Vì một dân tộc sáng tạo, quốc gia thông minh

Nguyễn Phượng Ảnh: Thành Trung 27/04/2017 18:00

Chiều ngày 27/4, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Tọa đàm về việc tổ chức đề án phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Lê Bá Trình; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trưởng ban Thi đua khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Điện Biên, TP HCM.

Phó Chủ tịch: Trương Thị Ngọc Ánh, Lê Bá Trình; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà;
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức KH&KT Việt Nam Đặng Vũ Minh chủ trì Tọa đàm.

Năng suất lao động vẫn còn thấp

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, yếu tố nền tảng quan trọng nhất của quá trình không ngừng gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng chính là phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của mỗi người lao động Việt Nam và liên kết sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam thành sức mạnh sáng tạo của toàn dân tộc.

Vì vậy, phong trào“Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là đòi hỏi có tính quy luật, xuyên suốt để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Hơn lúc nào hết, cần đẩy mạnh các phong trào thi đua của các ngành, các giới, các địa phương và liên kết các phong trào thi đua này thành phong trào thi đua sáng tạo của cả nước nhằm vào 4 mục tiêu: Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi.

Việc phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều phong trào với những tên gọi khác nhau, góp phần nâng cao năng suất lao động của các cấp, ngành, doanh nghiệp. Tuy nhiên những phong trào này mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa tạo thành phong trào rộng lớn.

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước của Chính phủ tại Đại hội thi đua yêu nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tham mưu phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” để trình Đoàn Chủ tịch phát động thành một phong trào rộng lớn, được triển khai trong cả nước.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, để tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” thành một phong trào rộng lớn, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thành lập ban biên soạn có mời đại diện các bộ, ngành, các tổ chức thành viên Mặt trận cùng tham gia.

Dự kiến phong trào sẽ được phát động ngày 18/5/2017, ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam, lập thành tích chào mừng 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để phong trào có hiệu quả, tạo nên sự thống nhất của các tổ chức chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, UBTƯ MTTQ Việt Nam mong muốn được lắng nghe ý kiến của các bộ, ban, ngành đặc biệt ý kiến của các nhà khoa học trên lĩnh vực xã hội, các chuyên gia trong công tác Mặt trận, đoàn thể.

“Dân tộc sáng tạo, quốc gia thông minh phải trở thành con đường tất yếu để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn, giữ vững chủ quyền quốc gia trong giai đoạn hiện nay”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Quang cảnh tọa đàm.

Thúc đẩy các hoạt động sáng tạo

GS.TS Trần Ngọc Hiên, Phó Chủ nhiệm HĐTV về kinh tế cho rằng, người Việt Nam có tiềm năng trí tuệ lớn nhưng lại chưa được khai thác hết.

Chúng ta chưa thực sự đón đầu thực tiễn nên việc ra đời một phong trào như thế này là việc làm cần thiết để các nhà khoa học được sáng tạo và yên tâm làm việc. Ngoài ra, chất lượng tổ chức cán bộ hiện nay cần được nâng cao, lựa chọn những cá nhân phải thực sự có năng lực đồng thời cần phải kiểm tra, kiểm soát hoạt động để phong trào không rơi vào hư vô.

GS.TS Trần Ngọc Hiên.

“Điều kiện ban đầu để nâng cao sức sáng tạo, khả năng hợp tác là phải tạo được môi trường sáng tạo, xây dựng được tổ chức khuyến khích sáng tạo để các nhà khoa học phát huy năng lực đồng thời cần phải có kiểm tra, đánh giá hiệu quả phong trào”, GS. TS Trần Ngọc Hiên gợi mở.

Nhìn nhận ở góc độ khác, GS Nguyễn Lân Dũng lại cho rằng, chúng ta cần đánh giá thực trạng xã hội để đẩy mạnh phong trào thi đua. Khi phát động phong trào phải thực hiện đến nơi đến chốn đúng như Bác Hồ đã nói “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.

GS Nguyễn Lân Dũng.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự khen thưởng thích đáng, có sự đánh giá cụ thể đối với những cá nhân có sự sáng tạo; phải lắng nghe ý kiến góp ý thẳng thắn của bà con kiều bào đồng thời phải xây dựng được một thế hệ trẻ lành mạnh, những người trực tiếp đóng góp vào thành công của cuộc thi đua này.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm HĐTV Văn hóa - Xã hội, chúng ta phát động phong trào trên mảnh đất đang có sự sáng tạo thật sự, vì vậy cần phát động một phong trào thi đua có mục đích vì các bạn trẻ của nước ta hiện nay rất giỏi, rất thông minh.

TS Nguyễn Viết Chức.

