Trang điểm có từ lâu đời, dân tộc nào cũng có nhu cầu làm đẹp. Tới nay, người ta phân định ra nhiều phong cách trang điểm, nhưng lối trang điểm cực kỳ độc đáo của thổ dân châu Phi thì không ai có thể phủ nhận được. Kể cả việc xăm mình hay là tạo ra những bộ trang phục cũng hết sức khác biệt.
Lá cây thay cho vòng hoa.
1. Giới nghiên cứu mỹ thuật cũng như thời trang đều thống nhất cho rằng nghệ thuật tô vẽ của thổ dân châu Phi là hết sức khác lạ, rất độc đáo và đầy ấn tượng. Ngay kể cả nhà thiết kế hàng đầu thế giới là Candy Pratts cũng phải ngỡ ngàng và tìm được vô vàn cảm hứng trước cách phối màu tài năng của những thổ dân lục địa đen.
Bà Candy Pratts nổi bật trong làng thời trang New York, Mỹ đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu những bức hình mà mình thu thập được, chủ điểm chính là cách thổ dân châu Phi trang điểm cho gương mặt của mình. Candy lấy làm lạ rằng, chỉ chủ yếu với những gam màu cơ bản (đỏ, xanh, vàng) không hề pha trộn nhưng người ta đã vẽ trên mặt mình những mảng phối hợp rất kì lạ. “Thậm chí nó không theo một nguyên tắc nào, nó chính là vẻ đẹp nguyên thủy”, bà Candy nói và nhận xét rằng, chính điều đó làm nên tinh thần hồn nhiên và nhất là không giống ai. Tuy rằng không lặp lại trong cách trang điểm nhưng người ta vẫn nhận ra điểm chung “rất khó nhận diện”- nói như Candy. Vẫn theo Candy, sự trang điểm độc đáo trên mặt của thổ dân châu Phi đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho bà.
Lông chim Thiên đường trang điểm cho chiếc mũ.
Một trong số những tay máy nổi tiếng săn tìm sự độc đáo trong văn hóa sinh hoạt châu Phi có thể kể tới Hans Silvester người gốc Đức. Sau nhiều năm tháng “ăn chung, ngủ cùng” với những bộ tộc ở thung lũng Omo, Hans đã tập hợp in thành sách một “tổ hợp ảnh”, hay là “những câu chuyện cuộc đời”- nói như nhà nghiên cứu nghệ thuật Datess M’Lunga. Hans đã ghi lại chân thật cuộc sống sinh hoạt của 15 bộ tộc, trong đó tập trung vào người Surma và Mursi. “Họ làm đẹp bản thân bằng cách sử dụng đất, bùn, lá, quả để tô vẽ người”- Hans nói. Trong những bức ảnh của Hans, người ta còn nhận ra người ở đây còn sử dụng da ngựa vằn để may quần, hay là dùng vỏ ốc làm thành dây chuyền và nặn đất sét mô phỏng những con vật khác nhau gắn lên đầu như một phụ kiện trang điểm.
“Nhưng tất cả những điều đó được người ta làm một cách tự nhiên không cầu kỳ mà cũng chẳng suy nghĩ nhiều. Tưởng chừng trong mỗi con người trong thung lũng Omo đều có dòng máu nghệ sĩ, họ làm gì cũng đẹp. Từ việc bôi nước lá cây lên mặt cho đến việc cài một bông hoa dại lên mái tóc trát bùn…, cùng đều có một vẻ đẹp riêng”- Hans nói.
Gương mặt nhiều màu sắc của thổ dân Papua New Guinea.
Không chỉ trang điểm cho khuôn mặt, người ta còn dùng đất sét hoặc bùn, bột đá, nhựa cây... vẽ lên thân mình những hình vẽ có thể nói là không giống ai. “Hình ảnh đẹp đến độ khiến người ta nghĩ rằng không kém gì những nhà tạo mẫu nổi tiếng, cho dù chưa một ngày nào ngườ ta bước chân vào tường mỹ thuật. Vả chăng, người ta cũng không biết trường mỹ thuật là gì”- theo Datess M’Lunga. Còn với việc xăm mình, không chỉ đàn ông mà cả đàn bà, trẻ con cũng thích xăm mình. “Hình như người ta muốn hóa trang mình thành những con mãnh thú vì trong tiềm thức sức mạnh của thiên nhiên đối với họ là vô biên”- theo Hans. Những hình xăm có thể thể hiện ở lưng, ở mặt, hai cánh tay, chân, bụng… có nghĩa là bất cứ vị trí nào trên làn da.
Một điều rất thú vị là, theo Hans, trong nhiều ngôi làng, người dân không có gương soi nên họ không thực sự biết cách trang điểm của mình đẹp hay xấu. Có lẽ chính vì thế mà họ tự tô vẽ một cách tự nhiên, đem đến vẻ đẹp bất ngờ. Mỗi khi muốn ngắm nghía, người ta soi mặt xuống nước. Với họ như thế cũng đã là đủ. Cũng chính từ cách trang điểm tự nhiên “không kiểm soát” đó của thổ dân châu Phi mà nhà tạo mẫu Candy Pratts đã phải thốt lên: “Tôi biết ơn sự tồn tại của họ, họ đã giúp tôi có nhiều ý tưởng và có nhiều suy ngẫm hơn về thời trang, về cái đích của vẻ đẹp. Thay vì thắt cà vạt hay khăn quàng cổ điệu đà, họ cuốn quanh đầu những vòng hoa hoặc lông chim, lá chuối... Điều đó gợi ý cho tôi thiết kế trang phục gắn với tự nhiên”.
Vẻ đẹp của cỏ và hoa.
2. Tại Papua New Guinea, người được coi là có bộ trang phục đẹp nhất thì phải là rực rỡ nhất với rất nhiều lông của chim Thiên đường. Lông của loài chim này để trang trí mũ đội đầu, áo khoác và kể cả áo bên trong. Phụ nữ một số bộ tộc ở Papua New Guinea rất thích đeo tóc giả, vẽ mặt và sử dụng lông của các loài chim quý hiếm. Chim Thiên đường được biết đến với bộ lông sặc sỡ của các con trống được chúng sử dụng để hấp dẫn con mái. Khi đến mùa giao phối, lũ chim trống xòe cánh, múa đuôi để khiến con mái sập bẫy. Chúng nhảy múa say sưa đến độ bị người ta bắt lúc nào không biết. Những chiếc lông đuôi rất dài và nhiều màu sắc của chúng đã biến thành phụ kiện trang trí cho con người. Tuy nhiên, người ta không bao giờ giết chúng sau khi lấy lông đuôi. Nó lại được thả về rừng và chỉ trong vòn nửa năm lại mọc ra bộ lông mới quyến rũ.
Với một số bộ lạc sinh sống ở phía Đông sông Omo (Ethiopia) người ta lại sử dụng các loại hạt, vỏ sò, nắp chai để kết thành những phụ kiện làm đẹp độc đáo, rực rỡ sắc màu như vòng tay, vòng cổ. Riêng với bộ tộc Himba sinh sống tại Namibia và Angola lại dùng hỗn hợp bơ và đất màu để dán lên người, khiến cho toàn thân là một màu nâu rắn khỏe, ấn tượng.
Những thiếu nữ Maya với trang phục truyền thống.