Vở kịch “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam vừa chính thức ra mắt khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn. Trước đó, nhiều người tỏ ý nghi ngại về mức giá vé 1 triệu đồng- rằng liệu giá vé cao nhường ấy, những ai sẽ đi xem? Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cho rằng việc đưa ra giá vé một triệu đồng là phép thử của Nhà hát về nhu cầu xem kịch cổ điển của khán giả bây giờ. Chỉ mười hay vài ba chục người đặt chân tới Nhà hát Lớn, chúng tôi vẫn trân trọng.
Kịch Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Và hơn cả sự ngạc nhiên, giá vé 1 triệu đồng vẫn bán chạy trước giờ vở diễn khai màn. Xem xong kịch, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu nhận xét rằng đây đúng là một Hamlet của Việt Nam (từ trang phục, âm nhạc, diễn xuất…) Điều này còn cho thấy sân khấu Việt Nam đủ khả năng tiếp cận, thể hiện và chuyển tải được kiệt tác của nhân loại tới khán giả trong nước. Tất nhiên, có nhiều căn cớ để người ta nghi ngại về sự nhiệt tình của khán giả hôm nay.
Thứ nhất là đã từng có hai bản dựng Hamlet trước đây của Nhà hát kịch Hà Nội (năm 2002) và kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ (năm 2010) chưa được đánh giá cao.
Một phần nữa, Hamlet là vở bi kịch không dễ xem, và giá vé 1 triệu cũng tạm được coi là mức giá chưa từng có đối với sân khấu phía Bắc. Và có một tin vui nữa từ Phòng đối ngoại của Nhà hát, đó là kết thúc đêm diễn vừa rồi, hai đêm diễn tới đây vào thứ bảy, chủ nhật (ngày 7, 8/11) tại rạp số 1 Tràng Tiền cũng đã hết vé.
Chỉ qua một vở kịch, để nói về sự đổi thay của thị trường sân khấu e là quá sớm. Nhưng đây thực sự là một tín hiệu mừng với sân khấu kịch nói chung và sân khấu phía Bắc nói riêng. Lại càng là sự kiện “đại hỷ” của Nhà hát kịch Việt Nam. Phép thử về nhu cầu kịch cổ điển, đồng thời cũng là một phép thử trước nhu cầu của công chúng về một thị trường nghệ thuật chất lượng cao đang cho thấy có dấu hiệu tích cực.
Sở dĩ nói thế, bởi trước đó ít ngày, lần đầu tiên tại Việt Nam người ta đi xem triển lãm mỹ thuật đương đại mà phải mua vé VIP lên đến 3,6 triệu đồng/cặp. Còn khách xem đại chúng thì phải trả 250 ngàn đồng/vé. Đó là triển lãm Filters do urbanArt tổ chức, giới thiệu tác phẩm của 3 tác giả là điêu khắc gia Bùi Hải Sơn, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh và họa sĩ Lê Kinh Tài, diễn ra tại tầng 3 Gem Center (8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP HCM).
Có lẽ phép thử về một thị trường nghệ thuật chất lượng cao ấy là cần thiết để xóa dần lối tư duy xem nghệ thuật miễn phí. Bởi lâu nay bao triển lãm mỹ thuật được mở ra, cho dù được trưng bày cả ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cũng nào có thấy công chúng hào hứng… Người ta bảo: Dường như những gì cứ miễn phí, thì người ta mặc nhiên thấy nó rẻ, thậm chí có tâm lý rẻ rúng cả nghệ thuật.