Tuy nhiên, khi thực hiện phong trào này cần phải đổi mới, đoàn kết và cụ thể hóa các nội dung. Bên cạnh đó, cần phải có những hỗ trợ cụ thể, có cơ chế phối hợp giữa các công trình sáng tạo để làm cho ý tưởng sáng tạo đi đến tận cùng của vấn đề. Trong lĩnh vực sáng tạo cần tập trung vào các đối tượng như học sinh, sinh viên đồng thời các sáng tạo cần phải thiết thực như sáng tạo của người nông dân trong phun thuốc trừ sâu, hái quả…

Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua khen thưởng Trung ương cho biết, để thực hiện các phong trào thi đua, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, các bộ ngành Trung ương và địa phương sẽ bằng những hoạt động cụ thể để hưởng ứng phong trào này.

Lấy ví dụ từ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” rất thiết thực, đã đi vào lòng người, được người dân hưởng ứng tích cực. “Từ chủ trương chung, người đứng đầu các ngành như Mặt trận và các tổ chức đoàn thể có quyền phát động các phong trào thuộc đối tượng quản lý của mình. Tuy nhiên, khi phát động cũng cần bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm để phong trào thật dễ hiểu, dễ nhớ đồng thời phải có giai đoạn, thời gian hoạt động cụ thể góp phần thực hiện tốt phong trào”, bà Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Hà cũng gợi ý, phong trào này nên kết hợp với các phong trào thi đua của các tổ chức đoàn thể vì MTTQ chính là nơi kết nối các phong trào thi đua này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Tạo cơ chế để thúc đẩy sáng tạo

Chúng tôi bày tỏ sự đồng tình cao về việc UBTƯ MTTQ Việt Nam hiệp thương với các tổ chức thành viên tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”. Với cách thức làm như vậy sẽ phát huy được sức mạnh tổng thể của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống và tạo môi trường sáng tạo rộng rãi nhất để chúng ta có thể phát huy cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đối với Đoàn thanh niên, trong 15 năm qua chúng tôi đã triển khai phong trào tuổi trẻ sáng tạo và đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ trên 5 nhóm nội dung.

Thứ nhất là sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Thứ hai là sáng tạo trong xung kích bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc này thực hiện chủ yếu cho lực lượng vũ trang.

Thứ ba là sáng tạo trong lao động sản xuất và kinh doanh.

Thứ tư là sáng tạo trong công tác dành cho công chức, viên chức trẻ trong các cơ quan khu vực công.

Thứ năm là sáng tạo trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Việc này có rất nhiều mô hình hay của học sinh.

Từ kết quả đó, dự kiến trong Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 sắp tới , chúng tôi sẽ báo cáo với Đại Hội đoàn toàn quốc để triển khai phong trào trên rộng rãi trong các lực lượng thanh niên. Dự kiến Mặt trận sẽ hiệp thương, phân công để đoàn thanh niên thực hiện vai trò nòng cốt trong thực hiện sáng tạo khởi nghiệp đây là việc phân công rất đúng, trúng, và phù hợp với thế mạnh tiềm năng hiện nay của thanh niên.

Chúng tôi cũng tin rằng việc tạo được một cơ chế dân chủ để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, có một môi trường, chính sách pháp lý phù hợp để thúc đẩy phát triển và bảo hộ cho hoạt động sáng tạo thì hoạt động sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên thời gian tới sẽ tiếp tục nở rộ và đóng góp vào mục tiêu cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.

GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA): Cần phổ biến rộng những công trình trong Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam

Thời gian qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với VUSTA, Bộ Khoa học và Công nghệ làm được một việc rất có ý nghĩa là xuất bản sách vàng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2016. Trong đó có 71 công trình sáng tạo nổi bật nhất, có ý nghĩa ứng dụng đối với các địa phương, và các Bộ. Chúng ta tổ chức lễ trao giải thưởng hết sức long trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải phổ biến những công trình đó được áp dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống.

Và để tham gia các hoạt động sáng tạo, đầu tiên phải có sự động viên về vật chất, phải có những giải thưởng xứng đáng. Nhưng yếu tố vô cùng quan trọng đó là những động lực về tinh thần.

Thật ra, cái yếu của chúng ta là xét công trình rồi, tặng giải thưởng rồi nhưng chưa cấp cho người ta một khoản kinh phí để người ta có thể triển khai rộng hơn. Nếu đầu tư như vậy thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng thêm nhiều lần.

Bên cạnh đó, tôi rất mừng là trình độ nghiên cứu một số lĩnh vực vừa qua được đề cao. Nhiều công trình được đăng trên các tạp chí uy tín thế giới, đó là hội nhập tốt.

Đặc biệt là khả năng tiếp nhận những công nghệ mới cũng nhiều hơn. Nhưng muốn hội nhập được tốt, theo tôi có 2 việc, chuyên môn giỏi để nhận biết nhập công nghệ nào tốt, công nghệ nào không, thứ 2 là phải thật giỏi ngoại ngữ để có thể đàm phán thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì một dân tộc sáng tạo, quốc gia thông minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO