Với lịch sử có từ ít nhất là thế kỷ 13, Nhẫn Ngư phủ là một trong những vật phẩm dễ nhận biết nhất trong bộ lễ phục của Giáo hoàng.
Được đặt theo tên của Thánh Peter, một ngư dân theo Công giáo truyền thống và là Giáo hoàng đầu tiên, chiếc nhẫn này được Giáo hoàng Francis đeo trong các nghi lễ trong suốt 12 năm trị vì của Ngài.
Trong bối cảnh hiện tại, theo truyền thống, chiếc nhẫn của cố Giáo hoàng sẽ bị phá hủy tại Vatical.
Đây là một nghi lễ có nguồn gốc lâu đời. Nhẫn Ngư phủ và một mặt dây chuyền gọi là bulla theo truyền thống được dùng làm con dấu cho các bức thư và tài liệu chính thức của Giáo hoàng. Mỗi Giáo hoàng mới đến sẽ được cấp một chiếc nhẫn mới và để ngăn chặn việc làm giả các bức thư hoặc sắc lệnh sau khi Giáo hoàng qua đời, cả 2 vật phẩm sẽ bị đập vỡ bằng búa. Từ năm 1521 đến năm 2013, đây chính xác là những gì đã xảy ra.
"Nó tương tự với việc xóa thông tin đăng nhập khỏi tài khoản mạng xã hội để ngăn chặn những kẻ giả mạo sử dụng con dấu giả trên các tài liệu", Christopher Lamb, phóng viên Vatican của CNN cho biết.
Theo thông lệ, Camerlengo (Giáo chủ thị thần) của Giáo hội, một hồng y cấp cao được bổ nhiệm để giám sát quá trình chuyển đổi, sẽ phá hủy chiếc nhẫn và bulla trước sự chứng kiến của Hồng y đoàn sau khi tuyên bố Giáo hoàng qua đời.
Nghi lễ này vẫn tiếp tục trong thời gian dài sau khi những đồ vật này không còn được sử dụng làm con dấu (về mặt chức năng, chúng đã được thay thế bằng một con dấu vào giữa thế kỷ 19). Nhưng khi người tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis là Giáo hoàng Benedict XVI trở thành Giáo hoàng đầu tiên sau sáu thế kỷ từ chức, một truyền thống mới đã được thiết lập: Một cây thánh giá được khắc sâu vào bề mặt chiếc nhẫn bằng một cái đục.
Hiện tại, Camerlengo Kevin Joseph Farrell, Hồng y người Ireland được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm vào vai trò này vào năm 2023, dự kiến sẽ phá hủy chiếc nhẫn trước khi diễn ra mật nghị bầu tân Giáo hoàng — quá trình mà Giáo hoàng tiếp theo sẽ được lựa chọn.
Nhẫn Ngư phủ đã khác nhau qua nhiều thế kỷ. Trong khi hầu hết chúng đều có hình ảnh Thánh Peter và chìa khóa của Tòa thánh — gợi lại khoảnh khắc ông được trao chìa khóa lên thiên đường — thì không có nhiều yếu tố khác chi phối thiết kế của chúng. Do đó, chúng thường phản ánh thời trang của thời đó hoặc tinh thần của Giáo hoàng đang được đề cập.
“Nhẫn Ngư phủ thường được thợ kim hoàn làm thủ công cho vị Giáo hoàng mới, tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Francis đã đi ngược lại xu hướng bằng một chiếc nhẫn tái chế. Để phù hợp với cách tiếp cận khiêm tốn của người tiền nhiệm, Giáo hoàng Francis đã chọn không ủy quyền tạo ra một tác phẩm mới, mà thay vào đó sử dụng một chiếc nhẫn từ thư ký của Giáo hoàng Paul VI", ông Lamb cho biết.
"Chiếc nhẫn sở hữu", theo cách gọi của Vatican, từng thuộc sở hữu của thư ký của Giáo hoàng Paul VI, Tổng giám mục Pasquale Macchi, người đã qua đời vào năm 2006. Nó được làm từ bạc mạ vàng, thay vì vàng nguyên chất.
Số phận của chiếc Nhẫn Ngư phủ sau mật nghị, giống như nhiều câu hỏi xung quanh quá trình lựa chọn bí mật, vẫn chưa được tiết lộ.