Miền Trung với tiềm năng và thế mạnh về địa lý, con người và sản phẩm du lịch. Để phát huy thế mạnh đó, liên kết phát triển du lịch đã được hình thành và 10 năm qua kể từ khi 3 địa phương Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ký biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch (2006), đã minh chứng cho sự thành công này.
Bình minh trên phá Tam Giang.
“Vùng đất của Di sản thế giới”
Trong chiến lược phát triển du lich (PTDL) Việt Nam giai đoạn 2001-2010, đã xác định khu vực miền Trung là vùng động lực của du lịch cả nước sau năm 2020.
Duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận gồm 9 tỉnh, có đường biển dài 1.430km, nhiều bãi biển đẹp như Tam Thanh, Biển Rạng, Mỹ Khê, Lăng Cô, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né,… và nhiều đảo, bán đảo, vịnh như Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vân Phong, Phú Quý,… cùng với đó là 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề và các giá trị văn hóa phi vật thể.
Song song với việc liên kết PTDL, Quảng Nam đã đề ra nhiều chủ trương, cơ chế ưu đãi. Như Nghị quyết 06-NQ/TU về đẩy mạnh PTDL Quảng Nam đến năm 2020.
Hay quyết định về Quy hoạch tổng thể PTDL đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và thông qua các đề án về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...
Mới đây tại Hội An, BQL dự án EU-ESRT đã bàn giao thương hiệu du lịch “The Essence of Vietnam” cùng trang web du lịch mới xây dựng tại địa chỉ http://theessenceofvietnam.com cho 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong suốt thời gian qua, dự án EU-ESRT đã triển khai nhiều hoạt động giúp mô hình liên kết PTDL của 3 địa phương nói trên đạt được kết quả tích cực.
Theo ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam thì để PTDL, Quảng Nam đã mạnh dạn tổ chức nhiều lễ hội có quy mô lớn như: Festival Di sản Quảng Nam, Hội An - Ðêm phố cổ, Đêm Mỹ Sơn - Huyền thoại, Tuần lễ giao lưu Văn hóa Việt - Nhật và đã khôi phục nhiều lễ hội văn hóa tiêu biểu của xứ Quảng như lễ rước cộ Bà Chợ Ðược, lễ hội cầu Ngư, lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Bà Chiêm Sơn,...
Cùng với đó là sự kết hợp mở các tua du lịch sinh thái, đồng quê, làng nghề,... nên đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế”.
Còn đối với Thừa Thiên-Huế ngoài cố đô Huế còn có gần 1.000 di tích lịch sử và là vùng đất có hơn 500 lễ hội với các kiến trúc kinh thành, lăng tẩm, di sản văn hóa (DSVH) vật thể, DSVH phi vật thể phong phú và đa dạng, như Nhã nhạc Việt Nam - Âm nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là DSVH thế giới.
Cầu Rồng vượt sông Hàn (Đà Nẵng).
Ðà Nẵng là thành phố có rất nhiều thế mạnh về PTDL. Với vị trí địa lý thuận lợi, như có sân bay, cảng biển, nhiều bãi biển đẹp, thơ mộng và quyến rũ, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Ngũ Hành Sơn…
Khu duyên hải miền Trung còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, sự đa dạng của hệ sinh thái, sự phong phú của nguồn tài nguyên biển. Là nơi hội tu những giá trị đặc sắc như nếp sống, trang phục, nghệ thuật ẩm thực, các làng nghề truyền thống,…
Đáng nói, vùng đất này còn nằm trong số 10 DSVH thế giới ở Việt Nam. Chỉ tính Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã là một điểm đến 3 DSVH thế giới. Đó là cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An. Rõ ràng vùng Duyên hải miền Trung có lợi thế để liên kết phát triển nhiều ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiệu quả từ liên kết
Để liên kết PTDL đạt hiệu quả cao, các địa phương đã chú trọng đến đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng cùng xúc tiến như “Festival Di sản Quảng Nam”; “Đà Nẵng biển gọi”, “Lăng Cô huyền thoại biển”; “Ba địa phương - một điểm đến”,…
Hải Vân Quan.
Các chương trình tham gia hội chợ, roadshow, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới từ châu Âu, Đông Bắc Á đến Đông Nam Á…
Chính nhờ liên kết PTDL đã giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách cho địa phương, đưa tỷ trọng ngành dịch vụ tăng cao trong cơ cấu kinh tế của từng địa phương.
Kết quả này đã được thể hiện bằng những con số cụ thể, như trong 6 tháng đầu năm 2016 tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4.706.324 lượt khách, khách nội địa đạt 32,4 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 200.339 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó có sự góp phần không nhỏ của liên kết PTDL. Như đến hết năm 2015, tổng lượt khách tham quan, lưu trú ở Quảng Nam ước đạt 3,85 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt 2.570 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 6.039 tỷ đồng; Đà Nẵng đạt 4,6 triệu lượt khách, tổng thu du lịch trong năm 12.768 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế, tổng lượng khách đạt 3.126.495 lượt, doanh thu du lịch ước đạt trên 2.985 tỷ đồng.
Ông Đinh Hài cho biết: Năm 2016, Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch phối hợp hướng đến nhiều vấn đề cụ thể toàn diện hơn, chú trọng đến liên kết đào tạo nhân lực, xây dựng chính sách, xây dựng sản phẩm,…
Việc liên kết PTDL quảng bá xúc tiến du lịch không chỉ trong mà còn ngoài nước và sẽ tập trung vào xây dựng bộ nhận diện chung cho du lịch 3 địa phương như logo, slogan, ấn phẩm, vật phẩm, tập gấp chương trình...
Tập trung chính sách quản lý và PTDL như: Liên kết xây dựng bộ thông tin chung về du lịch vùng; phát triển sản phẩm du lịch. Liên kết về phát triển nhân lực du lịch.
Khuyến khích Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp sáng tạo các chương trình du lịch theo 3 chủ đề: Con đường di sản, Con đường sinh thái, Trung tâm Du lịch duyên hải miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững…
Tại các hội thảo về PTDL, nhiều chuyên gia đã nhận định, mỗi vùng đất có thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Vì vậy, cần liên kết các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc.
Hơn nữa trong điều kiện hội nhập, đặc biệt sau sự kiện Việt Nam tham gia TPP và AEC, muốn PTDL và đạt hiệu quả cao thì phải liên kết PTDL, có như vậy mới đưa ngành du lịch trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương cũng như giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người dân ở từng địa phương.