Về Liệp Tuyết nghe hát Dô

Nguyễn Trọng Văn 15/01/2018 16:41

Nhờ ánh sáng hắt từ hàng đèn chiếu sáng dọc đại lộ, con đê sông Tích, đường dẫn vào xã Liệp Tuyết, hiện ra sang sáng đầy hư ảo. Mưa tháng giêng phây phây. Gió xuân lành lạnh. Từ phía trong làng vẳng tới âm thanh lễ hội. Tôi hít một hơi dài, khí sông hồn núi lọt sâu huyết quản. Đem nguyên cảm giác thiện tình mà cứ thế lòng tôi bước vào câu hát.

Về Liệp Tuyết nghe hát Dô

“Bạn nàng ta hời bạn nàng ta/ hái hoa cho khéo/ hoa nào mà héo thì lấy bỏ đi chớ lấy làm chi/ ớ hơ là hoa tàn/ Bạn nàng ta hời bạn nàng ta/ Hái hoa cho khéo/ Hoa nào mà héo thì lấy bỏ đi/ chớ lấy làm chi/ ớ hơ là hoa tàn….”

Đón tôi ngay cổng đền Khánh Xuân, nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Lan, người đàn bà “u bảy mươi” nhưng giọng hát nghe còn mặn nước, thay vì câu chào bà Lan đã mời tôi vào luôn bên trong. Thì ra đêm nay là đêm rằm tháng Giêng, theo lệ của làng thì sau đêm nay hội làng sẽ “đóng đám”. Đóng đám cũng có nghĩa là lễ hội đền Khánh Xuân kéo dài từ mùng mười đến rằm tháng giêng sẽ kết thúc. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Lan nói thêm như để củng cố cho sự háo hức của tôi: “Nếu tính từ năm 1926, năm diễn ra lễ hội hát Dô cuối cùng dưới thời phong kiến, thì cũng phải tới sáu mươi tư năm sau, tức là mãi tới năm 1990 lễ hội hát Dô Liệp Tuyết mới được khôi phục lại”.

Sân đình thật rộn rã, tiếng cười tiếng nói chen cùng tiếng hát tiếng trống rộn ràng. Không gian bừng lên rạo rực xua tan cái lạnh tháng Giêng. Chính giữa sân, từng cô thôn nữ tóc vấn bỏ đuôi gà, diện áo năm thân đóng mớ ba, chân đi guốc cong, tay cầm quạt hoa, ngón tay đeo nhẫn chỉ, các cô được sắp thành hai hàng múa hát giao nhau. Còn tráng đinh, thường chỉ có một hoặc hai người và ít tham gia màn hát, tráng đinh ăn mặc giản dị hơn, đầu chít khăn đỏ, hai tay cầm hai thanh tre gõ gõ vào nhau làm nhịp. Câu hát lại vang lên giục giã. Tôi lắng mình để hồn làm cuộc “du hành” vào chốn bồng lai. Chốn xưa gợi nhớ.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Lan chao qua đảo lại. Vai trò của người chủ nhiệm câu lạc bộ hát Dô của xã lúc này thực sự bận rộn. Đám đang vào hồi cao trào nên bà không có thời gian dành cho những câu hỏi của tôi. Lại nhớ có lần, theo lời rủ rê của nhà thơ Nguyễn Địch Long, một người say mê nhiếp ảnh như mê vợ, tôi về Liệp Tuyết. Nét xuân còn như vương vấn khắp làng, những căn nhà tường đá ong óng đỏ như chào như kéo. Những cô thôn nữ đôi mắt lung liếng, gò má đỏ hây, thẹn thùng trước khách lạ nhưng mạnh bạo làm duyên với ống kính máy ảnh. Nhà thơ Nguyễn Địch Long nói thầm, xã cách Hà Nội hơn hai mươi cây số nhưng nhờ có đường cao tốc nên đi lại cũng thuận. Nơi đây vốn là vùng đất chiêm trũng nên đời sống còn khó khăn. Tôi cười, được câu hát và nhất là được mấy cô thôn nữ kéo lại.

