Ngày 26/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kiểm tra khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, Thủ tướng đặc biệt lưu ý, test nhanh và áp dụng công nghệ là chìa khóa để bảo đảm công tác cách ly có hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh, TP HCM cần chăm lo đời sống cho người trong khu cách ly, không để người dân vì bức bách, bức xúc mà tìm cách ra ngoài khu cách ly, gây nguy cơ lây chéo trong cộng đồng; đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19.
Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, cũng là vùng dịch đang có những diễn biến phức tạp nhất. Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên một số địa điểm cách ly, làm việc với cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine và các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thị sát khu cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM (thành phố Thủ Đức); làm việc với Công ty Nanogen tại khu công nghệ cao TP HCM - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine Nanocovax phòng Covid-19; thăm công ty Nissei Electric Việt Nam - doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất dây cáp điện… tại khu chế xuất Tân Thuận.
Quản lý chặt chẽ ngay trong khu cách ly
Kiểm tra khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM (thành phố Thủ Đức), Thủ tướng đặc biệt lưu ý, test nhanh và áp dụng công nghệ là chìa khóa để bảo đảm công tác cách ly có hiệu quả.
Hiện TP HCM đã chuẩn bị sẵn sàng 30.000 chỗ cách ly, chưa kể các khu cách ly của từng quận, huyện. Trong đó, riêng tại Đại học Quốc gia TP HCM có 19.200 chỗ cách ly, đến nay đã tiếp nhận khoảng 7.000 người, khoảng 1.800 người đã hoàn thành cách ly, hiện còn khoảng 5.000 người đang tiếp tục cách ly.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM bắt đầu bước vào đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với ca nhiễm đầu tiên ghi nhận tại Chung cư Sunview Town (phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức). Sau đó, TP HCM phát hiện thêm nhiều ổ dịch mới, trong đó ổ dịch liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng ở Gò Vấp với hàng trăm ca. Sự lây nhiễm diện rộng bắt buộc UBND TP HCM phải ra quyết định áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày, từ 0h ngày 31/5. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tình hình diễn biến phức tạp một lần nữa buộc TPHCM phải giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần: Thay vì kết thúc giãn cách xã hội vào 0h ngày 15/6 như chỉ đạo trước đó, thì tiếp tục giãn cách cho đến 0h ngày 29/6.
Kiểm tra cơ sở vật chất và công tác tổ chức cách ly tại đây, Thủ tướng nhắc lại bài học kinh nghiệm tại Bắc Giang khi để xảy ra nhiều ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly, tuy kiểm soát được, không để lan ra cộng đồng nhưng vẫn gây áp lực cho hệ thống điều trị. Yêu cầu dứt khoát phải tránh tình trạng này, Thủ tướng lưu ý hàng loạt biện pháp như tăng cường lực lượng bảo vệ, huy động cả công an và quân đội nếu cần thiết. Cùng với đó, bảo đảm các điều kiện phục vụ cuộc sống vật chất và tinh thần trong điều kiện có thể như cung cấp wifi để người được cách ly có tâm lý thoải mái, không bức xúc, dẫn tới việc bỏ trốn khỏi nơi cách ly... Giảm số người trong mỗi phòng cách ly xuống mức thấp nhất, đặc biệt các phòng phải có khu vệ sinh riêng để tránh lây nhiễm.
“Phải quản lý chặt chẽ ngay trong khu cách ly, không được để xảy ra sơ hở” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh biện pháp test nhanh, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ Giao thông vận tải thực hiện ngay việc chuyển các bộ kit thử nhanh cho TP HCM.
Không để chuỗi sản xuất kinh doanh bị đứt gãy
Tại Công ty Nissei Electric Vietnam, Thủ tướng đánh giá cao các nỗ lực của Công ty để phục hồi doanh thu về mức trước đại dịch sau khi giảm khoảng 10% trong năm 2020, hiện đạt khoảng 80 triệu USD mỗi năm. Công ty đã áp dụng nhiều giải pháp phòng chống dịch như chia ca sản xuất, giảm lượng người tập trung. Thủ tướng đề nghị, trong điều kiện đặc biệt, cần có giải pháp đặc biệt, mong muốn công ty nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung chia sẻ khó khăn trong bối cảnh đại dịch, cùng với Chính phủ và chính quyền địa phương chung tay chống dịch để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời bảo đảm đời sống công nhân để khi tình hình trở lại bình thường, chuỗi sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy.
Thủ tướng đề nghị trong trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn, Công ty có thể nghiên cứu phương thức vừa cách ly công nhân, người lao động tại chỗ, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Nếu có vướng mắc, doanh nghiệp thẳng thắn gửi các kiến nghị tới các cấp chính quyền trên tinh thần xây dựng để được xem xét giải quyết.
Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19
Tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, hoan nghênh Công ty đã chủ động nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 để chăm sóc sức khỏe người dân, Thủ tướng lưu ý, Công ty cần phải làm rõ một số vấn đề về công nghệ áp dụng, nguyên liệu đầu vào, so sánh chất lượng với các loại vaccine khác cũng như khả năng sản xuất và giá thành. Thủ tướng cho biết, hiện nay Việt Nam đang có 3 kế hoạch chiến lược để có vaccine Covid-19 gồm đẩy nhanh việc mua vaccine, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước.
Theo Thủ tướng, vaccine có tính chất quyết định, nếu nước nào tiêm được vaccine thì sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nếu trong nước sản xuất được vaccine sẽ giảm giá thành vận chuyển và sẽ hoàn toàn chủ động.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19 nhưng cần tuân thủ quy trình chặt chẽ, an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe người dân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tháo gỡ các quy trình thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp về các quy định, quy chế. Bộ Y tế nghiên cứu thành lập Tổ hành động hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao và sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19.
“Tinh thần là phải đẩy nhanh hơn quy trình thử nghiệm lâm sàng. Thay vì chúng ta đi từng bước từng bước một, bây giờ ta phải bước nhanh hơn, phải chạy” -Thủ tướng nói và nhấn mạnh không những chủ động vaccine cho năm nay, cho sang năm mà cho cả những năm tới. Chúng ta phải đặt nền móng lâu dài, có tính chiến lược để ứng phó với tình hình dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp.
“Chặt cả bên ngoài và bên trong” để kiểm soát tốc độ lây nhiễm
Về diễn biến dịch Covid-19 tại TP HCM, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình vẫn phức tạp. Vì thế phải ưu tiên kiểm soát tốt tình hình dịch tại các khu công nghiệp, cần “chặt cả bên ngoài và bên trong”, để kiểm soát được tốc độ lây nhiễm.
Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lây nhiễm vào khu công nghiệp ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai là rất lớn bởi vì bản thân các khu công nghiệp đã có ca nhiễm. Bên cạnh đó phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, cho dù là theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 thì cũng không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, tình trạng giao lưu đi lại giữa các khu vực, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Cùng đó, phải triển khai quyết liệt hơn các biện pháp về xét nghiệm và phải xét nghiệm trên từng quy mô phù hợp. Đây là mấu chốt quan trọng để kiểm soát dịch. Khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, cần ngay lập tức đưa mầm bệnh, nguồn lây ra khỏi cộng đồng, như vậy mới có thể nhanh chóng chặn nguồn lây.
Về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo TP HCM phải chia nhỏ các điểm tiêm, phải tiêm theo giờ, không để tụ tập quá đông người trong một thời điểm dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm tại chính điểm tiêm.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã có quyết định thí điểm cách ly tại nhà với các trường hợp F1, TP HCM xem xét trường hợp đủ điều kiện thì áp dụng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, dịch bệnh ở TP HCM phức tạp ở chỗ đa nguồn lây, đa chuỗi lây nhiễm, đa ổ dịch. Thành phố là nơi giao lưu rất rộng rãi trên cả nước nên rất phức tạp; áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng rất khó khăn. Tuy rằng không thể khống chế được ngay nhưng nếu triển khai quyết liệt thì sẽ khống chế được dịch sớm hơn.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM, những ngày đầu, khâu tổ chức tiêm vaccine còn nhiều thiếu sót, cập rập do ngành Y tế cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng y, bác sĩ ở các bệnh viện lớn để khám sàng lọc và trực cấp cứu sau tiêm. Đây cũng là lần đầu tiên TP HCM tổ chức nhiều điểm tiêm di động nên cần các đội cấp cứu thường trực, huy động chuyên gia cấp cứu từ nhiều nơi đến.
“Dù còn nhiều bất cập nhưng đây là lần đầu TP HCM có tốc độ chuẩn bị nhanh như vậy. Chúng tôi rất vui vì ý thức của người dân khi đến tiêm, không tranh giành, có kỷ luật trong tổ chức tiêm. Lần này, thành phố tổ chức tiêm 800.000 liều nhưng cần đến 15 triệu liều để tiêm chủng cho 70% người dân thành phố. Do đó, thành phố sẽ dồn hết nguồn lực để hoàn tất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Bỉnh nói.