Giáo dục

Vì sao 120.000 thí sinh không nhập học?

Dung Hòa 30/08/2024 07:49

Từ chối đường vào đại học (ĐH) là quyền của người trẻ vì mỗi người có lựa chọn khác nhau. Thế nhưng, khi sự từ chối đó liên quan đến điều kiện kinh tế để theo học ĐH cho thấy, đã đến lúc chính sách tài chính ĐH cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

bai-tren(1).jpg
Tân sinh viên nhập học. Ảnh: Trường ĐH Thủy lợi.

Trên thực tế, tỷ lệ nhập học là chỉ số ghi nhận số lượng sinh viên chọn theo học ở các trường ĐH. Nhìn từ số liệu tuyển sinh 3 năm gần đây (2022 -2024) cho thấy, nhiều thí sinh dù có trong danh sách trúng tuyển nhưng vẫn không chọn nhập học (từ chối nhập học ĐH). Trung bình mỗi năm có khoảng trên 100 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1. Con số này đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố, trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển đợt 1 là gần 612.300, chiếm 92,7%. Tuy nhiên, tính đến hạn chót để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ, có 494.500 em đã thực hiện, chiếm 80,8% so với số trúng tuyển. Số lượng thí sinh không xác nhận nhập học lên tới 118.000. Báo cáo của Bộ GDĐT những năm qua cho thấy, tỷ lệ nhập học thấp chủ yếu rơi vào vùng trung du, miền núi nơi còn nhiều khó khăn.

Phân tích từ các chuyên gia, giờ đây có nhiều lý do khiến thí sinh không chọn đăng ký vào ĐH, hay từ chối xác nhận nhập học như: Thay đổi mục tiêu tương lai, đi du học, học nghề, xuất khẩu lao động, đi làm ngay hoặc muốn nhập học vào trường khác bằng nguyện vọng bổ sung...

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) lý giải, một bộ phận thí sinh từ chối nhập học có thể do trúng tuyển ngành chưa thực sự yêu thích. Trong khi đó, không ít thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH cho có, thực chất các em đã đi du học.

Cho rằng việc hơn 120.000 thí sinh đã trúng tuyển từ chối học ĐH là điều bình thường trong tuyển sinh, song ThS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh (Trường ĐH Công thương TPHCM) nhận định: Học phí cao là một trong những lý do khiến thí sinh trúng tuyển nhưng từ chối đến giảng đường. Bởi bên cạnh số thí sinh gia đình có điều kiện, số gia đình khó khăn về kinh tế hiện cũng rất nhiều. Học phí cao và chi phí cho cuộc sống của tân sinh viên hiện nay là một rào cản lớn. Một tân sinh viên ở trường công lập trung bình mỗi tháng sẽ phải cần khoảng 10 triệu đồng cho học phí, nhà trọ, sinh hoạt; mức chi phí này ở các trường ĐH tư thục lớn hơn rất nhiều.

Cùng đó, hiện nay cơ chế cho vay tiền để học tập chưa phù hợp. Các ngân hàng thương mại cổ phần nên tham gia vào mới giải quyết được vấn đề. Như vậy, đi kèm với tự chủ ĐH, học phí cao cần có chính sách cho vay tiền đủ thu và chi để sinh viên học tập.

Theo TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, có những thí sinh sau khi trúng tuyển mới tìm hiểu học phí các trường ĐH. Không chỉ học phí, sinh viên còn cần một khoản sinh hoạt phí để có thể theo học ĐH. Trong khi đó, chính sách cho sinh viên được vay vốn 4 triệu đồng/tháng lại chỉ thực hiện được sau khi thí sinh đã trở thành sinh viên của trường ĐH. Tuy nhiên, nếu không xác nhận nhập học vì lý do tài chính, thí sinh cần liên hệ trực tiếp các trường ĐH để tìm sự hỗ trợ. Hiện các trường ĐH có nhiều chương trình hỗ trợ tài chính với sinh viên khó khăn.

Theo TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường Đại học – Cao đẳng Việt Nam), phần đông sinh viên đi học hiện nay phải tự lo kinh phí từ nguồn gia đình. Vì vậy, cần mở rộng chính sách tín dụng đối với sinh viên để người học có nhu cầu có thể tiếp cận vốn vay và trang trải cuộc sống học tập. Đây là điều mà học sinh, sinh viên và nhiều gia đình mong muốn nhất hiện nay. Để có thêm nguồn lực, các cơ sở đào tạo cần phải xem lại tính hiệu quả trong hoạt động của mình; đồng thời đa dạng được nguồn thu để giảm phụ thuộc vào việc tăng học phí. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng quỹ học bổng và cơ chế tài chính để hỗ trợ sinh viên khi học phí tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao 120.000 thí sinh không nhập học?