Nhiều người biết đến ông Lê Đức Tiết- nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam là người có tiếng nói phản biện sắc sảo, nhưng ít ai biết ông từng là một Đại tá Quân đội, một Luật sư với nhiều cống hiến trong ngành tư pháp.
LS Lê Đức Tiết. Ảnh: Hoàng Long.
Hôm ấy, lần đầu tiên, chúng tôi được chạm vào kỷ niệm của ông. Kỷ niệm thật ám ảnh, như một thước phim quay chậm, trong giọng kể của người Bình Trị Thiên, Đại tá Lê Đức Tiết đưa chúng tôi trở về ký ức. Khi ấy ngoài ban công khu tập thể Quân đội nằm trên đường Trần Phú, Hà Nội rả rích những cơn mưa cuối tháng 11 mang mùa đông trở về thành phố.
Sinh năm 1930 tại vùng quê Vĩnh Linh, Quảng Trị, ông bảo, mạ sinh ông trong một đêm tăm tối, gia đình không dám mời bà mụ vì đó là thời điểm giặc Pháp đàn áp cộng sản vô cùng ác liệt.
“Quê tôi, một vùng đất khốc liệt tự lâu rồi”, câu nói của ông đưa chúng tôi trở về Vĩnh Linh, Quảng Trị, mảnh đất đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, chống thú dữ còn lưu truyền trong chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, bắt cọp Thủy Ba. Những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất được sáng tạo từ lao động sản xuất, từ đặc thù riêng của vùng miền như hò chèo cạn Tùng Luật, lễ hội ném cù Vĩnh Hoàng, hô bài chòi Hồ Xá, lễ hội cồng chiêng của đồng bào Vân Kiều…Và dù ở vào hoàn cảnh lịch sử nào, con người nơi đây vẫn giữ được cốt cách trung dũng, kiên cường, không lùi bước trước gian nan thử thách, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, quyết tử cho Tổ quốc trường sinh.
Vào những năm 1945, tinh thần yêu nước, yêu quê hương trỗi dậy mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân. Cùng cả nước, nhân dân Quảng Trị đứng lên hưởng ứng các phong trào chống Pháp. Trong khí thế ấy, 16 tuổi, chàng trai Lê Đức Tiết cùng bạn bè của mình lên chiến khu, bắt đầu những năm tháng làm cách mạng.
Với khí chất kiên cường của người Vĩnh Linh, ngay khi vừa mới lên chiến khu, Lê Đức Tiết đã được chọn là một trong 10 cảm tử quân đánh Pháp ở khách sạn Morin (nay là khách sạn Hương Giang- Huế). Những năm tháng kháng chiến kiên cường đã giúp chàng trai trẻ trưởng thành. 18 tuổi ông đã chỉ huy 1 đại đội địa phương mang tên Lê Hồng Phong.
Đại đội nổi tiếng là những dân quân gan dạ, có kỹ thuật, đánh địch chủ yếu để bảo vệ mùa màng. Bây giờ, nhiều lúc ông Lê Đức Tiết vẫn luôn tự hỏi, “tại sao mình còn sống”. Đó thực sự là điều kỳ diệu. Đến năm 1954, đại đội Lê Hồng Phong đã trở thành tiểu đoàn và tập kết ra Bắc để xây dựng nông trường Tây Hiếu, Nghệ An. Năm ấy, ông Lê Đức Tiết 24 tuổi, được chỉ định làm Chính ủy nông trường cho đến năm 1956, ông được lệnh ra Hà Nội.
Lúc bấy giờ, ông Lê Đức Tiết không thể biết rằng, cuộc hành trình ra Hà Nội trở thành cuộc hành trình dài nhất trong cuộc đời khi ông và gần 100 cán bộ khác được Bộ Quốc phòng cử sang Nga học các chuyên ngành về quân sự; và ông cùng một người khác được đào tạo về luật.
