Hợp tác làm ăn giữa Công ty Cổ phần Kính mắt Hà Nội và Công ty TNHH Phát triển tan rã. Nhưng gần 8 năm qua, dù 2 cấp Tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm ra phán quyết, nhưng Công ty Cổ phần Kính Mắt Hà Nội vẫn chưa 'lấy lại' được ngôi nhà cho Công ty TNHH Phát triển thuê.
Vi phạm thỏa thuận nhưng không trả nhà?
Theo bản án, Công ty Cổ phần Kính Mắt Hà Nội được hình thành theo Quyết định số 5778/QĐ-UB ngày 29/12/1999 của UBND TP Hà Nội về việc: “chuyển doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Kính Mắt Hà Nội thành Công ty Cổ phần Kính mắt Hà Nội”.
Theo quyết định 5778/QĐ-UB, Công ty Cổ phần Kính Mắt Hà Nội được quyền sở hữu toàn bộ nhà đã được xác định trong giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, trong đó có ngôi nhà tại biển số nhà 51 Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với diện tích sàn xây dựng 476,3 m2… Đồng thời theo quyết định này, Công ty CP Kính mắt được ký hợp đồng thuê đất của Nhà nước theo Luật đất đai bao gồm cả khuôn viên mà Công ty Kính Mắt Hà Nội đang sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh của công ty.
Năm 2010 Công ty CP Kính Mắt Hà Nội ký hợp đồng thuê đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 51 Trần Nhân Tông với mục đích để làm Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt có thời hạn sử dụng thuê 30 năm tính từ ngày 29/12/1999.
Giai đoạn sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Kính Mắt Hà Nội đã lựa chọn Công ty TNHH Phát Triển làm đối tác và ký các hợp đồng hợp tác liên doanh trong các năm 2000, 2002, 2007.
Việc hợp tác giữa hai công ty dẫn đến hình thành Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt Hà Nội hoạt động với tư cách là một chi nhánh của Công ty CP Kính Mắt Hà Nội. Quá trình hợp tác này, Công ty CP Kính Mắt Hà Nội đã lấy ngôi nhà số 51 Trần Nhân Tông làm nơi hoạt động cho Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt Hà Nội.
Năm 2014 khi có các biến động về mô hình kinh doanh dẫn đến việc ngừng hợp tác, giải thể Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt Hà Nội.
Để chấm dứt việc hợp tác kinh doanh, ngày 26/3/2014, hai công ty đã lập Biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh và rút vốn đầu tư số: 01/TLHD-HTKD-RVĐT/KM-PT/2014.
Theo đó, hai bên đã đồng ý chính thức thanh lý các hợp đồng liên doanh: Hợp đồng hợp tác liên doanh ngày 25/1/2000; Hợp đồng hợp tác liên doanh ngày 18/4/2002; Hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 2/5/2007 và các phụ lục kèm theo; Biên bản thỏa thuận ngày 1/11/2003.
Cũng theo biên bản thanh lý này, Công ty CP Kính mắt Hà Nội chính thức dừng việc hợp tác kinh doanh tại Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt, đồng thời rút toàn bộ vốn đầu tư và nhận lợi nhuận phân phối có tổng trị giá là 4 tỷ đồng.
Song song với việc thanh lý các hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty CP Kính mắt Hà Nội đã ký một hợp đồng cho Công ty Phát triển thuê lại ngôi nhà 51 Trần Nhân Tông với giá 315 triệu đồng/tháng. Sau đó, Công ty TNHH Phát Triển đã làm thủ tục thành lập Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội và được cấp phép hoạt động vào tháng 4/2015.
Tuy nhiên, các tài liệu mà Công ty Cổ phần Kính Mắt Hà Nội cũng cấp cho thấy trong quá trình thực hiện hợp đồng thuê nhà, Công ty TNHH Phát triển chỉ trả 170 triệu đồng tiền thuê nhà/ tháng. Sau nhiều lần yêu cầu Công ty TNHH Phát Triển thực hiện nghiêm túc cam kết hợp đồng nhưng không nhận được phản hồi tích cực, tháng 7/2016 Công ty CP Kính mắt Hà Nội quyết định chấm dứt hợp đồng cho thuê. Đồng thời yêu cầu Công ty Phát Triển bàn giao lại ngôi nhà số 51 Trần Nhân Tông, nhưng đáp lại chỉ là sự bất hợp tác từ phía Công ty TNHH Phát Triển.
