Ngành du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017 đã có những khởi sắc đáng mừng. Ước tính khách du lịch nội địa 6 tháng qua đạt 40,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 254.700 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016. Còn lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6.206.336 lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói. Hiện đại hóa bằng công nghiệp ở nước ta trong những năm vừa qua không đạt được kết quả như ý muốn. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có những cơ chế pháp lý cụ thể để tạo đà cho du lịch phát triển. Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử 57 năm phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Nghị quyết này là cơ sở rất quan trọng để xây dựng các khuôn khổ pháp lý, đề ra các chính sách, khắc phục các khó khăn và vấn đề tồn tại của ngành, huy động sự tham gia và nguồn lực của xã hội nhằm đưa du lịch Việt Nam phát triển trên một tầm cao mới, thuộc nhóm những quốc gia phát triển du lịch hàng đầu trong ASEAN.
Và mới đây, ngày 19/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) với 438 phiếu tán thành, chiếm 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật Du lịch 2017 kế thừa những nội dung cơ bản của Luật Du lịch 2005, đồng thời có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để du lịch Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới. Những quy định về trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, hoặc Nghị quyết của Chính phủ tiếp tục gia hạn miễn visa cho khách du lịch từ 5 nước Tây Âu là những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Để có được những tín hiệu khả quan, ngoài sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu, còn có sự cải tiến của ngành du lịch trong nước. Đó là tổ chức các sự kiện du lịch, hay liên kết chuỗi du lịch giữa các tỉnh thành. Cơ sở hạ tầng du lịch trong mấy năm gần đây phát triển với tốc độ cao.
Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập từ lâu vẫn chưa được khắc phục. Ví như, nguồn nhân lực vẫn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là tại những điểm đến đang phát triển với tốc độ nhanh. Hiện tượng giá dịch vụ, thực phẩm, đồ uống tại một số điểm du lịch vào thời điểm đông khách vẫn tăng đột biến; Rác thải tại một số khu điểm du lịch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Hiện tượng cướp giật tài sản vẫn còn diễn ra lẻ tẻ ở một số điểm đến; Một số tai nạn giao thông đáng tiếc đối với khách du lịch; Sự cố ngộ độc thực phẩm là những vấn đề cần tiếp tục được khắc phục, chấn chỉnh trong công tác quản lý.
Làm sao để du lịch Việt Nam có thể đuổi kịp các nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan. Câu hỏi này đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh kính chuyển cho nhiệm kỳ sau. Và ngày 14/6, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời bằng cách tính con số toán học theo tỷ lệ thuận rằng: “Nếu ngành du lịch của Việt Nam tăng trưởng 20 đến 25%, trong khi ngành du lịch của Thái Lan tăng trưởng 7% thì trong 15 năm nữa du lịch Việt sẽ đuổi kịp Thái Lan. Sang năm, về số lượng du khách, du lịch Việt Nam sẽ bằng Indonesia, 2 năm nữa bằng Singapore, 10 năm nữa bằng Malaysia”.
Con số tính toán của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ là mơ ước. Thực tế, nếu không có chính sách, cải tiến chất lượng du lịch thì Việt Nam sẽ mãi mãi tụt hậu. Chiến lược của ngành du lịch đặt ra cần những mục tiêu cụ thể hơn. Nhìn vào sự thay đổi logo và slogan du lịch Việt Nam 4 lần từ năm 2001 đến 2015 ta sẽ thấy rõ. Năm 2001, slogan là “ Việt Nam – Điểm đến của thiên niên kỷ mới” (“Vietnam - A destination for the new millennium”). Ban đầu, slogan này gây ít nhiều sự tò mò nhưng không tạo được sự rõ ràng.
Năm 2004, slogan là “Hãy đến với Việt Nam” (“Welcome to Vietnam”). Logo và slogan này ngay lập tức bị sự phản đối của các chuyên gia và độc giả, bởi đây là câu nói hết sức bình thường không chút sáng tạo. Năm 2006, ngành du lịch mở cuộc thi logo và slogan. Tác phẩm được chọn là logo búp sen uốn lượn hình chữ S với slogan “Việt Nam – Vẻ đẹp tiềm ẩn” (“Vietnam - The hidden charm”). Năm 2012, logo và slogan được chọn là hình hoa sen và câu slogan “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”.
Làm sao để du lịch Việt Nam thoát khỏi “tiềm ẩn”, hay chung chung kiểu “bất tận”? Thiết nghĩ, ngành du lịch nên chú trọng vào thế mạnh riêng có của Việt Nam. Khách du lịch đến Việt Nam không đơn thuần chỉ để “ăn” và “ở”.
Thế mạnh về du lịch Việt Nam là du lịch biển đảo, là những trải nghiệm về miền đất giàu văn hóa. Điều đáng mừng là nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức sôi nổi tại các địa phương đã thu hút được sự tham gia rất đông đảo và nhiệt tình của du khách trong và ngoài nước như Lễ hội chùa Hương, Đền Gióng tại Hà Nội; Lễ hội Yên Tử tại Quảng Ninh; Lễ hội Đền Trần tại Nam Định và Thái Bình; Lễ hội Côn sơn - Kiếp Bạc tại Hải Dương… hay những sự kiện du lịch mang tính vùng miền, có giá trị văn hóa nghệ thuật cao như Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội hoa Anh Đào-Mai Vàng Yên Tử, Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An 2017, Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Tuần lễ du lịch Đồng Tháp; Tuần Văn hóa - Du lịch Lạng Sơn; Tuần Lễ Du lịch Đồng Tháp; Tuần Văn hóa – Du lịch Phú Yên; Lễ hội Du lịch Yên Bái; Lễ hội Làng Sen 2017; Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017; Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa; Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng2017; Cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017…
Ngoài những địa phương thu hút khách du lịch tiêu biểu như: Quảng Ninh, TP HCM, Hà Nội, Quảng Bình, Ninh Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế - Quảng Nam, Lào Cai, Bình Thuận, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau... ngành du lịch cũng cần chú trọng đến du lịch văn hóa truyền thống. Vấn đề liên kết với các nhà hát truyền thống ngoài sự thành công của nhà hát múa rối thì những nhà hát khác còn bế tắc như tuồng, chèo, cải lương. Cũng là sân khấu, du khách đến Thái Lan trong 30 phút có thể hiểu được lịch sử hình thành và phát triển trong mấy trăm năm của họ. Tại sao ta không cải biên và xây dựng những vở diễn mới trên nền truyền thống?.
Làm sao để du lịch Việt Nam phát triển, làm sao để vẻ đẹp Việt Nam thực sự hiện hữu với du khách? Mong lắm thay!