Lúc bấy giờ ông cũng băn khoăn lắm vì lúc nhỏ ông từng nghe rằng luật là công cụ để ai đó không ưng nhau thì ném vào nhà nhau những thứ không được chứa chấp rồi lu loa báo chính quyền đô hộ đến bắt bớ, đày ải. Nhưng nhớ lại lời mạ dặn “Nhân bất học bất tri lý, ngọc bất tác bất thành khí” chàng trai trẻ càng nuôi ý chí học thành tài.
Và đặc biệt lời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- khi ấy là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị căn dặn ông và gần 100 cán bộ đầu tiên của Bộ Quốc phòng lên đường du học Nga: “Bây giờ nước ta đã độc lập nhưng chưa trọn vẹn. Vì vậy các đồng chí phải đi học cho tử tế. Học để còn chiến đấu cho đến ngày nước nhà hoàn toàn độc lập” đã hun đúc thêm tinh thần tự học, bản lĩnh kiên cường, vươn lên của người con Vĩnh Linh, Quảng Trị trong gian khó.
6 năm sau đó, nước Việt Nam còn non trẻ có thêm một trí thức về Luật. Cầm tấm bằng đỏ trên tay trở về, LS Lê Đức Tiết lại mang bao âu lo vì những kiến thức luật pháp được đào tạo từ nước bạn về nước mình sẽ phải áp dụng thế nào. Câu hỏi đó bỗng chốc trở thành một bài toán khó khi chính ông được cấp trên giao cho nhiệm vụ viết bản cáo trạng về vụ máy bay biệt kích C-47 của Mỹ, máy bay gián điệp đầu tiên thâm nhập vào miền Bắc bị bắn hạ ở Ninh Bình, trên đó có phi công Ngô Thanh Vân, Đinh Như Khoa là lính biệt kích đánh bom mìn khét tiếng.
Tổng cục Chính trị yêu cầu phải tổ chức phiên tòa đúng với công pháp quốc tế, trong khi đó, lâu nay các phiên tòa xét xử theo kiểu cũ. Để giải bài toán khó, LS Lê Đức Tiết đã lấy vụ xét xử gián điệp Mỹ lái máy bay U-2 do thám ở Nga để áp dụng trong trường hợp này.
Đây là vụ án ông được giao thực hiện từ khâu tổ chức, đề xuất ý kiến, chọn thẩm phán, đề cử luật sư và làm bản cáo trạng. Cáo trạng khi viết ra có 12 Đảng đoàn của 12 cơ quan Bộ đến nghe. Ông Tiết bồi hồi kể lại cho chúng tôi một phiên tòa rộng lớn, xử công khai ở Hà Nội nhưng không chỉ có vậy, phiên tòa còn được phát trên đài phát thanh, cả miền Nam cũng dõi theo. Như vậy phiên tòa vừa có tác dụng tuyên truyền tới nhân dân miền Nam vừa là lời cảnh báo tới quân xâm lược.
Liên tiếp những năm sau đó, Mỹ đưa biệt kích gián điệp vào miền Bắc bằng rất nhiều con đường nhưng lần nào cũng bị quân ta vây bắt và đều được đem ra xét xử. Vì vậy, từ năm 1961 đến năm 1963, ông Tiết cho rằng, thành công nhất của ông là vận dụng việc tham gia chống âm mưu gián điệp biệt kích bằng cách biến hàng chục phiên tòa này thành những vấn đề giáo dục cảnh giác cho nhân dân.
Một trong những điều ông triệt để áp dụng là thực hiện chính sách nhân đạo đối với tù binh, tôn trọng nhân phẩm của họ. Không đánh đập xỉ vả, không phân biệt tôn giáo, lấy chính nghĩa khơi gợi dòng giống đồng bào, lấy chí nhân để thu phục lòng người.
