Dân tộc Cơ Tu là một trong số ít dân tộc thiểu số ở dãy Trường Sơn - khu vực Tây Nguyên. Tới nay, bà con vẫn bảo lưu được các giá trị văn hóa truyền thống, thông qua các điệu múa dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc nhà ở, nhà mồ và tiêu biểu là nghệ thuật điêu khắc gỗ.
Mặt nạ trong lễ hội truyền thống.
Nghệ thuật tạo hình của dân tộc Cơ Tu nổi bật là tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ và hoa văn trang trí trên các bộ phận kiến trúc. Nhà làng - Gươl - chính là tài sản, di sản của làng. Ở đó tập trung nhiều bức tranh, phù điêu và tượng gỗ, được và con trong buôn làng chế tác, rất độc đáo và phong phú.
Ngày trên mái nhà Gươl, phía hai đầu hồi thường là những bức tượng đơn giản như gà trống, chim tring hay tổ hợp gắn kết nhiều tượng với nhau như tượng người, tượng đầu trâu, tượng đôi chim tring... Chúng được bố trí đối xứng nhau gần như tuyệt đối. Trên 4 tấm lan can, vách ngăn ở nhà Gươl, nhất là tấm đặt ở mặt tiền, là nơi các nghệ nhân Cơ Tu thả sức miêu tả hình tượng con người, thế giới thiên nhiên và cuộc sống xã hội, tạo nên những bức tranh đa dạng. Ở tấm ván này thường có bức phù điêu liên hoàn, miêu tả sinh hoạt lễ hội, sản xuất, săn bắt. Trên các cây cột con, xà ngang… cũng thường được chạm khắc nhiều bức phù điêu đẹp mắt, như rắn, kỳ đà, tắc kè, ba ba, thỏ, cá.
Tại xã Lăng (huyện Tây Giang, Quảng Nam), trong Gươl còn có những tác phẩm điêu khắc trang trí nội thất. Tại các điểm tiếp giáp của xà ngang và xà dọc còn bố trí các tượng rời, chủ yếu là hình tượng chiếc ché có nắp, phía trên nắp ché có hình chim cú vọ, hình tượng thần nước đầu gà trống mình rắn. Còn tại huyện Nam Giang, trong Gươl còn có những bức tượng mình người đầu chim. Những bức tượng này làm cho ngôi nhà làng của đồng bào mang vẻ bí ẩn, linh thiêng. Đặc biệt, cây cột cái được trang trí rất kỹ. Không chỉ có chức năng chịu lực mà cột cái và xà ngang là nơi trang trí nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, phù điêu và hoa văn. Dưới chân cột cái, thường khắc những hình người, như già làng ngồi uống rượu, người đàn ông cõng con, người phụ nữ địu con hoặc hình tượng chiếc ché.
Bậc cửa khắc hình ảnh con trâu trên nhà gươl bản Canool (xã A Xan, Tây Giang, Quảng Nam).
Cùng với phù điêu, tranh vẽ gắn với công trình kiến trúc; người Cơ Tu còn sáng tạo những bức tượng tròn với nhiều chủ đề khác nhau, như già làng uống rượu, cô gái múa, chàng trai nhảy hội, đánh chiêng, thổi kèn, tượng chim tring, chim công, kỳ đà... xếp chúng ở những vị trí đẹp trong nhà. Trước cửa Gươl, thường có tượng người đứng hai bên cửa ra vào với vẻ cung kính đón khách đến thăm.
Như vậy, trên thực tế, tượng gỗ của đồng bào Cơ Tu các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam bao gồm hệ thống tượng, phù điêu gắn với công trình kiến trúc (Gươl, nhà mồ); và hệ thống tượng rời. cả hai đều được chế tác rất sinh động, độc đáo.
Riêng về mặt nạ gỗ, với người Cơ Tu ở núi rừng Trường Sơn, cũng là những sản phẩm mỹ thuật rất đáng chú ý. Người ta chạm trổ những chiếc mặt nạ từ một đoạn cây gỗ có chiều rộng từ 20 – 25 cm, chiều dài từ 30 – 35 cm. Các nghệ nhân lão luyện, thợ điêu khắc tài giỏi nhất mới làm được mặt nạ. Chỉ với một đường khoét lõm ở đuôi mắt, một đường cong trên má là đủ để thể hiện được tính cách của chiếc mặt nạ: hung dữ hay hiền lành. Giới nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, nghệ thuật làm mặt nạ của người Cơ Tu có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài nghệ gọt đẽo và sử dụng sắc màu. Màu trắng, đỏ, đen là những màu chính thường dùng trong hội họa truyền thống và cũng là sắc màu cơ bản thể hiện trên mặt nạ.
Chiếc mặt nạ gỗ với dung mạo hiền lành, tươi vui của dân tộc Cơ Tu. Ảnh: Bienphong.
Bà con người Cơ Tu có hai loại mặt nạ cơ bản: Loại dữ ác và loại hiền lành. Một mặt nạ thể hiện tính cách hung dữ thì thoạt nhìn đã tạo ra nỗi khiếp đảm cho người xem. Người ta cho rằng loại mặt nạ này mô tả cuộc chiến đấu chống lại những thế lực hắc ám làm hại đời sống cộng đồng. Ngược lại, mặt nạ hiền lại thể hiện rõ sự thân thiện, gần gũi. Để tạo ra khuôn mặt hiền, người ta không tô vẽ nhiều màu sắc mà đục đẽo một cách chân phương, mềm mại, ánh lên nét nhân từ, tươi vui, gần gũi. Loại mặt nạ này mang lại niềm thương yêu, sự tin cậy và niềm tin.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, mặt nạ gỗ của người Cơ Tu mang chất tín ngưỡng, ma thuật, thường được các chiến binh xưa dùng trong chiến đấu; hay trong các lễ hội cộng đồng, kể cả trang trí cho bên trong ngôi nhà. Mặt nạ gỗ của bà con Cơ Tu có sắc thái riêng trong tạo dáng và chạm trổ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài nghệ gọt đẽo và sử dụng sắc màu. Tùy theo tính cách của mỗi chiếc mặt nạ mà người nghệ nhân có cách phối màu, tô vẽ riêng nhằm tạo ra nhiều khuôn mặt với nét đặc trưng, biểu cảm khác nhau.
Về ý nghĩa nhân sinh, người ta cho rằng hai loại mặt nạ kể trên chính là quan niệm về hai mặt đối lập của cuộc sống. Đó là một triết lý sâu xa, từ đó có giá trị khuyên nhủ con người tránh xa kẻ ác, tự bản thân mình phải vươn lên làm người tốt.
Mặt nạ hóa trang của người Ba Na và Jrai thường sử dụng tại lễ bỏ mả. Mặt nạ được coi là tái hiện hình ảnh người đã khuất về với bà con buôn làng. Thường chỉ có 3 màu chính được sử dụng trong trang trí mặt nạ, đó là màu trắng từ bản thân thớ gỗ tươi nguyên liệu được dùng làm màu da, màu răng; màu đen dùng làm màu mắt, tóc, sừng, lông mày, râu; màu đỏ đậm như huyết tươi được dùng cho phần miệng, lưỡi. Riêng với một số nhóm Ba Na ở Kon Tum, đồng bào còn dùng thêm màu trắng hoặc hồng nhạt để làm màu da thay cho màu trắng từ gỗ.