Về làng Hới

Vương Tâm 07/08/2021 14:30

Ít có nơi nào đẹp như làng Hới (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Bởi nó được dòng sông Luộc bao quanh đến dăm cây số rồi nhập vào sông Hồng. Đối diện phía bên kia sông là thành phố Hưng Yên. Dân thương hồ vẫn truyền tai nhau câu ca: "Ăn cơm Hom/ Nằm giường Hòm/ Đắp chiếu Hới". Nét đẹp chiếu Gon nổi tiếng khắp vùng với tuổi đời đã hơn 500 năm.

Công đoạn phơi nguyên liệu sau khi nhuộm màu.

1. Làng Hới nay đã đổi tên là Hải Triều, thuộc xã Tân Lễ nhưng dân quanh vùng chỉ quen với cái tên cổ nôm na. Gắn bó với làng Hới là nghề dệt chiếu lâu đời. Những năm trước cả vùng sông nước đồng bằng Bắc bộ chỉ có độc làng Hới dệt chiếu. Giống cói và đay ở làng Hới có độ bền và bóng mượt thì không đâu bằng. Hơn nữa, nhiều vùng miền làm chiếu cũng được phát triển nhưng đặc biệt chỉ làng Hới mới có đền thờ tổ nghề. Điều kỳ lạ nữa, tổ nghề còn là một Trạng nguyên lừng lẫy một thời. Đó là Trạng nguyên Tam nguyên Phạm Đôn Lễ (1457-1531) người con của làng Hới. Cuộc đời ông lưu lạc tha hương suốt 30 năm dòng.

Đó là một câu chuyện thật dài nhưng mọi người vẫn truyền tai nhau “chuyện cổ tích có thật” của làng Hới. Rằng xưa cậu bé Lễ vẫn thường theo mẹ đi chợ bán bánh đa nướng. Nhưng rồi một ngày mưa to gió lớn, khi đó cậu bé mới 4 tuổi bị gió thổi dạt về phía bờ sông lạc đường về. Mẹ cậu Lễ đội áo tơi đi tìm con khắp nơi. Mọi người cũng nháo nhác gọi khắp nơi mà bặt vô âm tín. Trong khi đó cậu bé suýt rơi xuống sông thì được một người thương hồ buôn chiếu đón vào thuyền. Vợ chồng nhà này thấy câu bé Lễ khôi ngô sáng sủa bèn dong thuyền bỏ đi. Họ quyết định giữ cậu bé làm con nuôi bởi không thấy ai đi tìm con. Đây là gia đình khá giầu có ở Thanh Hóa. Người cha quyết tâm cho con nuôi ăn học thành tài.

Đúng như duyên trời đã định, Phạm Đôn Lễ càng lớn càng thông mình sáng dạ và tuấn tú hơn người. Vốn hiền lành chăm chỉ nên Phạm Đôn Lễ học một biết mười hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Hơn 20 tuổi Phạm Đôn Lễ được cha nuôi đưa lên kinh dự thi. Đây là cuộc chọn hiền tài đầu tiên của đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Ai ngờ Phạm Đôn Lễ đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1481. Những năm tháng sau đó, Phạm Đôn Lễ còn giành điểm nhất cuộc thi Hội. Và tài năng không đợi tuổi, Phạm Đôn Lễ vào dự cuộc thi Đình đoạt luôn Trạng nguyên. Triều đình nhà Lê tôn vinh quang trạng Phạm Đôn Lễ là Tam nguyên Trạng đầu tiên của nước nhà. Đây là một hiền tài hiếm có trong lịch sử. Ông được phong quyền cao chức trọng của triều Lê.

Nhưng buồn thay khi quan trạng về vinh quy bái tổ mới được mọi người cho biết mình là người ngoại tộc. Người cha nuôi đành phải nói hết sự thật ba mươi năm về trước. Quan trạng được đưa về quê tìm lại gia đình tổ tiên. May thay người mẹ vẫn ngóng tin con ngày ngày bên chợ Hới. Bà phong thanh nghe con mình được một gia đình thương hồ nhận nuôi nên vẫn hy vọng gặp lại. Quan trạng trở về cũng trong một ngày mưa gió. Hai mẹ con gặp lại nhau mừng tủi khóc thương. Quan Trạng được mẹ đưa về nhà dâng hương bái tổ. Ngay sau đó Phạm Đồn Lễ đưa mẹ lên kinh báo dưỡng trọn đời.