Chuyện xưa kể: Đức Thánh Tản đến Lạp Hạ (nay là Liệp Tuyết), Ngài bầy cho họ cách gieo trồng lúa nước trên những mảnh ruộng vừa khô. Ngài còn truyền cho dân làng cách trồng dâu nuôi tằm làm ra mảnh vải. Rồi Đức Thánh Tản lại ra đi, Ngài nói là đi đến với những vùng quê khác để truyền nghề cấy cày, mặc cho bao ánh mắt cùng trò tinh nghịch của đám thôn nữ như còn níu kéo. Trước lúc đi Ngài đã hẹn vào ngày lúa chín sẽ quay trở lại. Nghe theo lời dặn của Ngài, dân Lạp Hạ từ đó chăm chỉ cấy cày. Hết mùa lúa chín rồi đến mùa làm màu. Mùa qua mùa, dân vùng Lạp Hạ thoát khỏi cảnh bập bõm giữa đồng mò cua nuôi thân mà vẫn chưa thấy Ngài trở lại. Càng mong càng xa. Đám thôn nữ này lớn lên, đám kia kế tiếp.

Màn hát sân đình đang hồi phấn khích, những “bạn nàng mẹ” tuổi từ mười bốn đến mười bảy cùng “bạn nàng con” tuổi mười hai mười ba đang hướng theo sự lĩnh xướng của “cái hát”. Đội hình di động lên xuống đơn giản “Hỡi bạn nàng ta. Nào mở quạt ra. Múa cho mềm mại….”. Chầu hát ru rê với những tiết tấu mạnh mẽ diễn tả cảnh sinh hoạt nông tang hay kéo thuyền bủa lưới. Những tiếng hô “huầy dô dô huầy” được nhấn nhá. Tôi mụ mê cả người, đứng thần người nghe những người già ngồi hát. Những cô thôn nữ ngày nào giờ mắt chân chim nhưng có quên gì thì quên chứ chẳng quên câu hát cổ: “Rủ là rủ nhau/ Rủ là rủ nhau/ồ rằng là lên núi/ Ồ rằng là lên núi/Lên núi mà hái chè/ Hái dăm là dăm ba mớ/ Xuống khe, xuống khe ta ngồi, ta ngồi/ Ngồi rồi ta hát mà mồ hôi/ xuống sông là sông tăm mát/nghỉ ngơi, nghỉ ngơi ta về/ Ta ra về/ Ngồi rồi lấy chỉ ra xe/ Xe mà ra xe/Lấy kim là kim ra ngõ ngồi hè mà vá may mà vá may…”

Chuyện còn kể tiếp: Mong mãi rồi cũng thấy ân nhân. Đúng ba mươi sáu năm sau Đức Thánh Tản mới quay trở lại Lạp Hạ. Ngài thấy làng xóm đã khấm khá vậy nên Ngài bèn cho tụ hợp gái trai lại để Ngài dạy múa dạy hát. Ngài nói là để mừng được mùa, mừng dân no ấm. Tương truyền rằng: Hội hát Dô ra đời từ đấy. Và cũng từ đó mà thành lệ. Phải đúng ba mươi sáu năm mới có một lần làng mở hội trở lại. Hội mở rồi hội rã nhưng kèm theo lời nguyền độc. Lời nguyền ấy cho rằng: “Sau hội tan những bài hát hay bản lời hát đã sao chép phải hóa giải, ai mà hát thì sẽ bị câm hay ốm đau”. Tôi ớ người chợt nhớ lần trước khi cùng nghệ nhân dân gian trò chuyện về câu hát Dô. Lần đó bà Lan đã nói bóng gió là làng có “lời nguyền”.

