những yếu tố, những điều kiện của tư duy năng động, tạo đường vào cho những ấp ủ lớn lao trong tương lai, tạo những vùng đất mầu mỡ cho hạt giống trí tuệ nẩy nở trong những ngày tiếp theo của “học tập suốt đời”.
Sự tĩnh lặng vĩ đại đến mức nhà thơ lớn người Pháp – Alfred de Vigny (1797 – 1863) đã phải thốt lên đầy xúc động, đầy ngưỡng mộ: “Chỉ có tĩnh lặng là vĩ đại, tất cả những cái còn lại là yếu đuối” (Seul le silence est grand, tout le reste est faiblesse).
Đọc lại Tiểu sử các Danh nhân thế giới từ lĩnh vực Văn, Thơ, Nhạc, Họa đến các nhà sáng chế phát minh làm thay đổi thế giới, thay đổi hẳn các nền văn minh từ thấp đến cao, từ lạc hậu dã man đến văn minh, dân chủ, công khai, sáng tạo ai ai cũng nhận ra rằng: Đa số các vị tiền bối đó đều xuất thân từ con nhà nghèo, nhưng cái ý chí, cái quyết tâm, cái tĩnh lặng suy tư của các vị nẩy nở và phát triển từ lúc còn ấu thơ, từ lúc còn là học sinh tiểu học, từ lúc còn chăn trâu cắt cỏ. Họ vươn lên mạnh mẽ vì họ quyết tâm chiến thắng cái nghèo, cái đói để vươn lên tầm cao lớn lao, cải tạo thế giới, cải tạo con người. Bí quyết thành công của họ là tự lập, tự suy nghĩ, tự sáng tạo, tự vươn lên.
Soi sáng từ tấm gương của các vị đáng kính đó, ta nhìn nhận ra ngay là con em những người giầu có, có chức có quyền luôn sống ỉ lại, ăn bám thì không thể có cái kỹ năng sống quý hiếm đó. Những thanh thiếu niên thừa tiền tiêu pha, được cha mẹ nuông chiều muốn gì được nấy nên bao giờ cũng học dốt, bao giờ cũng là những học sinh cá biệt. Lớn lên chút nữa, họ ngập ngụa trong cảnh ăn chơi trác táng ở vũ trường, ở quán bar, dần dần những tiếng động khủng khiếp của trống, của đàn tăng hết cỡ, mở hết công suất đã phá hủy bộ não con người, đưa họ vào cõi u mê ám chướng, chỉ biết sống theo bản năng sinh tồn đơn thuần. Một số kết thúc cuộc đời trong các bệnh viện Tâm thần. Một số trở thành “giá áo, túi cơm”, là gánh nặng cho gia đình và xã hội suốt đời.
Đến đây cần làm rõ thêm nữa cái giá trị to lớn của tĩnh lặng, của im lặng.
Triết gia Sophocle (495 – 405 trước Công nguyên) đã chỉ rõ: “Sự im lặng đem lại cho những người đàn bà sự kính nể” (Le silence donne aux femmes de la considération).
Thế còn những người đàn bà hay nói, hay ba hoa, hay cãi vã thì sao? Có ai đó nói rất đúng: “Có 2 người đàn bà và 1 con vịt thì sẽ thành cái chợ ồn ào”.
Lại có ai đó đã nói: “Thiên nhiên vĩ đại là thế, to lớn là thế mà không nói tiếng nào bao giờ”.
Tác giả Erust Salomon (1902 – 1972) đã nhận xét: “Ngay cả kẻ dại khờ nhất cũng trở thành khôn ngoan khi họ biết giữ sự tĩnh lặng” (L'ínsensé même passe pour sage lorsqu'il se tait).
Chao ôi, ước gì trong đời ta học được cái kỹ năng sống “Tĩnh lặng suy tư”!