Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng bao năm qua trong căn nhà nhỏ của Đại tá Võ Tấn Phương (xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) vẫn đầy ắp những kỷ vật của cuộc chiến tranh giải phóng. Ông bảo, đó không chỉ là cách để ông nghĩ về đồng đội, về những mất mát hy sinh mà đó còn là cả một quãng đời tuổi thanh xuân của mình. Đặc biệt hơn, những kỷ vật này mang nhiều ý nghĩa lịch sử bởi tất cả đều từng là vật dụng của những chiến sỹ, cán bộ quân giải phóng ở vùng Lộc Ninh, nơi khởi đầu của Ch
Vợ chồng ông Võ Tấn Phương.
Ký ức khó quên
Trong căn nhà nhỏ giữa một buổi trưa tháng tư nắng gắt miền biên giới, ông Phương khá bất ngờ khi trò chuyện cùng những người khách phương xa chúng tôi. Sau một hồi giới thiệu, ông cười vui vẻ, như sống lại những tháng hào hùng hơn bốn mươi năm về trước. Ông bảo, những ngày tháng 4 năm 1975, mặc dù chỉ là một sỹ quan khá bình thường nhưng ông may mắn được làm việc và chiến đấu ở trong căn cứ của Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam, cũng đồng thời là Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại khu vực xã Lộc Thành (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Đây cũng là căn cứ cuối cùng của Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam sau rất nhiều lần buộc phải thay đổi địa điểm vì chiến tranh.
Ông Phương kể, lúc đó ông là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 180, đơn vị trực tiếp tham gia bảo vệ an toàn cho Bộ chỉ huy miền Tà Thiết, thuộc Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam. Đây là thời gian đầu năm 1972, khi mà vùng Lộc Ninh đã nằm trong sự kiểm soát của quân giải phóng nhưng thường xuyên chịu những đợt tấn công của dữ dội của phía chính quyền Sài Gòn. Cũng thời gian này, Trung ương Cục miền Nam bắt đầu rời từ Tây Ninh lên Lộc Ninh, cũng là thời gian mà nhiệm vụ của tiểu đoàn 180 thêm phần nặng nề và cực kỳ quan trọng, vì ở Lộc Ninh lúc này đều là những tướng lĩnh chỉ huy hàng đầu của quân giải phóng. Đó cũng là thời gian ông Phương có dịp gần gũi với các chỉ huy cấp cao như Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Phạm Hùng, Lê Đức Anh, Hoàng Cầm… khi tham gia bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho các cán bộ cao cấp này. Đây vừa là công việc quan trọng, vừa mang ý nghĩa to lớn, quyết định đến toàn bộ sự thành công hay thất bại của những chiến dịch quân giải phóng đề ra khi đó. Và, tất cả những kỷ niệm tinh thần hay những kỷ vật của cuộc sống khi đó, đều được ông lưu giữ nguyên vẹn đến tận ngày hôm nay.
Nhớ về những ngày tháng tư năm 1975, ông Phương kể rất rành rọt. “Đó chính xác là ngày 8/4/1975, trong hội trường của căn cứ kháng chiến Tà Thiết (huyện Lộc Ninh), đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy của “Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định”. Sau đó ít ngày, cũng tại hội trường đó, Bộ chỉ huy Miền đã công bố bức điện khẩn 37 TK của Tổng Bí thư Lê Duẩn trực tiếp ký, đổi tên “Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định” thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, với ý nghĩa mang tên Bác Hồ”. Có lẽ, bản thân ông và những người cán bộ ở rừng Tà Thiết ngày đó cũng không ngờ được rằng, “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lúc đó đã trở thành một chiến dịch quan trọng nhất, vẻ vang nhất, nhanh chóng nhất trong lịch sử giải phóng dân tộc, cho mãi tới sau này. Đồng thời, đó là chiến dịch cuối cùng của quân giải phóng bởi chiến dịch đã hoàn toàn giành thắng lợi, chấm dứt cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, mở ra một trang sử mới của đất nước.
