Về một người con của họ Phùng

Phùng Văn Lực 25/11/2021 16:29

Đại tướng Phùng Quang Thanh là người con Phùng tộc ở Thanh Đà - Mê Linh - Vĩnh Phúc.

Đại tướng Phùng Quang Thanh quan sát thực địa tại Đài quan sát Tràng Vĩ (Đồn Biên phòng Trà Cổ, Quảng Ninh tháng 4/2014).

Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội. Nơi đây có truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh, có một đất hai vua lừng danh sử Việt là Phùng Hưng - Ngô Quyền và cũng chính nơi đây là nơi yên nghỉ của cụ Phùng Tá Chu - Thái Phó hai triều Lý - Trần tại Đền Cao, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội.

Vào ngày mùng 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019 - ngày giỗ đức vua Phùng Hưng, vào chiều tối mùng 7, Trung tướng Phùng Khắc Đăng điện cho tôi và nói: “Ngày mai có Đại tướng Phùng Quang Thanh và phu nhân Nguyễn Thị Bích Lộc lên Đền cụ Phùng Hưng thắp hương. Chú trong Ban Tổ chức Lễ hội chuẩn bị nhé”. Sau khi nhận được tin, tôi cùng mọi người trong Ban Tổ chức Lễ hội rất phấn khởi.

Vào hồi 8h30, Ban Tổ chức báo anh Thanh đến rồi, tôi nhanh chóng ra đón anh. Tôi ấn tượng cái bắt tay ấm áp và nụ cười phúc hậu của anh. Dáng anh cao lớn, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng vẫn giữ vẻ hiền từ. Anh khiêm tốn cúi người chào hỏi các cụ, bắt tay thăm hỏi mọi người trong dòng họ cũng như chính quyền và nhân dân tham dự buổi Lễ, Ban Tổ chức rồi vào thắp hương cụ Phùng Hưng.

Sau khi thăm khuôn viên thờ phụng, anh động viên Ban Tổ chức trông nom, gìn giữ, tôn tạo cho trang nghiêm, xứng đáng với danh xưng Phùng Hưng - vị vua, vị Anh hùng dân tộc. Anh động viên bà con trong dòng họ gìn giữ tinh thần đoàn kết để xây dựng dòng tộc cũng như xây dựng tinh thần kết nối tại địa phương. Tôi tiếp tục đưa Đại tướng và phu nhân lên khu vực Đền Cao (Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) - nơi an nghỉ của cụ Phùng Tá Chu - Thái phó hai triều Lý - Trần, vị công thần được vua Trần Thánh Tông phong “Hưng Nhân Đại Vương” duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Chức danh này được phong khi cụ còn sống, là niềm vinh hạnh cho các con cháu dòng họ Phùng trên mọi miền Tổ quốc.

Khi lên Lăng thờ cụ Phùng Tá Chu, tôi cảm nhận được ánh mắt trầm sắc và nghiêm nghị của anh. Anh nhìn một lượt, hết lòng khen ngợi vị thế này, thế đất rất phong thủy. Bước lên Đền thờ cụ, làm lễ xong, anh bước ra sân bắt tay từng cụ già, ân cần hỏi thăm, động viên mọi người và tỏ lòng: “Nơi đây thờ phụng cụ Phùng Tá Chu vừa uy nghiêm nhưng vẫn mộc mạc, giữ gìn bản sắc dân tộc, Ban Xây dựng cố gắng tôn tạo Lăng mộ cho xứng tầm với công trạng của cụ, mà các vị vua các triều đại đã phong tặng”.

Trên đường về, được cùng anh trò chuyện đôi điều, anh hỏi: “Vùng này dân có đông không? Đời sống có ổn định, khá giả hay không? Người họ Phùng có đông và có đoàn kết không? Tôi đáp lời từng câu hỏi. Tuy chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ gần gũi, nhưng tôi cảm nhận rõ ràng về anh - vị tướng giản dị, mộc mạc giữa đời thường.

Đại tướng Phùng Quang Thanh là người con Phùng tộc ở Thanh Đà - Mê Linh - Vĩnh Phúc. Tuổi thơ cơ cực đã sớm cho anh nhận thức sâu sắc từ những buổi ban đầu, đó là phải có niềm tin, tri thức và rèn luyện không ngừng để tiến về phía trước. Mồ côi cha năm 2 tuổi. Khi ấy, cả nước còn đang phải dồn sức cho Điện Biên. Người cha Phùng Quang Sức đã hy sinh vì Tổ quốc để lại người con 2 tuổi. Trong vòng tay những người ruột thịt, bà con xóm giềng, Phùng tộc Thạch Đà, cậu bé Phùng Quang Thanh đã lớn lên. Tháng 7 năm 1976, khi vừa tròn 18 tuổi, Phùng Quang Thanh đã hai lần viết tâm thư tình nguyện xin nhập ngũ. Trước mộ người cha liệt sĩ, Phùng Quang Thanh đã hứa rằng: “Con sẽ phấn đấu xứng đáng với bố và các đồng chí của bố”.

Vào chiến trường Quảng Trị, tháng 11 năm 1967, Phùng Quang Thanh đã có mặt trong đội hình chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A. Làm chiến sĩ trinh sát trực tiếp ở chiến trường Quảng Trị thời điểm ấy chính là đối mặt với sự hy sinh, sẵn sàng hy sinh.

Phùng Quang Thanh trong thời khắc đó, thời gian đó đã đảm đương các cương vị Tiểu đội trưởng, Trung đội phó, Trung đội trưởng chỉ huy mũi nhọn bộ binh đánh hàng chục trận ác liệt.

Trong cuộc đời mình, ở mọi chức vị dù nhỏ nhất và đặc biệt là khi đảm đương cương vị quan trọng Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong 10 năm (2006-2016), ông đã có những cống hiến to lớn, thể hiện trên nhiều lĩnh vực của quân đội ta với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hôm nay, khi tôi viết những trang này, tiếc thay, anh đã không còn nữa…

Dù biết trước tình bình sức khỏe của anh nhưng lòng tôi không khỏi hụt hẫng. Luôn nhớ về anh Phùng Quang Thanh, người con họ Phùng khiêm tốn, giản dị, giàu tình yêu thương trong dòng họ. n

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về một người con của họ Phùng