Sau lời chào tạm biệt với vợ, chiếc xe của vị chủ tịch tuổi đã gần 70, không đến cơ quan như mọi khi, mà hướng thẳng về tâm dịch Bắc Giang.
Cuộc gọi lúc 1h đêm giữa tâm dịch Bắc Giang:
- Anh Mẫn à anh còn thức không?
- Giờ nào mà tôi chẳng thức!
- May quá, phiền anh chở tôi lên Trung tâm hồi sức tích cực, đang có ca bệnh khẩn cấp.
Kết thúc cuộc điện thoại, người tài xe tóc đã lấm chấm bạc nổ máy chiếc xe ô tô màu trắng của mình, nhanh chóng đưa vị bác sĩ thuộc lực lượng chi viện của Đà Nẵng từ nhà nghỉ lên Trung tâm Hồi sức tích cực Bắc Giang, để kịp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trở nặng. Cước phí cho chuyến đi này là "0 đồng".
Trong những ngày nước sôi, lửa bỏng vừa qua, chiếc "taxi" đặc biệt này cũng đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các y, bác sĩ đang trực chiến tại tâm dịch và cả nhiều người dân Bắc Giang.
Ít ai biết rằng, phía sau vô lăng của chiếc taxi "0 đồng" này lại là vị chủ tịch của một công ty lớn ở Hà Nội. Ông là Phạm Văn Mẫn, 67 tuổi, sống cùng gia đình tại Cầu Giấy (Hà Nội).
Vị chủ tịch trốn vợ đi chống dịch
Cách vị chủ tịch này đến với tâm dịch Bắc Giang cũng đặc biệt không kém "lý lịch trích ngang" của mình.
"Trước thời điểm lên đường gần nửa tháng, tôi có xác định tinh thần trước với vợ con rằng, dịch bệnh đang diễn biến ngày càng căng thẳng. Nếu cần, gia đình mình sẽ xung phong trước. Tuy nhiên, tôi vẫn giấu việc mình có kế hoạch đi Bắc Giang bởi biết chắc rằng vợ con sẽ can ngăn", ông Mẫn mở đầu câu chuyện.
Một buổi sáng đầu tháng 6, thấy chồng mình khệ nệ xách vali ra xe từ 7h, vợ ông thấy lạ liền hỏi:
- Sao hôm nay ông xách đồ đạc nhiều thế?
- Hôm nay tôi đi công tác xa, có khả năng phải đưa đoàn viễn thông của tôi đi lên Bắc Giang để xử lý các vấn đề về viễn thông trên đó.
Chỉ 2 tiếng sau, vị chủ tịch này đã có mặt tại Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, bắt đầu chuỗi ngày "trốn vợ đi chống dịch". Thế nhưng kế hoạch này cũng sớm bị bại lộ.
"Vợ tôi nghi ngờ nên đến tối lại sang cơ quan hỏi thì ông tổng giám đốc thật thà quá, nói hết về chuyện tôi ủy thác công việc cho ông ấy và có kế hoạch đi Bắc Giang nên bị phát hiện", ông cười nói.
Chuyến xe “0 đồng” của bố Mẫn
Phải đến tận nơi và sống ở giữa "tâm dịch" thì mới hiểu được người ta cần cái gì nhất. Đó là cách mà vị chủ tịch này giải thích cho quyết định xông pha vào điểm nóng Bắc Giang của mình.
Ông kể rằng, mình rút ra được nhiều kinh nghiệm từ những lần cứu trợ trước. Lúc đó, chỉ có thể đóng góp từ xa hoặc đến địa bàn 2-3 ngày, chưa hiểu rõ được tình hình và thứ người dân thực sự cần lúc khốn khó, nên những vật phẩm cứu trợ dù có giá trị cao nhưng chưa được phù hợp. Điều này cũng khiến ông rất trăn trở và áy náy.
Ông Mẫn bộc bạch: "Có thời gian để nhìn nhận, quan sát, tôi nhận thấy rằng, trong lúc địa bàn bị phong tỏa, lực lượng y, bác sĩ rất cần được thông suốt về việc vận tải và liên lạc. Kể như lúc các y, bác sĩ đến giờ đi làm, tan ca hay có tình huống khẩn cấp lúc giữa đêm, rất cần được hỗ trợ di chuyển một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Do đó, tôi quyết định trở thành bác tài của chuyến xe 0 đồng".