Đại tá Võ Tấn Phương vừa nhìn ra những tán rừng sao trước nhà, khẽ bồi hồi nhớ lại: “Tuy tôi gắn bó phần lớn đời mình với vùng rừng núi Lộc Ninh này nhưng tôi lại là người sinh ra, lớn lên ở huyện Ô Môn, TP Cần Thơ. Năm 19 tuổi, tôi theo cách mạng, đi tập kết ra Bắc. Sau thời gian dài được huấn luyện kiến thức với các chiến sỹ đặc công, bộ binh, công binh… tôi quay trở lại Cần Thơ năm 1964, sau gần mười năm xa quê để trực tiếp hoạt động đấu tranh cách mạng. Sau khi huyện Lộc Ninh được giải phóng vào tháng 4/1972, tôi được chỉ huy điều về đây tham gia chỉ huy của tiểu đoàn 180, là đơn vị bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não cách mạng, với những cán bộ chủ chốt thời đó như tướng Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Lê Đức Anh, Hoàng Cầm…
Không chỉ mang trên vai những trọng trách lớn lao ấy, những tháng năm chiến tranh gian khổ ở Tà Thiết cũng chính là những năm tháng hạnh phúc nhất của đời ông. Không phải vì ông được tham gia nhiều công tác quan trọng mà bởi tại đó, ông đã tìm được một nửa của đời mình, người phụ nữ đã theo ông suốt cuộc đời, cho tới tận ngày hôm nay. Đó là bà Nguyễn Thị Thương, người từng có thời gian tham gia hoạt động giao liên trong nội thành Sài Gòn. Sau khi bị giặc phát hiện, bà trốn lên vùng chiến khu, làm văn thư, đánh máy chữ cho Bộ tư lệnh miền Tà Thiết. Được sự mai mối của các đồng chí trong Bộ chỉ huy, hai ông bà nhanh chóng lên vợ, lên chồng. Sau này, hai ông bà đã có với nhau cả thảy bốn người con cả trai lẫn gái.
Những kỹ vật chiến tranh còn lưu giữ của ông Võ Tấn Phương.
Nguyên vẹn những kỷ vật
Hơn bốn mươi năm qua, rất nhiều những thay đổi của vùng đất Lộc Ninh, nhưng trong căn nhà nhỏ của vợ chồng Đại tá Võ Tấn Phương thì vẫn vậy, vẫn ngập tràn những kỷ vật cũ. Đó là những dụng cụ hết sức bình thường phục vụ trong đời sống, chiến đấu, cứu thương của cán bộ chiến sỹ những năm 1975 ở xung quanh ông. Từ những chiếc ca uống nước, đôi dép, thau chậu, bình bông hay chiếc gương lược, dao kéo, quần áo, mũ nón… đều được ông gìn giữ, nâng niu. Ông bảo, phần nhiều trong những kỷ vật này là đồ dùng cá nhân của ông và vợ, của các chiến sỹ tặng vợ chồng ông nhân dịp hai người cưới nhau. Rồi còn có cả những đồ vật mà bè bạn nhờ ông giữ hộ, rồi mãi mãi không bao giờ đến nhận lại…
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh góc phòng đặt những đồ vật đó, lần giở từng món đồ cũ kỹ, đậm màu và thô sơ, ông bắt đầu kể về từng đồ vật, với những câu chuyện mà mấy chục năm vẫn không phai mờ. “Đây là mảnh khăn tang chiến sỹ. Đó là tối ngày 2/9/1969, khi đài Giải phóng phát bản tin đặc biệt về sức khỏe của Bác Hồ.
Sáng sớm hôm sau, ngày 3/9, tướng Hoàng Cầm tập trung tất cả anh em của 16 phòng, ban ở Bộ chỉ huy miền để thông tin về việc Bác mất. Sau đó tướng Hoàng Cầm cắt băng rôn đỏ ở hội trường thành những mảnh khăn tang, phát cho từng người một. Sau này, những chiếc khăn tang đó đều được mọi người cất giữ cẩn trọng. Hay như mấy chiếc nồi nhỏ đã xỉn màu kia, đều là quà cưới của mấy người bạn lấy mảnh bom để gò lại. Sau này giải phóng, gia đình tôi vẫn sử dụng những chiếc nồi ấy để nấu canh, nấu thức ăn. Chỉ hơn chục năm nay, đời sống kinh tế khá giả hơn, tôi mới cất những chiếc nồi ấy đi…”, ông Phương nghẹn ngào kể.
Nhìn người lính già rưng rưng chạm từng kỷ vật, lần giở và kể say sưa về chúng, bất giác chúng tôi có cảm giác, chính ông, người trong cuộc chiến ấy cũng đã hóa mình thành một kỷ vật. Một kỷ vật còn sống mãi tới tận bây giờ.
Theo đại diện của Bảo tàng Bình Phước, ông Võ Tấn Phương được coi là người lưu giữ nhiều kỷ vật chiến tranh nhất của tỉnh Bình Phước, với hàng trăm món đồ khác nhau. Hơn nữa, do ông từng có nhiều năm sinh hoạt cạnh các lãnh đạo cấp cao nên trong số các kỷ vật ấy, có nhiều thứ có giá trị lịch sử. Đó chính là những vật dụng từng được các tướng Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Hoàng Cầm… sử dụng trong đời sống thường ngày quãng thời gian sinh hoạt, chiến đấu ở rừng Tà Thiết. Tất cả những vật dụng này, vừa qua ông Võ Tấn Phương đã đồng ý trao lại cho bảo tàng bởi ông đã lớn tuổi, không thể giữ chúng mãi mãi bên mình được. Ông muốn bảo tàng lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau chiêm ngưỡng để mọi người, nhất là thế hệ trẻ nhìn vào đó và phần nào hiểu được cuộc sống của các cán bộ chiến sỹ ở Tà Thiết. Nơi chỉ huy và cũng là nơi bắt đầu của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. |