Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 đã bổ sung 4 điều luật quy định tội danh riêng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên sau hơn 1 năm thi hành, kể từ khi Bộ luật có hiệu lực, vẫn chưa khởi tố vụ án nào, dù cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã gửi gần 40 hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Cần nhanh chóng đưa quy định của Bộ luật Hình sự vào đời sống để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Cụ thể, theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến nay đã có 15 BHXH tỉnh, thành phố chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN với tổng số 43 hồ sơ.
Trong đó: 15 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 214, 1 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 215 và 27 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 216. Kết quả 2 vụ việc đã bị khởi tố nhưng theo tội danh khác: “Giả mạo trong công tác” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” (Hưng Yên). 1 vụ việc chuyển sang xử lý vi phạm hành chính do cơ quan điều tra xác định chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (Quảng Bình). 10 vụ việc cơ quan điều tra không thụ lý với lý do hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực (ngày 1/1/2018) (Đồng Nai, Đồng Tháp). 1 trường hợp công ty đã tự nguyện trả hết nợ sau khi cơ quan BHXH chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra (Hà Tĩnh). Các trường hợp còn lại cơ quan điều tra đang xem xét, nghiên cứu hồ sơ.
Theo Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), mặc dù đã có quy định trong Luật BHXH, Luật BHYT cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT (Khoản 2 Điều 138 Luật BHXH, Khoản 1 Điều 49 Luật BHYT). Tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh cụ thể đối với những hành vi bị coi là tội phạm về BHXH, BHYT nên thực tế không xử lý được. Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh thuộc lĩnh vực BHXH, BHYT đòi hỏi phải có tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự.
Nói về những khó khăn trong việc xử lý đối với tội danh trong vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm, TS Phạm Minh Tuyên- Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, mặc dù có thể vận dụng một số quy định của BLHS để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm như Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội tham ô tài sản, Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do lĩnh vực BHYT, BHXH và kinh doanh bảo hiểm có những đặc thù nên việc xử lý các loại tội có liên quan này theo các tội danh trên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Điển hình như mâu thuẫn giữa Bộ luật Hình sự với Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Tội gian lận BHYT (Điều 215) đang có sự mâu thuẫn với Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT.
“Điểm a khoản 1 Điều 215 quy định hành vi Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng bị coi là tội phạm nếu chiếm đoạt tiền BHYT từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. Trong khi đó, các hành vi vi phạm trên được quy định tại Điều 66, Điều 67 Nghị định 176/2013/NĐ-CP như sau: Cảnh cáo đối với hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự với mức vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng…”- ông Phạm Minh Tuyên dẫn chứng.
Từ những bất cập trên, tại hội thảo: Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự và những vấn đề cần hướng dẫn thi hành do TAND tối cao và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, để có thể thực hiện khởi tố những hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đại diện Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam cho rằng, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn chi tiết áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm liên quan tới bảo hiểm, như: Dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; thống nhất cách hiểu khái niệm “Trốn đóng”, hành vi “Gian dối” và “Thủ đoạn khác”… Trong đó cần phải làm rõ các khái niệm cụ thể đối với từng hành vi.
Theo Trưởng phòng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao Nguyễn Văn Tùng cho rằng, gian lận BHXH, BH thất nghiệp, BHYT là cố ý lừa dối, giấu giếm, làm sai lệch sự thật với mục đích để tư lợi BHXH, BH thất nghiệp và BHYT. Còn đối với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt là trường hợp người phạm tội sử dụng những thủ đoạn, mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm hoặc những người khác khó lường thấy trước được để đề phòng và đạt kết quả phạm tội như mong muốn. Chính vì vậy trong quá trình xây dựng Nghị quyết hướng dẫn thì cần phải làm rõ các hành vi để trong quá trình áp dụng không bị lúng túng vì khó xác định các tình tiết, mức độ vi phạm…