Qua 2 cấp tòa vẫn chưa lấy lại được tài sản
Để lấy lại quyền và lợi ích hợp pháp, Công ty CP Kính Mắt Hà Nội đã khởi kiện Công ty TNHH Phát Triển ra tòa. Ngày 13/7/2020, Tòa án nhân dân (TAND) quận Tây Hồ đã xét xử và ra Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 04/2020/KDTM quyết định: Buộc Công ty TNHH Phát Triển phải trả tiền thuê nhà, sử dụng nhà và tiền lãi, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng. Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Phát Triển phải giao mặt bằng căn nhà số 51 Trần Nhân Tông cho Công ty CP Kính mắt Hà Nội quản lý sử dụng.
Không đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm, Công ty TNHH Phát Triển và Bệnh Viện mắt kỹ thuật cao (chi nhánh của Công ty TNHH Phát Triển) đã kháng cáo cho rằng: Công ty CP Kính Mắt Hà Nội không có quyền sở hữu nhà 51 Trần Nhân Tông; Quyền sở hữu nhà 51 Trần Nhân Tông đã được Công ty CP Kính Mắt Hà Nội góp vốn cho Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội, thậm chí cho rằng tòa án cần công nhận quyền sở hữu nhà 51 Trần Nhân Tông cho Bệnh viện mắt kỹ thuật cao.
Ngày 29/6/2022 TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và ra bản án số: 106/2022/KDTM-PT quyết định bác kháng cáo của Công Ty Phát Triển và Bệnh Viện mắt kỹ thuật cao, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Phát Triển phải trả tiền thuê nhà, bồi thường thiệt hại và giao trả mặt bằng 51 Trần Nhân Tông cho Công ty Kính mắt như Bản án sơ thẩm đã tuyên.
Ngày 18/7/2022, Chi cục thi hành án dân sự quận Tây Hồ đã ra quyết định thi hành án đối với Công Ty Phát Triển theo bản án phúc thẩm. Ngày 29/7/2022, TAND Cấp Cao tại Hà Nội đã có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án tạm hoãn thi hành án trong thời hạn 3 tháng để có thời gian xem xét thủ tục giám đốc thẩm theo đơn của Công Ty Phát Triển.
Hết thời hạn xem xét, ngày 18/5/2023 Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng theo sự ủy thác của Chi cục THADS quận Tây Hồ đã ra quyết định cưỡng chế trả nhà, giao nhà 51 Trần Nhân Tông.
Đến đây, tưởng chừng tranh chấp thương mại kéo dài nhiều năm giữa hai công ty đã kết thúc, Công ty TNHH Phát Triển sẽ phải chịu trách nhiệm với các thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà. Nhưng đến nay căn nhà số 51 Trần Nhân Tông vẫn chưa được trả về cho chủ sở hữu là Công ty CP Kính Mắt Hà Nội.
Luật sư Trần Thị Ngọc Trang, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Tại cấp sơ thẩm, Công ty Kính Mắt Hà Nội có đơn khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà và buộc Công ty Phát Triển phải trả lại nhà 51 Trần Nhân Tông cũng như thanh toán các khoản tiền thuê nhà, sử dụng nhà, tiền phạt vi phạm và các khoản tiền khác liên quan; Công Ty Phát Triển (và Bệnh viện mắt kỹ thuật cao - chi nhánh của Công ty Phát Triển, được coi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) không có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập nào. Điều đó có nghĩa phạm vi giải quyết của tòa án trong vụ án này chỉ giới hạn trong phạm vi đơn khởi kiện của Công ty Kính Mắt Hà Nội. “Ở vụ án này, biên bản thanh lý và hợp đồng thuê nhà đã được Công ty Kính Mắt Hà Nội và Công ty Phát Triển tự nguyện thỏa thuận. Các thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, do đó biên bản thanh lý và hợp đồng thuê nhà này có hiệu lực đối với các bên và phải được các chủ thể khác tôn trọng” - Luật sư Trang nói.