Có lẽ vì chuyện Đức Thánh Tản phải những ba mươi sáu năm mới quay lại hay vì chuyện nào khác mà thời gian giữa hai lần mở hội cách nhau quá xa. Quá xa đã khiến câu hát Dô khó gìn giữ. Khó thể kể hết “nỗi cực” của nghệ nhận dân gian Nguyễn Thị Lan, bà đã mạnh dạn “bước qua lời nguyền” để cất công lục tìm trong trí nhớ của những người nông dân, cất công sưu tầm trong sách còn ghi chép lại, rồi bà lại ngồi thức hàng đêm cất công ghi chép lại, cất công tự luyện hát và dầy công dạy hát cho những ai hiểu chuyện mà vui thuận nghe theo. Mới hay thời gian có thể lãng quên nhưng những gì là căn cốt thì chẳng phôi pha. Tôi đã thấy những bức ảnh chụp Giáo sư Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đang trao đổi với nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Lan trong những lần ông về Liệp Tuyết điền dã. Tôi đã thấy nhiều “giấy khen” của Hội dành cho người nghệ nhân tận tụy mà không có hưởng công này. Bù lại danh hiệu “Nghệ nhân dân gian ưu tú” mà bà Lan được công nhận là một sự ghi nhận xứng đáng. Điều đó đã khích lệ bà đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát Dô của xã. Một câu lạc bộ “tự thân vận động” nhưng mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Điệu hát Dô không mất đi mà đã và đang được truyền dậy và lưu giữ.

Chuyện xưa cũng kể: Tên gọi hát Dô xuất phát bởi trong lần về dậy dân làng múa hát Đức Thánh Tản khi đi trên con thuyền thúng đan bằng cật tre có trát nhựa củ nâu rừng đã nghe thấy các cô thôn nữ vừa chèo vừa “dô….dô ….huầy”. Ngài thích lắm và cho gọi điệu hát của mình truyền dậy dân làng là điệu “hát Dô”. Đây là làn điệu hát lễ hội nên chỉ hát trong dịp làng mở hội. Bà Lan đã tâm sự: Lời nguyền xưa thực chất không độc địa như nó được biết mà sâu xa hơn vì đó là một “thử thách lòng tôn kính, sự tri ân của dân làng đối với Đức Thánh Tản, người được coi là “thần lúa nước” trong tâm linh người Việt.

Cũng từ đó mà dân làng biết bảo ban nhau không phụ công người dậy dỗ. Trải tháng năm cấy cày gieo vãi, vùng đất dường như ngập lụt quanh năm dưới chân núi Tản trù phú hẳn lên. Tôi hỏi: “So sánh thì hơi khập khễnh nhưng hát Dô với hát Xoan Phú Thọ và các làn điệu dân ca ở các vùng miền khác có gì giống và khác nhau?”. Bà Lan nghĩ chút chút rồi nói “Giống với các làn điệu dân ca khác là cùng được thể hiện trong các lễ hội nhưng điệu hát Dô là điệu hát lễ hội nhằm tôn sùng thần linh và nó đã được “thiêng hóa” nên ít nhiều có tính hiểm, nhất là ở lời nguyền”.

Điệu hát Dô thường được diễn ra tại đền Khánh Xuân mỗi khi làng vào hội, giờ đây người Liệp Tuyết dã mở hội thường xuyên hàng năm thay vì phải chờ những ba mươi sáu năm như nếp cũ. Nhờ đó câu hát đã được duy trì, truyền dạy và đươc hát lên nhiều hơn thường xuyên hơn. Lớp người đến nghe hát và đến hát cũng đông đảo hơn. Người Liệp Tuyết đã có thể tự hào về lối hát của mình. Và đền Khánh Xuân đã trở thành một địa chỉ văn hóa tâm linh. Theo tương truyền thì địa điểm này xưa kia là nơi có hòn đất đá ong lớn nổi lên như một hòn đảo giữa một vùng nước ngập mênh mông. Sự linh của hòn đảo đất sau này được dân làng chọn làm nơi xây đền thờ để ghi nhớ công ơn của Tản Viên. Cũng theo tương truyền thì đền Khánh Xuân còn được gọi là đền “Xuân cung ca” bởi nơi này chính là nơi Ngài dạy dân múa hát. Dân làng hiện gọi là đền “Khánh Xuân” cũng còn bởi lẽ lễ hội được mở vào dịp đầu xuân, trong lễ hội câu hát Dô vang lên cùng những tiếng “dô huầy dô” được cả người dân cùng đồng thanh xướng lên nghe vang vang – Tiếng mùa xuân no ấm sum vầy rền vang và vang mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về Liệp Tuyết nghe hát Dô