Giữa tâm dịch, ngày làm việc của bác tài đặc biệt này không có giờ bắt đầu. Khi số máy hotline (đã được cung cấp cho lực lượng y tế đang chống dịch tại Bắc Giang), đổ chuông, bất kể là giữa đêm, lúc tờ mờ sáng hay cả khi đang ăn dở bữa cơm, cứ điện thoại "nổ số" là ông lại tức tốc lên đường. Ông quan niệm "y, bác sĩ đợi thì bệnh nhân phải chờ".
"Mỗi ngày, tôi chạy khoảng 30 chuyến xe. Tuy nhiên, thế vẫn chưa là gì so với sự vất vả của các y, bác sĩ đang chống dịch tại đây. Qua câu chuyện của mỗi "vị khách" tôi lại càng hiểu và trân trọng hơn những gì mà lực lượng y tế đang cống hiến cho cuộc chiến chống dịch", ông nói.
"Bố Mẫn", đó là cách gọi thân thương mà các y, bác sĩ tại tâm dịch Bắc Giang dành cho bác tài này, bởi thứ ông mang đến cho họ không chỉ là chuyến xe miễn phí, mà còn là sự quan tâm, chia sẻ.
"Chú Mẫn rất tình cảm, quan tâm mọi người. Mỗi lần đón đoàn, chú lại hỏi thăm sức khỏe, còn mua nước cam, nhắc nhở mọi người chú ý ăn uống. Với chúng tôi, chú như một người bố vậy", chia sẻ của một nữ bác sĩ trẻ thuộc lực lượng chi viện của Hà Nội, khi được hỏi về chủ nhân chuyến xe "0 đồng".
Nhận lại hạnh phúc trước khi cho đi sức lực
Chuyến đi hỗ trợ Bắc Giang, với vị chủ tịch này không chỉ là cho đi mà là sự sẻ chia từ hai phía.
"Người ta cho tôi hạnh phúc trước khi tôi chia sức lực của mình cho họ", ông chia sẻ.
Trong suốt cuộc phỏng vấn, mỗi lần kể về tình cảm của bà con Bắc Giang và cả các y, bác sĩ tham gia chống dịch dành cho mình, giọng của ông lại rạo rực thấy rõ.
"Nhiều lần đi trên đường, bà con nhận ra xe tôi lại vẫy tay chào, có hôm bà con cho chùm vải thiều vừa hái hay quả dưa hấu ngon để dành. Chỗ nhà nghỉ tôi đang ở, các anh chị nấu cơm còn luôn nhắc tôi không được bỏ bữa. Còn các cháu y, bác sĩ cũng rất tình cảm, cứ đi làm về là các cháu lại cho tôi rất nhiều đồ ăn, lại còn bảo nếu tôi mắc Covid-19 sẽ xung phong chữa đầu tiên. Ở thành phố làm sao mình có được những tình cảm như vậy", ông nói.
Vì vậy, nên mỗi khi có đoàn chi viện trở về địa phương, ông Mẫn lại buồn vui lẫn lộn. Vui vì các y, bác sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được về nhà nghỉ ngơi, buồn vì phải nói lời tạm biệt với những người mà với ông là con, cháu trong gia đình.
Còn dịch là tôi còn làm
Đến nay, đã là hơn 15 ngày, vị chủ tịch này sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch. Người thân trong gia đình cũng đã dần ủng hộ quyết định của ông. Dù vậy vợ con ông vẫn không giấu được sự lo lắng, nhất là khi dịch bùng phát mạnh.
"Tôi vừa nhận được tin nhắn của vợ bảo tôi về vì lo ngại tình hình dịch. Dù cũng dần hiểu được tình hình trên này qua cập nhật của tôi và cả báo chí, nhưng nói gì thì nói, phụ nữ khi biết người thân của mình đi vào tâm dịch như vậy thì đều rất lo", ông chia sẻ, "Nhưng mẹ con nó cũng đều biết tính tôi, cái gì đã quyết là sẽ làm. Ở nhà không giúp được cho mọi người lại càng day dứt, khó chịu hơn nên 80% là vẫn ủng hộ tôi".
Hỏi ông về ngày sẽ rời Bắc Giang, vị chủ tịch này cũng không mất quá nhiều thời gian để cho chúng tôi câu trả lời: "Khi nào còn dịch là tôi còn làm".