Nhắc tới những năm tháng ấy, câu chuyện bỗng ngừng lại trong giây lát, đôi mắt hằn lên những vết chân chim của người lính già như mờ hơn, ông nghiêng tai lắng nghe điều gì đó, ở ngoài kia chỉ có gió mùa vần vũ trong cơn mưa lạnh giá ào ạt táp vào ban công. Gương mặt thoáng buồn, ông bảo, tôi không bao giờ tán thành với việc bức cung dùng nhục hình vì “đánh đập nhiều sẽ xảy ra nhiều oan ức”.
Hàng chục năm cống hiến trong ngành tư pháp, Đại tá, LS Lê Đức Tiết đã tham gia công tác xây dựng điều lệ điều lệnh cơ sở quân đội chính quy hiện đại. Đồng thời ông cũng chính là một trong những người đầu tiên góp phần trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật từ những mẩu chuyện về giáo dục pháp luật. LS Lê Đức Tiết cũng là người đề xuất với Quân ủy Trung ương về xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Đối với những người như ông, cuộc sống chưa bao giờ ngừng vận động, những dự định vẫn ngổn ngang phía trước. Chính vì vậy, năm 1991, khi về hưu ông lại bắt đầu tham gia vào những cuộc hành trình khác như Hội Luật gia Việt Nam, Hội thẩm nhân dân ở Toà án Hà Nội.
Trong giai đoạn này, ông bảo, điều ám ảnh nhất đối với ông là theo đuổi các vụ kiện cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và sâu sắc hơn cả là lại được trở thành người Mặt trận.
Dù thời gian làm Mặt trận, ông chỉ tham gia xây dựng pháp luật nhưng điều khiến ông cảm động, cho đến bây giờ, khi không còn làm trong Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật của Mặt trận nữa thì hàng ngày vẫn có nhiều người gõ cửa nhà ông, nhờ tư vấn, giúp đỡ.
Trong những người thường gõ cửa nhà ông, có cả chúng tôi. Vì ông không chỉ là một người thầy trong lĩnh vực tư vấn pháp luật mà còn là một người đồng hành trong những bài báo về pháp luật. Ông bảo, khi không còn tham gia trực tiếp làm Mặt trận, những điều chưa nói hết, chưa làm được sẽ lại tiếp tục được truyền tải qua những bài báo.
Là người Mặt trận nên “phóng viên” Lê Đức Tiết chỉ viết cho báo Đại Đoàn Kết. Trong năm 2015, báo Đại Đoàn Kết đã đăng khoảng 120 bài báo của luật sư Lê Đức Tiết. Tất cả những bài viết của ông đều đề cập đến những vấn đề “nóng bỏng” của đất nước, như chất vấn và trả lời chất vấn, những vấn đề cải cách Tư pháp, vai trò của Mặt trận trong giám sát, phản biện…
Điều băn khoăn lớn nhất với ông lúc này là cơ chế chính sách đối với những nạn nhân da cam chưa được đầy đủ. Với những mất mát, đau thương nếu không có những người vì mọi người thì không thể góp phần xoa dịu. Mong mỏi lớn lao hơn nữa là Mặt trận cần thể hiện tốt hơn vai trò người đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, muốn vậy, ông Lê Đức Tiết cho rằng, phải luật hóa 5 nhiệm vụ trong Điều 9, Hiến pháp 2013. Chừng nào chưa luật hóa được bằng những điều luật cụ thể, những quy định cụ thể thì việc thực thi Hiến pháp chưa trọn vẹn.
Người ta thường nói, chữ nghĩa cũng phản ánh tính cách con người. 86 tuổi đời, gần 70 năm cống hiến cho cách mạng, giờ đây, những bài báo dưới bút danh LS Lê Đức Tiết đã nói lên khát vọng của cả đời ông- người đã cống hiến không mỏi mệt cho nền tư pháp Việt Nam, cho công lý, cho lẽ phải, dù trong hành trình đó, ông đã nếm trải không ít buồn vui, trở ngại. Nhưng có lẽ, với những người như Đại tá, LS Lê Đức Tiết, nỗi buồn, niềm vui, đâu phải cho riêng mình…