Về làng quan trạng Phạm Đôn Lễ mới biết quê nhà có nghề dệt chiếu bằng tay rất vất vả. Nên có lần đi kinh lý bên Tàu (thời nhà Minh) ông đã chú ý học nghề làm chiếu bằng khung dệt và mua lại toàn bộ dụng cụ đem về làng. Quan trạng dạy lại dân làng kỹ thuật đan sợi và chuốt đay. Từ đó dân làng Hới chế tác lại nhiều khung gỗ và học cách dệt chiếu mới. Tốc độ dệt nhanh hơn hàng chục lần và chiếu càng đẹp hơn. Sau này Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ hồi quan về làng hưu trí. Ông còn tham gia cải tiến khung dệt và cùng sản xuất với dân làng. Khi quan trạng Phạm Đôn Lễ mất dân làng Hới tôn ông là Phúc thần và lập đền thờ. Dân quanh vùng coi ông là "Trạng chiếu" và là cụ tổ nghề. Cứ vào ngày mùng sáu tháng Giêng hàng năm, họ về làng tế lễ tưởng nhớ đến công ơn của quan trạng tam nguyên.

Trước đền Quan Trạng ở làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Nguồn: Báo Thái Bình.

2. “Rượu me-Chè Thái-Gái Hải Triều”. Đó là câu ca dao mà dân quanh vùng đây ca ngợi về nét đẹp mặn mà của các cô gái làng Hới. Không dưng mà con gái ở xứ này lại có duyên đến vậy. Chiếu đẹp một phần nói lên nét đẹp và tay nghề cần cù hoa mỹ của các cô gái làng dệt này. Ngoài chiếu Gon cổ làng còn bán nhiều chiếu các loại ở chợ bên sông Luộc. Không những thôn Hới mà xã Tân Lễ nay có tới 10 thôn được công nhận làng nghề dệt chiếu. Nổi tiếng chợ Hới còn có chiếu lễ và chiếu cưới. Nhưng khéo tay nhất vẫn là những cô gái làng Hới. Nhìn sợi chiếu Gon mịn nhỏ và trắng là biết ngay. Làng còn là nơi sinh ra những câu ca dao quen thuộc như: "Màn hoa lại trải chiếu hoa/ Bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son" hay câu "Chọn chiếu xem biên/người hiền xem mặt". Mà người hiền và đẹp ở đây chỉ có con gái làng Hới. Câu chuyện về người đẹp làng Hới bán chiếu Gon ở Hà Thành ngày nào vẫn ghi dấu ấn nơi đây.

Làng Hới còn có đền thờ nổi tiếng bà Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Ngày xưa làng Hới cổ còn có tên là Hải Hồ. Nguyễn Thị Lộ có tên chính danh là Nguyễn Thị Gấm sinh năm 1400 tại đây. Nguyễn Thị Gấm đẹp nức tiếng một vùng và được cha là nhà nho dậy dỗ cẩn thận. Sinh thời Nguyễn Thị Gấm thông thạo chữ nghĩa và thư pháp. Nhưng thật trớ trêu người cha đột ngột qua đời. Cô Gấm phải cùng mẹ tần tảo buôn bán lần hồi kiếm ăn nuôi đàn em nhỏ. Sau đó cô Gấm còn theo chúng bạn đi các nơi bán chiếu. Cô là người thông thạo đường đi lối lại và ăn nói lại hoạt bát. Ai nấy đều nhờ cô dẫn đường. Thời này giặc Minh và thương tặc hay quấy nhiễu mọi người trong làng đều phải đổi tên mỗi khi giang hồ buôn bán. Cô Gấm là người dẫn đường lên đổi tên là Lộ. Từ đó ai cũng chỉ gọi cô là Nguyễn Thị Lộ.

Ngày nay làng Hới luôn nhộn nhịp bến sông và xe cộ ra vào tấp nập giao nhận hàng quanh năm. Hệ thống máy dệt chiếu được trang bị khắp làng. Dân xã Tân Lễ có hơn 80% người làm chiếu. Vụ chiếu xuân nào làng Hới cũng như vào hội. Hàng triệu chiếc chiếu hoa được đưa về mọi vùng quê. Đó là những cánh thư xuân chúc phúc cho các lứa đôi hạnh phúc. Chiếu Gon nay đã thành dĩ vãng nhưng là hình ảnh của nó không thể phai mờ. Ông tổ nghề đã ban lộc cho làng.

Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vẫn dẫn đường cho mọi người như ngày nào. Hồn bà vẫn quanh quất đâu đây bởi thân phận bà chưa được giải oan. Cho dù Nguyễn Trãi đã được vua Lê Thánh Tông gỡ tội 22 năm sau đó. Lịch sử đã dừng lại. Nhưng dân làng đã giải thoát nỗi oan khuất này khi tôn bà là Đức thánh mẫu. Họ đã viết: "Ngày đi mấy là chiếu gon/ Đường về một gánh nước non bời bời". Chiếu hoa làng Hới vẫn hồ hởi lên đường một độ xuân về. Con sông Luộc vẫn ngạt ngào hương lúa giong những thuyền chiếu về bến Thăng Long xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về làng Hới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO