Nằm giữa vùng đất trũng ngập nước của Đồng Tháp Mười với diện tích tự nhiên trên 7.600 ha, Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) - nơi có một màu xanh của rừng tràm ngút ngàn, mùa này các loài chim đang làm tổ, sinh sản. Về Tràm Chim vào mùa nước nổi, cữ độ từ tháng 8 đến tháng 10 Tràm Chim khoác trên mình chiếc áo riêng, đặc sắc mang dấu ấn của miền sông nước miền Tây.
Từ tháng 9, là thời điểm chim cò tập trung sinh sản.
Theo BQL Vườn Quốc gia Tràm Chim, hiện nay có khoảng hơn 6.000 cá thể chim đã về làm tổ nơi đây. Trong đó, đặc biệt có 2.000 con cò ốc. Hằng năm, từ tháng 9 đến tháng 11 là thời gian chim, cò tập trung sinh sản. Những năm gần đây khi giá trị xanh, ngày càng được khẳng định, chính quyền và người dân tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư, phối hợp với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên triển khai nhiều chương trình bảo tồn và phát triển cho Vườn quốc gia. Từ đó, đã góp phần phục hồi thảm thực vật; tạo môi trường sống tự nhiên cho các loài chim quý hiếm.
Ngồi trên tắc ráng cỡ nhỏ có gắn máy nổ lướt sóng trên dòng kênh đầy cỏ, năn, rau dại và bèo hoa dâu xanh mát được ngắm các loài chim le le, vịt trời, điên điển, cò, vạc bay rập rờn. Nghe tiếng máy nổ, những chú chim đang đậu trên cỏ bỗng vút bay lên những cây tràm. Khung cảnh ngập nước, xanh mướt hòa quện với sắc hồng của hoa sen, hoa súng tạo nên không gian vô cùng đẹp và lãng mạn, đậm chất miền Tây.
Vào mùa nước nổi, đến đây du khách còn được biết thêm về loài thực vật mới - chính là hoa điên điển. Những chùm hoa mỏng manh, vàng rực dưới nắng thu chính như là một vẻ đẹp rất riêng của miền Tây Nam bộ. Sinh thái dưới nước của Tràm Chim cũng phong phú đa dạng với 150 loài cá nước ngọt, trong đó có một số loài cá nằm trong sách đỏ Việt Nam như cá còm, cá mang hổ, cá ngựa nam, cá duồng bay, cá ét mọi, cá hô... vừa đóng vai trò cân bằng sinh thái vừa là nguồn thức ăn cho các loài chim.
Điều đặc biệt là thời gian qua, Đồng Tháp đã huy động được những người dân sinh sống quanh Vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn và gìn giữ phát huy giá trị sinh thái của Tràm Chim. 200 hộ dân sinh sống quanh Vườn quốc gia Tràm Chim vẫn được tham gia khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý vào mùa nước nổi. Còn các hộ khó khăn sẽ được hỗ trợ ngư cụ và xuồng để có điều kiện khai thác thủy sản. Từ đó, người dân được hưởng lợi ích trực tiếp thông qua khai thác tài nguyên rừng bền vững và tham gia cùng địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái. Nhờ đó mà môi trường tự nhiên ở Tràm Chim ngày càng tốt hơn rất nhiều, là đất lành cho nhiều loài chim, cò về đây trú ngụ.
Ngoài ra, đến Tràm Chim du khách còn có thể vào tận khu nuôi ong của hộ dân (ấp Cà Dăm, xã Tân Công Sính) để tìm hiểu, trải nghiệm về hoạt động nuôi ong lấy mật và thưởng thức các sản phẩm từ mật ong. Hay thử làm ngư dân, cùng nhau bơi xuồng ra đồng cỏ năng giăng câu, đặt trúm, đặt lợp, đặt lờ… bắt những con cá rô, cá lóc rặt đồng, chế biến những món ăn dân dã chỉ có ở miền Tây nam bộ.
Một trải nghiệm thú vị không kém chính là tham gia thu hoạch lúa trời hay còn gọi là lúa ma, một loài lúa rất đặc biệt vì vào mùa nước nổi khi nước dâng đến đâu, lúa vươn lên tới đó, vô cùng diệu kỳ…