Khán giả đang hồi hộp chờ những tập cuối cùng của bộ phim “Về nhà đi con” lên sóng. Không nghi ngờ gì nữa nó đã trở thành “bộ phim quốc dân” của truyền hình Việt.
Các diễn viên trong phim “Về nhà đi con”.
Điều gì đã khiến “Về nhà đi con” trở thành một cơn sốt chưa từng có đối với một bộ phim truyền hình Việt Nam? Người ta có thể lý giải bằng nhiều yếu tố nhưng trước hết phải nói rằng đề tài gia đình chân thật và gần gũi đã níu khán giả trước màn hình chỉ để chờ 25 phút cho mỗi tập phim.
“Về nhà đi con” được lấy cảm hứng từ phim “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” từng gây chú ý trên sóng VTV6 cách đây vài năm của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Tuy nhiên, kịch bản phim có nhiều điểm mới. Đặc biệt, để câu chuyện không nhàm chán, đạo diễn Danh Dũng cho biết êkíp đã dồn sức sáng tạo từ kịch bản, cách thể hiện của diễn viên cho đến từng cảnh phim. Do đó, phim chỉ giữ lại ý tưởng về người đàn ông góa nuôi ba con gái rồi khai thác, xử lý câu chuyện theo hướng khác.
Nội dung phim kể về câu chuyện “gà trống nuôi con” của một người đàn ông lặng lẽ, ít nói tên Sơn (NSƯT Trung Anh). Không chỉ vất vả chăm 3 cô con gái Huệ (Thu Quỳnh), Thư (Bảo Thanh) và Dương (Bảo Hân) từ bé; ông Sơn còn phải chật vật giúp đỡ các con khi họ gặp những rắc rối lúc trưởng thành…
Xưa nay những bộ phim truyền hình nước ngoài từng gây sốt trên sóng truyền hình Việt Nam cũng đều là phim chủ đề gia đình. Điều mà lần này “Về nhà đi con” làm được là nhờ ở sự chân thực, nó không còn là những cảnh, những thoại giả giả nhạt nhẽo như các bộ phim truyền hình trước đây nữa. Cũng không có các yếu tố giật gân câu khách, “Về nhà đi con” dung dị mà gần gũi, đời thường, người ta có thể nhìn thấy ở đâu đó trong chính gia đình mình. Phim được cập nhật nhiều chi tiết phù hợp với lối sống, kiểu cách của thời đại ngày nay. Trên fanpage chính thức của phim, nhiều khán giả thừa nhận tập nào lên sóng họ cũng khóc và cho biết nhờ “Về nhà đi con” mà họ quay trở lại xem phim Việt Nam.
Tất nhiên, yếu tố diễn xuất của dàn diễn viên cũng là đáng kể. Như NSƯT Trung Anh, (vai ông bố), NSND Hoàng Dũng (vai bố của Vũ) cũng là diễn viên từng đóng trong “Người phán xử” hoặc các diễn viên trẻ như Thu Quỳnh (vai Huệ), Bảo Thanh (vai Thư), Quốc Trường (vai Vũ)...
Tuy nhiên, thực sự đây cũng không phải là dàn diễn viên quá đặc biệt hoặc diễn xuất cũng không quá xuất thần so với nhiều phim truyền hình khác. Cái đặc biệt thú vị ở đây có lẽ là sự kết hợp của nhiều yếu tố và những vai diễn của họ mang lại sự chân thực của cảm xúc. Với mỗi tập phim chỉ được giới hạn trong thời lượng 25 phút, việc các diễn viên găm được vào trí nhớ khán giả tên của từng nhân vật, khóc cười theo họ quả là một thành công rất đáng ghi nhận. Từng câu thoại trong phim đã được người xem nhớ và được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Ông Sơn, người bố già tuy có phần nghiêm khắc nhưng luôn yêu thương và chăm sóc các cô con gái với tình yêu thương tận tụy, đầy trách nhiệm. Lời thoại của ông có phần răn dạy, triết lý nhưng rất thực tế đúng với phẩm chất của một người bố luôn quan tâm, chăm lo cho con cái.
“Giờ bố chẳng còn gì ngoài sự già nua và lẩm cẩm. Nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà mà bất kỳ lúc nào các con cũng có thể trở về” – câu nói của ông Sơn làm tan chảy trái tim mọi người trên đời. Nhiều người nói rằng họ chảy nước mắt khi xem, bởi cho dù chúng ta có lớn lên và trở thành người như thế nào đi chăng nữa, có phạm phải lỗi lầm lớn đến thế nào thì ngôi nhà và cha mẹ vẫn luôn luôn ở đó, đợi ta trở về.
Hay là câu nói: “Tha thứ cho một kẻ không ra gì là tột đỉnh của sự ngu dốt” của nhân vật Ánh Dương đã trở thành một câu nói thú vị đối với các bạn trẻ. Nhân vật cô em út thực sự là điểm hút fan của phim bởi mỗi cử chỉ, hành động và lời thoại ngẫu hứng của Dương đều trở thành hot trend trên mạng xã hội sau mỗi tập phim. Cho nên cũng phải công nhận rằng, độ hot của “Về nhà đi con” còn có sự tiếp sức của mạng xã hội. Những câu thoại trở thành trend trên facebook đã lôi kéo nhiều khán giả hơn cho bộ phim. Phải ghi nhận rằng nhóm biên kịch đã rất thành công trong việc tạo ra các câu thoại ấn tượng cho nhân vật và tốc độ lan truyền trên mạng xã hội của nó đã tạo ra sức hút vô đối cho bộ phim. 25 phút cho mỗi lần phát sóng vừa gây ức chế lại vừa khiến người xem háo hức mong chờ từng tập phim.
Thành công của “Về nhà đi con” gợi mở ra một thời kỳ mới cho phim truyền hình Việt Nam. Với gu giải trí của khán giả hiện nay ảnh hưởng tương đối của văn hóa mạng xã hội, thì việc biết dùng nó để tạo ra sản phẩm phù hợp với xu hướng thưởng thức đó là một hướng đi tốt. Xét ở yếu tố ăn khách thì đó là một thành công lớn. Tuy nhiên, chất lượng nghệ thuật của những bộ phim truyền hình như thế lại là câu chuyện khác.