Biết bao cán bộ công tác Mặt trận ở thôn bản xa xôi nhiều năm thầm lặng “vác tù và” mà không đòi hỏi quyền lợi gì cho cá nhân và gia đình, thậm chí còn chịu nhiều thiệt thòi. Ghi chép về anh Trần Xuân Anh, 42 tuổi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tân Long, xã Tây Cốc, Đoan Hùng, Phú Thọ sẽ cho chúng ta thấy được điều ấy.
1. Chị Chung lấy cái mũ cối ra đưa cho chồng. Lần nào cũng vậy, anh Trần Xuân Anh chồng chị, rong cái xe máy cà tàng bết đất ra khỏi nhà rất vội, hẳn trong thôn lại có chuyện gì. Một lúc sau điện thoại gọi về, anh nói là không về cơm trưa vì phải ở lại trong xóm dẹp một vụ vợ chồng trẻ nhà nọ cãi nhau ầm ĩ đòi ly hôn. Ở thôn Tân Long này việc gì mà anh ấy chả xắn tay góp mặt. Là Bí thư Chi bộ không chỉ kiêm phụ trách công tác Mặt trận, anh Xuân Anh kiêm tất cả các “vai cứng, vai mềm” cho xóm núi. Nhà này có đám, nhà kia khai móng, cấp cứu người đột quỵ..., cứ “ới” anh Xuân Anh bất kể nửa đêm, mờ sáng.
Trong số chục thôn ở xã miền núi Tây Cốc (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) thì Tân Long là thôn từng gặp nhiều khó khăn nhất. Đồi cứng, ruộng lầy, nuôi trồng gì cũng khó, mưa xuống thì cả thôn bị cô lập, cái nghèo của 153 hộ người Cao Lan (hơn 60% dân số thôn) đeo đẳng mãi. Nhưng giờ đã đổi khác hoàn toàn. Xe ô tô đã có thể lướt êm trên những con đường bê tông. Tân Long là điểm sáng toàn xã trong việc đi đầu phong trào “bê tông hóa” đến từng ngõ ngách xóm đồi. Đây chính là địa bàn tiếp sức lớn nhất để Tây Cốc sớm đạt chuẩn Nông thôn mới vào đầu năm ngoái. “Nhờ có những người như Xuân Anh đấy”, ông Chủ tịch xã nói với tôi.
2. Trần Xuân Anh chỉ học hết lớp 9. Chàng trai người dân tộc Cao Lan lớn lên trong gia đình có 9 anh chị em, chỉ mơ ước về những con đường bê tông không có bùn lầy ở xóm nghèo toàn người dân tộc thiểu số. Nhà nào cũng đói. Mùa mưa thì Tân Long biệt lập chỉ còn lo miếng ăn sinh tồn. Trẻ em muốn cõng cái chữ về bản mà nó cứ trôi lềnh phềnh như con nước quanh làng.
Trước khi cưới vợ, bắt đầu từ con đường đất dẫn về nhà, anh Xuân Anh đến động viên tất cả các hộ góp cát sỏi, hiến đất làm đường bê tông. Rồi sang ngõ bên cạnh bảo dân làng làm tiếp. Cứ thế, những con đường cứng cáp dần lan ra khắp xóm khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng. Vào Đảng và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, anh Xuân Anh đau đáu nghĩ cần phải làm con đường bê tông dài hơn chục cây số nối sang hàng chục thôn của 4 xã. Vốn là con đường đất duy nhất dân nhiều thôn đi qua lúc tránh ngập, năm 2014 huyện đã có dự án thi công nhưng nó quá hẹp và thiếu nguồn lực nên đình lại. Hăng hái cùng “tổ công tác” đến vận động từng nhà, chỉ gần 2 km đoạn chạy qua thôn với hơn 40 hộ dân ven đường, và nhận được nhiều sự ủng hộ khi họ hiểu cái lợi. Hộ ít thì hiến vài mét vuông, hộ nhiều thì mấy chục mét, có nhà hiến cả ngàn mét vuông đất chè.
Anh Trần Xuân Anh đã vận động người dân hiến nhiều ngàn mét đất làm đường và công trình chung với trị giá gần 400 triệu đồng; huy động người dân góp 250 ngày công; tuyên truyền lối sống văn hóa, thuyết phục người dân từ bỏ hẳn nhiều hủ tục; vận động dân ủng hộ Quỹ vì người nghèo và làm đường chiếu sáng thôn bản hàng chục triệu đồng; vận động quyên góp quỹ chăm sóc Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Khu dân cư, Hội nông dân... với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Nhưng đoạn nhà ông H. (anh Xuân Anh xin được giấu tên) có tường rào dài dăm chục mét đã xây kiên cố, lại có cái cổng dựng rất bề thế, ông lắc đầu từ chối.
“Chúng mày là cán bộ, chỉ biết được việc của chúng mày. Hiến đất thì nhà tao lợi lộc gì. Tao không đồng ý đâu. Đường cũ kia đi thế là được rồi”, ông H. thẳng thừng nói với anh Xuân Anh.
Bên đối diện là 3 hộ khác, thấy đường ăn sâu vào đất vườn nhà nên cũng lần chần. Có lúc cứ thấy anh đến là họ đã né mặt.
