Thời điểm này vẫn còn tới 70.000 vé tàu Tết, còn thì các nhà xe tại Hà Nội đều cam kết không tăng giá vé. Với hàng không, vé máy bay dịp Tết Tân Sửu 2021 không lo thiếu với tất cả các chặng bay nội địa...Thế nhưng với nhiều người lao động, đường về quê đón Tết vẫn gian nan.
Đã sắp đến Tết Nguyên đán, nhưng ngay từ bây giờ, nhiều người lao động đã xác định không thể về quê ăn Tết cùng gia đình vì lương “hẻo”, thưởng không. Cũng có nhiều người phải xoay xở kiếm thêm lo cho gia đình do thu nhập giảm sút.
Số người ở lại thành phố tăng mạnh
Chị Nguyễn Thị Huệ, quê Thanh Hoá làm thuê cho một nhà hàng trên phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay: Mọi năm thường tôi về quê vào khoảng 25 tháng Chạp, nhưng năm nay có lẽ tôi sẽ ở lại vì chủ nhà hàng sẽ trả lương từ 350-500 ngàn đồng/ngày (từ 27 tháng Chạp đến mùng 6 Tết). Tôi không về cũng là vì con làm việc ở KCN ở quận Thủ Đức, TP HCM năm nay cũng ở lại trong đấy để tranh thủ làm thêm, bù đắp khoảng thời gian nghỉ do dịch. Nhà một mẹ, một con, nó không về nên tôi cũng ở lại Hà Nội.
Tương tự, vợ chồng anh Trần Văn Thịnh, quê Nam Định đều là nhân viện phục vụ trong một khách sạn lớn ở Hà Nội. Vợ chồng anh chị cũng là “nạn nhân” của Covid-19 khi khách sạn đóng cửa, sau đó khách sạn mở lại nhưng không có khách quốc tế tới Hà Nội nên anh chị bị mất việc làm. Chị vợ phải chuyển sang buôn bán nhỏ ở chợ cóc gần khu trọ phường Bồ Đề, quận Long Biên, còn anh Thịnh thì đăng ký chạy xe ôm công nghệ để nuôi 2 con nhỏ. Tết đang cận kề nhưng năm nay anh chị vẫn chưa có kề hoạch về quê.
Anh Thịnh tâm tư: Tết này không về được với cha mẹ già, vợ chồng tôi rất buồn, nhưng vì hoàn cảnh, dịch bệnh nên chúng tôi chỉ có thể vun vén cho gia đình nhỏ của mình một cái Tết tàm tạm ở Hà Nội với hy vọng năm sau kinh tế khá giả hơn mình sẽ bù đắp cho cha mẹ.
Cũng vì lý do dịch bệnh, hơn 193.000 công nhân tại TP HCM chọn ở lại thành phố mà không về quê ăn Tết. Họ là những người con của miền Bắc, miền Trung. Lý do lượng công nhân không về quê ăn Tết tăng, theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP HCM: Do ảnh hưởng dịch bệnh, họ bị dừng việc, hoãn việc nên đã về quê một thời gian trong năm. Mặt khác, năm 2020 thiên tai xảy ra nặng nề ở miền Trung, nhiều người dự định ở lại làm thêm dịp Tết kiếm thêm thu nhập. “Trung bình hàng năm có khoảng 50% công nhân ở lại ăn Tết. Nhưng năm nay số lượng có tăng cao hơn, do vậy các chương trình hỗ trợ của công đoàn dự kiến tăng gấp đôi để những người ở lại ăn Tết cảm thấy ấm lòng”, ông Tuấn chia sẻ.
Còn theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, ước tính sẽ có khoảng 250.000 công nhân, người lao động không về quê đón Tết Nguyên đán cùng gia đình. “Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập của công nhân, người lao động giảm sút. Chính vì vậy, số lượng công nhân, người lao động không thể về quê sum họp cùng gia đình, tăng gần gấp đôi năm ngoái”, bà Loan thông tin.
Vé tàu xe dư thừa, không lo thiếu chuyến bay
Với số công nhân, người lao động chọn ở lại nơi làm việc dịp Tết này khá đông, nên hiện đường sắt vẫn còn lượng vé lớn chưa bán hết. Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong 10 ngày cao điểm Tết, Tổng công ty phát hành 200.000 vé để phục vụ khách đi lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn có khoảng 70.000 vé chưa bán hết. Giá vé tàu Tết cũng được Tổng công ty chia làm nhiều phân khúc, trong đó cao nhất là hơn 2,6 triệu đồng/vé/ người; thấp nhất là 330 ngàn đồng/ người/ vé ghế ngồi cứng.
Tổng công ty Đường sắt cũng đưa ra nhiều chính sách giảm giá vé với hành khách đi tàu. Ngoài miễn phí hoàn toàn cho trẻ em dưới 6 tuổi, đơn vị cũng giảm 50% giá vé cho trẻ em từ 6-10 tuổi. Sinh viên và công nhân khu công nghiệp chế xuất cũng được giảm từ 5-10%. Ngoài ra, nếu hành khách mua vé khứ hồi cũng được giảm 10%. Ngoài 10 đôi từ chạy cao điểm Tết, trước Tết từ 18/12 đến 29/12 và sau Tết từ 2-12/2, Tổng công ty cũng bố trí thêm nhiều tàu khu đoạn như: Sài Gòn - Vinh/ Đồng Hới/Quy Nhơn/ Nha Trang/ Phan Thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Với vận tải hành khách ôtô, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, Hà Nội cho biết, Tết Nguyên đán năm nay được nghỉ dài nên việc phục vụ hành khách đi lại đối với bến xe sẽ “không đáng ngại”. Lượng khách đi lại sẽ được chia đều trong 10 ngày, đợt nghỉ ông Công ông Táo 23/12 âm lịch (5/2 dương lịch) đa số là sinh viên về quê, sau đó đến 25-26/12 lao động tự do về trước và 27-28/12 công nhân viên chức về. Việc về dàn trải sẽ không gây nên tình trạng quá tải, thiếu xe.
Với ngành hàng không, năm nay các hãng không khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế do dịch bệnh. Do vậy, lượng máy bay còn khá lớn để đưa vào khai thác nội địa và sẽ không lo thiếu hụt. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, các cảng hàng không sẽ triển khai các phương án, hướng dẫn khách đi lại thuận tiện nhất vào đợt cao điểm Tết.
Không có khẩu trang không được vào sân bay, nhà ga, bến tàu
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, các hãng bay đã thông báo tới hành khách tại quầy làm thủ tục check-in và phát thanh trên tàu bay về việc nếu vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị xử phạt theo quy định. Bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, tại nơi công cộng; quản lý tốt các cơ sở cách ly, người nhập cảnh cách ly, nhất là tại các cơ sở lưu trú có thu phí là biện pháp mới nhất mà Hà Nội triển khai để tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Còn tại các bến tàu, bến xe ở Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.