Hiện nay phong trào vẽ nghiệp dư đang nở rộ khắp nơi, nhiều lò dạy vẽ mở ra phục vụ những người nhàn rỗi. Hoạt động quảng cáo cho các lò rầm rộ. Mỗi khóa học 3 tháng, có khóa 6 tháng, chịu học là vẽ được tranh đẹp ngay, nghe rất hấp dẫn. Thời gian ngắn như vậy mà thành họa sĩ thì quá tuyệt còn gì.
Đó là tín hiệu mừng cho xã hội. Không gì tốt hơn khi xã hội vận động theo hướng nâng cấp văn hóa, trau dồi nghệ thuật cho những ai ham thích vẽ mà trước đây đã bị mất thời cơ hoặc không có điều kiện theo học chính quy. Dù là câu lạc bộ phong trào thôi, nhưng không ham thích và không có năng khiếu thì cũng không thể theo được. Nên những ai cắp cặp, cầm giá ôm bút đến với các lớp luyện vẽ đều đáng động viên khích lệ cả.
Anh bạn tôi lái xe du lịch nhiều lần đưa các họa sĩ đi núi vẽ. Thấy các chú ấy vẽ đẹp quá, cũng thấy thích, anh về ghi tên theo một cua theo học. Tôi chưa kịp hỏi anh là "cua" học mấy tháng. Anh bảo học phí cả "cua" là 3,5 triệu đồng. Nguyên liệu vẽ tại lớp, chủ lò vẽ lo cả, còn vẽ ở nhà thì tự mua. Hôm đầu đến lớp, chủ lò hỏi luôn: Anh vẽ màu nước hay "aki"? Nào mình đã biết màu nước hay aki là gì. Nghe mặt cứ nghệt ra.
Sau được giải thích mới biết "aki" là acrilic, một loại sơn nước polyme, chất liệu vẽ được cả trên giấy và vải, còn màu nước thì hiểu ngay. Chủ lò bày lọ hoa rồi bảo vẽ đi. Cả hội sột soạt bày giá, chọn màu sắp bút. Anh cắm cúi được mấy buổi. Lớp học vẽ thường im lặng trật tự vì bắt đầu vào bài là luôn căng thẳng ngắm mẫu bắt hình sao cho thật đúng.
Quan sát xung quanh thì ai vẽ lọ hoa giống nhất là đạt yêu cầu. Sẽ nhận được điểm cao của chủ lò. Chủ lò quan trọng ở lúc nhận xét chấm bài, chứ bình thường chẳng thấy hướng dẫn gì cụ thể. Đến đây, hầu như các học viên vừa vẽ vừa hỏi nhau. Vẽ tưởng dễ nhưng hóa ra không dễ tí nào. Nó phập phù chẳng vào đầu bao nhiêu. Thấy nản quá, nên cố thêm mấy buổi rồi chú cũng bỏ cuộc, dù đã đóng đủ tiền cả khóa học. Đấy là câu chuyện nhập nghề bỏ cuộc của một người yêu vẽ theo phong trào.
Cách dạy vẽ của lò ấy là chưa có phương pháp phù hợp. Hướng dẫn vẽ cho người đã có chút kiến thức cơ bản với người không có kiến thức cơ bản không thể giống nhau. Nếu bày lọ hoa bắt chép lại thì ngay họa sĩ qua cơ bản vẽ cũng toát mồ hôi huống hồ người vẽ nghiệp dư chưa có tí hiểu biết gì, làm sao vẽ nổi .
Trước nhất phải định nghĩa cho người lần đầu tham gia câu lạc bộ vẽ hiểu: Vẽ là gì? Nếu vẽ là chép lại mẫu, thì đó là thực hiện kĩ thuật sao chép, một chiếc máy ảnh bằng tay. Việc này phải quan sát chi tiết kĩ càng, càng chính xác càng tốt. Đó là việc rất khó của người làm kĩ thuật chứ không phải việc của nghệ thuật phải rèn luyện cả năm trời thật chính xác. Nghệ thuật vẽ thì cũng xuất phát từ quan sát thế, nhưng lại thể hiện khác từ cảm xúc chứ không phải đo đếm một cách cụ thể.
Vẽ là ghi nhận lại cảm xúc trước mẫu vật theo cách nghĩ cách làm của mình thì nó giải phóng cho người vẽ sự căng cứng, không phải sao chép mà được thả lỏng trong đi bút, đặt các mảng màu to bé, thậm chí màu sắc theo ý mình thích, mọi thứ không cần chính xác. Mẫu chỉ là để người vẽ tham khảo định vị tương đối các chi tiết. Xem tranh trẻ con vẽ thì thấy ngay điều đó. Chúng chỉ dùng những màu chúng thích bôi trát xả láng mà đẹp tươi roi rói.
Vậy là người vẽ chỉ nhìn tổng thể cả khối, phân mảng, đặt màu và sau đó gợi một số nét chi tiết cần thiết. Còn màu thì hoàn toàn có thể đặt theo ý thích của mình. Mẫu chỉ còn là để gợi ý tham khảo. Có một bạn hỏi thế vẽ màu thế nào, tôi bảo chọn màu cạnh nhau như chị em chọn áo váy ấy, đó là những màu đặt cạnh nhau, tôn vinh nhau, sao thuận mắt ưa nhìn là được chứ không nhất thiết lá cây phải xanh, da mặt phải vàng... Như vậy biến học vẽ thành cuộc dạo chơi vui vẻ bằng hình và màu, mà không căng cứng sao chép. Như thế sẽ cho những tranh màu sắc vui nhộn ưa nhìn. Tóm lại vẽ là thể hiện lại cảm xúc của mình bằng màu, bằng nét cứ thế mà làm. Làm theo cách này, người học vẽ sẽ tiến bộ nhanh, và rất nhanh có tranh tự mình vẽ để treo.
Trên đây là cách tôi hướng dẫn cho người vẽ nghiệp dư, yêu vẽ mà chưa được qua học cơ bản về phép dựng hình. Lối đi ra là tắt nhưng lại hiệu quả. Có người tiến nhanh sau vài buổi tập. Anh bạn lái xe nghe tôi hướng dẫn hiểu ngay và nắm bắt rất nhanh, thấy vẽ cũng không khó đến mức như người ta tưởng. Chia sẻ tí kinh nghiệm riêng tư cho ai thích học vẽ tay ngang. Có thể nhiều người có những cách hay hơn, nhưng phương pháp của tôi là biến học vẽ thành một cuộc chơi như thế đấy.
Vài ba năm nay, nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội) đón chào khá nhiều triển lãm cá nhân của các họa sĩ nghiệp dư. Vì chưa là hội viên, giá thuê địa điểm đắt hơn, đầu tư cao hơn, nhưng coi đó là cuộc chơi sang trọng, nên mọi người đều dấn thân. Và thật là bất ngờ, hầu như triển lãm nào các họa sĩ nghiệp dư lại cũng bán được tranh. Bán nhiều là đằng khác.
Có phòng tranh như của chị Nguyễn Ngọc Dậu bày năm 2021, vào tuổi 73 cầm bút, tuổi 75 bày tranh chất liệu acrilic hẳn hoi, bán được đến trên 200 triệu. Chị Giáng Vân, chị Thiếu Ngân, triển lãm cũng bán được trên dưới trăm triệu. Chị Trần Thị Trường vừa mới đây bán gần hết số tranh trưng bày. Giá cả nhìn chung mềm mại, năm bảy triệu, mươi mười lăm triệu, vài ba mươi triệu một tranh cũng có. Họa sĩ tay ngang mà bán tranh vèo vèo như vậy thật đáng ngạc nhiên và cũng rất đáng mừng. Họa sĩ xịn ngó qua còn phải ngầm ghen với họ.
Giá tranh rẻ cũng chỉ là một phần, vì nó vừa với mức thu nhập của người chơi. Nhưng cái chính vẫn là có sự hấp dẫn. Có yêu thích người ta mới mua.
Tìm hiểu thì biết mọi người lăn xả vào cuộc chơi bởi sự đam mê, chứ không ai nghĩ đến chuyện bán được tranh, hoặc kiếm sống bằng tranh. Hầu hết những họa sĩ nghiệp dư trên là người hưu trí, lương hưu chẳng bao nhưng đủ sống ổn định. Mục tiêu vẽ tranh kiếm tiền không nằm trong toan tính. Một chị tâm sự: bức tranh bán năm bảy triệu không nhiều nhặn gì, nhưng điều có ý nghĩa hơn cả là tranh mình vẽ ra được chấp nhận. Điều đó làm cho mình sướng lâng lâng.
Các họa sĩ nghiệp dư khi vẽ thường nắn nót cẩn trọng. Hình như tâm lý không được học bài bản, nên luôn cố công trong từng tranh, chỉ nhìn tranh đã thấy sự tập trung cao độ. Tranh vẽ lại thật, dễ hiểu. Nhưng xem tranh thấy những giọt mồ hôi vô hình hằn lên. Phải chăng sự kiên nhẫn trong lao động của họ làm cho bức tranh thêm sức truyền cảm xúc tới người xem?
Quay sang nhiều triển lãm của các họa sĩ trẻ, thì khá nhiều triển lãm tranh không bán được, hoặc bán lác đác vài ba bức. Giá cả “chua ngoa” có thể chỉ là một phần, nhưng sự phóng túng trong khi vẽ là có vấn đề là nó bất cập với thẩm mỹ đại chúng, nên chưa gặp gỡ được với người chơi tranh. Ví dụ vẽ bóp, dị dạng, màu hoặc quá chát, hoặc xám xịt, hoặc mặt người chỉ có một mắt... Bóp đến độ quái dị, người chơi tranh bình dân phát hoảng. Người bình dân sẽ không bao giờ chơi những tranh thế.
5/2022