Kiên trì ngày đến gặp, tối đến chơi, rồi Xuân Anh khéo léo nhờ người trong dòng họ tác động thêm, cuối cùng ba gia đình đồng ý nhưng với điều kiện nhà ông H. bên kia đường cũng phải đồng ý. Cái cổng nhà ông H. nhiều lúc đóng lại như muốn bỏ mặc chuyện hiến đất làm đường. Nhưng cán bộ Mặt trận Trần Xuân Anh không nản. Ngày đến gõ cổng nhà ông mấy lần. Lúc thì điện thoại nói chuyện chợ, chuyện xóm, và anh trở thành người duy nhất của “tổ công tác” có thể vào nhà ông H. Giải thích về cái lợi của con đường chạy qua, kể chuyện xóm nghèo trước nay khốn khổ mùa lũ, rằng nhà nọ có tang mà người thân phải đi xin cả chục bao tro trấu về rải ngõ khỏi trơn lội khi vác cỗ quan ra đồi, rằng trẻ nhỏ thất học vì đi lại quá khó khăn, lẽ nào người Cao Lan ở Tân Long mãi thua thiệt thiên hạ...
Cứ tối đến anh Xuân Anh lại sang nhà ông H. Rồi một đêm lúc đã khuya lắm, khi anh đã vê hết sạch cả gói thuốc lào tâm sự, ông H. đồng ý hiến toàn bộ cổng, tường rào và cả trăm mét đất. Con đường bê tông được khởi công chỉ sau đó ít ngày với tổng thảy hơn 5.000 m2 đất được người làng hiến tự nguyện, không đòi hỏi bồi thường một đồng nào.
Ngẫm khi xưa làng Tân Long có việc thì thường đến nhà sàn của ông Dự, bố đẻ của anh Xuân Anh, họp bàn. Thôn nghèo nên cái nơi họp làng việc chung cũng không có. Trên huyện đã hỗ trợ nửa tiền mua đất, anh Xuân Anh lại xốc vác cái tù và hò người làng góp nốt. Nhà văn hóa xây khang trang rồi, giờ anh lại cùng dân góp tiền mua loa đài, bàn ghế. Thế là trẻ làng Tân Long có chỗ nô đùa múa hát đêm rằm, người lớn có nơi tụ họp việc thôn.
3. Ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Xuân Anh nép bên bờ ao góc làng. Trong ngoài sạch sẽ nhưng trống hoác không mấy đồ vật đáng giá. 14 Giấy khen “Bí thư Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Trưởng ban Công tác Mặt trận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của xã, huyện và cả trên tỉnh Phú Thọ tặng anh, tất cả treo ngay ngắn, trang trọng.
Là người vận động cả làng hiến bao đất làm đường, nhưng anh lại là người... không có đất ở. Hai vợ chồng vác số gỗ cũ của hai bên nội ngoại góp cho như “của ra ở riêng” đưa ra ven ao mà anh thuê lại của xã nuôi cá mà dựng lại cái nhà sàn. Anh cười nói rằng dựng nhà ở đây là “bất hợp pháp”. Trong nhà nội đông anh em quá, cũng chẳng có phần mà cho anh mét đất nào.
“Cả làm Bí thư chi bộ và công tác Mặt trận, tôi được phụ cấp 1,6 triệu đồng/tháng, nhiều khi còn chả đủ xăng xe máy, nhất là khi làng có việc. Tôi chưa từng có tiền đưa vợ tích cóp bao giờ”, anh Xuân Anh nói và cười. Đã nhiều lúc thực lòng anh cũng nản, giờ thu nhập gia đình trông cả vào ba sào ruộng và một vạt chè lúc có búp, khi không. Hai con đã lớn đóng góp ăn học ngày càng nhiều, vợ anh vẫn phải đi làm thuê ở mấy xưởng gỗ ngoài xã, mỗi lúc ra khỏi nhà đi làm “công tác Mặt trận”, anh thương vợ mà chưa biết làm sao.
“Đàn ông đi làm Mặt trận mà vợ không thông cảm, động viên thì khó lắm. Tôi từng muốn đi tìm kiếm việc thêm thu nhập, nhưng giờ dân cứ tín nhiệm, mình không bỏ được”, anh chia sẻ.
4. Bên gốc đa lớn, một tấm bia dựng trong khuôn viên trụ sở xã Tây Cốc ghi nhắc kỷ niệm lịch sử du kích xã gài mìn phục kích tiêu diệt 7 tên giặc Pháp năm 1946, và bắt sống giặc lái Mỹ Puplet năm 1967. Mảnh đất có sử anh hùng, có nhiều người trực tiếp góp sức ra trận trong chiến thắng sông Lô (1947), đánh tan hai cuộc hành quân Pô-môn (1949) và Lo-ren (1952), giờ đây đã chiến thắng đói nghèo với diện mạo tươi tắn của nông thôn mới.
Ông Chủ tịch xã nói với nhà báo đầy tự hào, con cháu Tây Cốc đi ra ngoài thấy vinh dự từ trang sử này. Bây giờ 10 tháng đầu năm xã đã gần hoàn tất kế hoạch, mục tiêu kinh tế xã hội, xã mạnh lên nhờ thôn mạnh lên, thôn mạnh vì đồng lòng đoàn kết, và đó là công sức của những cán bộ Mặt trận như anh Trần Xuân Anh.
Trong số 4 gương mặt đại diện do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ trình đề xuất tham dự Đại hội Thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam năm 2020, có ông Trần Xuân Anh. Ông là cán bộ Mặt trận được chấm điểm thi đua cao trong giai đoạn 2015-2019.