Mới đây, CNBC dẫn báo cáo mới nhất của tập đoàn tài chính Mỹ Goldman Sachs cho rằng Ấn Độ đang nắm giữ nhiều lợi thế để vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075. Trong khi đó, trước sự bùng nổ của kinh tế Ấn Độ, hãng tư vấn tài chính S&P Global và ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) nhận định Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, vượt qua Đức và Nhật Bản. Hiện Ấn Độ đã vượt qua Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
"Tỉ lệ phụ thuộc của nền kinh tế Ấn Độ trong 2 thập kỷ tới sẽ ở mức thấp nhất trong khu vực" - ông Santanu Sengupta, nhà kinh tế học Ấn Độ của Goldman Sachs, nhận định. Tỷ lệ phụ thuộc của một quốc gia được đo bằng số người phụ thuộc so với tổng dân số trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ phụ thuộc thấp cho thấy có nhiều người trong độ tuổi lao động có khả năng hỗ trợ trẻ em và người cao tuổi.
Yếu tố chính để Goldman Sachs đưa ra dự đoán trên là ngoài ưu thế dân số đang phát triển còn bởi Ấn Độ đạt được nhiều thành tựu về đổi mới và công nghệ, đầu tư và năng suất lao động tăng lên. Riêng trong năm nay, doanh thu ngành công nghệ của Ấn Độ dự kiến tăng thêm 245 tỷ USD. Sự tăng trưởng đó đến từ công nghệ thông tin, quản lý quy trình kinh doanh và các dòng sản phẩm phần mềm.
Goldman Sachs cũng cho rằng sự phát triển của kinh tế Ấn Độ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, không giống như nhiều nền kinh tế khác phụ thuộc vào xuất khẩu khi mà 60% tăng trưởng ở Ấn Độ là do tiêu dùng và đầu tư trong nước.
Ấn Độ, đất nước đông dân nhất thế giới (hơn 1,42 tỷ người, chiếm 17,68% dân số thế giới tính đến ngày 14/7/2023). Trước đây 10 năm, không một kinh tế gia nào dù lạc quan nhất đưa ra dự đoán Ấn Độ sẽ công nghiệp hóa thành công, khi mà có tới gần 70% dân số sống ở vùng nông thôn.
Tính tới năm 2021, Ấn Độ có tới 140 tỷ phú USD. Đáng chú ý hầu hết trong số họ không ra nước ngoài mà sống tại quê nhà, đầu tư tại quê nhà. Trong số 10 tỷ phú giàu nhất Ấn Độ, thì có 8 tỷ phú “xây dựng đế chế” trong nước.
Giới quan sát quốc tế cho rằng tình yêu quê hương là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp người Ấn bật lên nhanh chóng trong 3 thập niên gần đây. “Nền văn minh Sông Hằng một lần nữa lại trỗi dậy” - Raffi Maldali, cựu chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley (Mỹ) nhận xét.